Vì sao chống tham nhũng lại khó khăn đến vậy?

04/01/2016 06:20
Ths.Trương Khắc Trà
(GDVN) - Tại sao một đất nước đã trải qua biết bao thăng trầm, không thể bị đánh bại bởi một thế lực hùng mạnh nào nhưng lại lúng túng trước tham nhũng?

LTS: Việt Nam vào tốp những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới. Xã hội nhức nhối mỗi ngày vì tham nhũng, vì sự tha hóa của tư tưởng đạo đức người cán bộ. 

Vậy làm sao mới có thể phòng chống quốc nạn này, trong bài viết này Ths.Trương Khắc Trà mạnh dạn đề xuất biện pháp. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Tham nhũng là một loại tội phạm đặc biệt vì nó “ăn” trực tiếp vào ngân khố quốc gia, hút kiệt lòng tin của nhân dân, gây tha hóa nhanh nhất tư tưởng đạo đức của người cán bộ và cũng là cội nguồn của lợi ích nhóm, chia rẽ bè phái làm suy yếu đất nước.

Hiện nay tham nhũng đã trở thành quốc nạn, một thứ giặc nội xâm đục khoét đến mục nát thân chủ, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai tích cực, có tác dụng thiết thực trên nhiều mặt nhưng vẫn còn đó một vài câu hỏi làm nhức nhối lòng dân, tham nhũng trốn ở đâu mà không thấy? Vì sao chống tham nhũng lại khó khăn đến vậy?

Khó có thể nói rằng công tác phòng chống tham nhũng đã “gặt hái” được nhiều thành công khi đi đâu dân cũng kêu trời, còn các cơ quan chức năng vẫn toát mồ hôi truy tìm...thủ phạm.

1 triệu người kê khai tài sản chỉ có 5 trường hợp không trung thực, kết quả thanh tra tại 2 thành phố lớn nhất nước trong năm 2015 không phát hiện thấy tham nhũng, nhưng tại sao lại nhức nhối đến vậy?

Vì sao chống tham nhũng lại khó khăn đến vậy? (Ảnh: tuoitre.vn)
Vì sao chống tham nhũng lại khó khăn đến vậy? (Ảnh: tuoitre.vn)

Tham nhũng ngày càng tinh vi, đủ mọi phương thức, từ xưa đến nay chúng ta thường hay tưởng rằng chỉ có những vụ việc cộm cán như PMU, Vinashin, Vinaline, Agribank Nam Hà Nội…làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng mới đáng mặt gọi là tham nhũng! 

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một mối nguy tham nhũng khác không đình đám, không ông này bà nọ nhưng vô cùng nguy hiểm đó là tham nhũng vặt.

Ăn cắp giờ hành chính, xe công phục vụ việc tư, một loạt các địa phương thiếu tiền trả lương, không có tiền trả nợ… làm dư luận dấy lên nhiều hoài nghi có “mùi” khuất tất, những sự việc đó tuy rằng chưa phải quá nghiêm trọng đến quốc kế dân sinh nhưng không thể nào coi đó là chuyện bình thường khi tổng của những cái đơn lẻ sẽ tạo thành cái khổng lồ.

Vì sao chống tham nhũng lại khó khăn đến vậy? ảnh 2

Phát hiện hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan còn yếu

(GDVN) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ như vậy tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng vào chiều 22/12.

Loại tham nhũng này xuất phát từ lòng tham vặt và tư tưởng méo mó của người Việt “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, từ quan niệm sống đã trở thành phổ biến “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”…

Đôi khi nó chỉ là những cái “lót tay” nhẹ để đổi lấy sự châm chước, sự ưu tiên hay những khoản “bôi trơn’ nho nhỏ như: nhân viên các cơ quan công quyền các cấp gây khó dễ đối với người dân đến giao dịch để nhận tiền “bồi dưỡng”, “tiền trà nước” …

Theo số liệu khảo sát Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam từ dự án PAPI thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc cho thấy có 42% người dân cho rằng họ vẫn phải hối lộ khi đi khám bệnh ở bệnh viện tuyến quận, huyện, 30% người dân được hỏi cho rằng có tham nhũng khi làm thủ tục liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 24% cho rằng phải mất thêm tiền khi xin cấp phép xây dựng, 42% nêu có tiêu cực khi xin việc vào cơ quan nhà nước... 

Loại hình tham nhũng vặt không quá khó để phát hiện nhưng đôi lúc vụn vặt làm nảy sinh tâm lý… chủ quan, nó như những mụn ghẻ tuy không gây chết người ngay tức khắc nhưng ngứa ngáy khó chịu và là nguồn cơn của vô vàn các bệnh khác. 

Tuy là vặt vãnh nhưng đây là chất gây “nghiện” cho cán bộ khiến họ càng ngày càng dùng liều cao hơn mới thỏa mãn.
 
Tinh vi và phức tạp hơn, là loại tham nhũng đã được “lập trình”, “cài cắm” sẵn từ trong chính sách, tạo ra những kẻ hở trong Luật để nhóm lợi ích có thể tận dụng khai thác, hợp pháp hóa tham nhũng; doanh nghiệp “lách” luật để trốn thuế, dự án mọc nhầm chỗ, công trình chưa thi công đất xung quanh đã vùn vụt tăng giá, ngân hàng tuyển dụng ưu tiên con cháu, hiện tượng “giấy phép con” trái luật… là một trong những biểu hiện đầu tiên của tham nhũng chính sách.

Tham nhũng chính sách sẽ rất khó để nhận diện và nếu có nhận diện được thì việc chống cũng không phải đơn giản, nó như là dòng sông bị ô nhiễm từ thượng nguồn nên hạ lưu không thể nào tránh được, muốn giải quyết tận gốc phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc.

Nguy hại lớn nhất của tham nhũng chính sách là làm giảm niềm tin trong nhân dân. Nếu một ngành nào đó xây dựng bộ luật cho ngành mình, chỉ chú ý chuyện có lợi cho ngành mình thì sẽ xảy ra chuyện các ngành khác thắc mắc, còn người dân khi phát hiện ra thì không tâm phục, khẩu phục” là nhận xét của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương.

Đâu là biện pháp căn cơ?

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ sự kiện năm 2013 khi Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa vì khủng hoảng nợ, gần 2 triệu công chức đã nghỉ việc không lương và 553 nghị sỹ đã trả lại lương cho Chính phủ vì xấu hổ, đó là một biểu hiện không thể tuyệt vời hơn của lòng tự trọng và lòng yêu nước.

Lòng tham là phạm trù vĩnh viễn, gắn chặt với con người như là một đặc tính cố hữu, chính nó là cội nguồn của tham nhũng nhưng tại sao lòng tham người Việt lại ghê gớm đến vậy, khi bảng xếp hạng thế giới điền tên Việt Nam vào tốp những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao nhất.

Vì sao chống tham nhũng lại khó khăn đến vậy? ảnh 3

Mâu thuẫn nào là động lực phát triển xã hội?

(GDVN) - Phải chăng vấn đề con người, vấn đề nhân sự cấp bách đến mức cần phải đặt ra một cách quyết liệt vượt trên vấn nạn tham nhũng hiện nay?

Chỉ khi lòng tự trọng và tự tôn dân tộc đã cạn khô mới khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất để biển thủ, tiêu xài vô tội vạ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của hàng triệu người dân, lòng yêu nước, tinh thần nhân văn cao thượng của người Việt đã bị những đồng tiền đánh bật.

Bởi vậy chống tham nhũng phải lấy phòng làm nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh việc thắt chặt hơn những kẻ hở trong luật, tăng nặng hình phạt và mạnh tay trong xử lý phải nâng cao ý thức của cán bộ công chức về tham nhũng bởi suy cho cùng luật cũng do con người đặt ra, dù kín kẽ đến đâu người ta vẫn có cách để lách.

Tại sao một đất nước đã trải qua biết bao thăng trầm, không thể bị đánh bại bởi một thế lực hùng mạnh nào nhưng lại lúng túng trước tham nhũng?

Luật, chế tài, các phương thức kiềm chế tham nhũng suy cho cùng chỉ là các biện pháp kiểu “nóng tay bắt lỗ tai” tham nhũng sẽ giảm nếu mỗi người cán bộ, lãnh đạo ý thức được trách nhiệm của mình với Tổ quốc, ý thức được việc lấy tiền dân làm giàu cá nhân là tội lỗi.

Chỉ khi nào con người ý thức được quốc gia, Tổ quốc là ngôi nhà của chính mình, phải có trách nhiệm với đất nước với nhân dân, xót xa trước những đồng tiền của nhân dân lúc đó tham nhũng mới có thể thuyên giảm từ gốc.

Tài liệu tham khảo:

http://danviet.vn/chinh-tri/tham-nhung-chinh-sach-lam-dao-lon-trat-tu-xa-hoi-638526.html

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/agribank-tuyen-dung-nhan-su-uu-tien-cho-nguoi-trong-nha-20151025131006085.htm

http://www.tienphong.vn/the-gioi/hang-loat-nghi-sy-my-tra-lai-luong-vi-xau-ho-648740.tpo

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20140403/tham-nhung-vat-khap-noi/601190.html     

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vn-nam-trong-nhung-nuoc-tham-nhung-cao-nhat-the-gioi-1966258.html

Ths.Trương Khắc Trà