Vì sao học sinh bỏ học?

05/12/2011 12:00
Theo Tuổi trẻ
Tổng cục Thống kê đưa ra con số 1,2 triệu học sinh bỏ học (theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009) nhưng Bộ GD-ĐT khẳng định thực tế không nhiều đến mức đó.

Nhóm Young Lives (Những cuộc đời trẻ thơ) vừa khảo sát nguyên nhân 1,2 triệu học sinh bỏ học. Còn theo Bộ GD-ĐT, việc đưa ra con số tuyệt đối là “rất khó và không chính xác”. Tuy vậy, cả hai đều nhìn nhận nguyên nhân chính là do học sinh chán học và kinh tế khó khăn...

Ngoài việc dạy học ở lớp, thầy cô của Trường xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam phải vất vả đi vận động phụ huynh đưa con em đến trường đều đặn. Trong ảnh: cô giáo Nguyễn Thị Nguyên dạy học sinh đánh vần - Ảnh: Tiến Thành
Ngoài việc dạy học ở lớp, thầy cô của Trường xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam phải vất vả đi vận động phụ huynh đưa con em đến trường đều đặn. Trong ảnh: cô giáo Nguyễn Thị Nguyên dạy học sinh đánh vần - Ảnh: Tiến Thành

Nói về con số 1,2 triệu học sinh bỏ học, TS Lê Thúc Dục, trưởng nhóm nghiên cứu định lượng chương trình Những cuộc đời trẻ thơ (Viện Khoa học xã hội VN), khẳng định từ năm 2008, công bố toàn cầu của UNESCO đã đưa ra con số VN có 1 triệu học sinh bỏ học. Hai năm 2009-2010, số học sinh bỏ học tiếp tục tăng chứ không giảm.

Nhóm nghiên cứu: 40% là chán học

80% trẻ đi học là được công nhận phổ cập

Theo số liệu do Bộ GD-ĐT cung cấp, hiện nay 100% số xã, huyện trên cả nước đã hoàn thành phổ cập xóa mù chữ. Có 55/63 tỉnh thành hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Tính đến tháng 6-2011 toàn quốc có 1.1016/1.1088 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS đạt 99,4%, 100% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Tuy nhiên, theo quy định, một xã chỉ cần đạt từ 80% số người trong độ tuổi đi học trở lên là đã được công nhận phổ cập.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn về con số đã công bố trong điều tra này. TS Dục cho rằng: “Không có gì chính xác đến 100%. Nhưng chúng tôi khẳng định đã định lượng, kiểm tra rất kỹ, phương pháp nghiên cứu tôi nghĩ là hiện đại, không sai sót về phương pháp, bài test để thực hiện nghiên cứu là bài test quốc tế. Đây là tỉ lệ cao nhất ở Đông Nam Á và là điểm yếu của VN khi cạnh tranh nhân lực. Ở châu Á, Bangladesh, Indonesia cũng có học sinh bỏ học nhiều nhưng không bằng VN”.

TS Lê Thúc Dục cho biết: “Chúng tôi kiểm tra lại trên mẫu là cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc 2009 do Tổng cục Thống kê thực hiện (cứ 10 năm công bố/lần và tiếp tục cập nhật số liệu các năm tiếp theo) đưa ra con số chính xác là VN có 1,2 triệu học sinh đã bỏ học, trong đó số trẻ trong độ tuổi từ 7-11 tuổi thời điểm tháng 4-2009 không đến trường là 298.000 cháu, nhóm 12-15 tuổi tháng 4-2009 không đến trường là 613.000 cháu. Nhóm 16 tuổi không đến trường là 325.000 cháu, tổng cộng đến thời điểm tháng 4-2009 có khoảng 1,2 triệu cháu nhóm 7-16 tuổi không đến trường”.

Về lý do dẫn đến tỉ lệ trẻ bỏ học cao, chương trình Những cuộc đời trẻ thơ đã khảo sát các thành viên 6-18 tuổi trong gia đình trẻ tham gia nghiên cứu (3.000 trẻ sinh các năm 1994-1995 và 2000-2001). Trong số 491 thành viên đã bỏ học, 40% cho biết lý do thứ nhất là chán học, 12% nói lý do bỏ học vì phải làm việc nhà, 8% nói lý do thứ nhất do học phí cao, 7% nói lý do thứ nhất bỏ học là phải đi làm kiếm tiền...

Bộ Giáo dục & Đào tạo: hơn 200.000 học sinh bỏ học/năm

Trong khi đó, ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT, cho biết mỗi năm học Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT phải thống kê và báo cáo tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường, số lượng học sinh bỏ học ở các thời điểm sau học kỳ 1, sau học kỳ 2 của năm học đó và trong dịp học sinh nghỉ hè.

Trao đổi với PV xung quanh con số 1,2 triệu học sinh trong độ tuổi đi học không đi học của Tổng cục Thống kê, ông Quang cho rằng: “Con số Tổng cục Thống kê thực hiện là ở ngoài cộng đồng trong một thời điểm nhất định, còn số liệu của Bộ GD-ĐT là kiểm tra từ hệ thống các nhà trường trong mỗi năm học. Việc thống kê của Bộ GD-ĐT nhằm để theo dõi, quản lý hoạt động giáo dục trên cả nước, có giải pháp khắc phục tình trạng bỏ học. Trên thực tế, với đặc thù của ngành GD-ĐT, việc đưa ra con số tuyệt đối người trong độ tuổi không đi học theo phương pháp số học là rất khó và không chính xác.”

Tuy nhiên theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ trong năm học 2010-2011 đã có đến 212.800 học sinh bỏ học. Trong khi đó, tổng số học sinh cả nước là 14.849.288 học sinh. Trước đó năm học 2009-2010, số học sinh bỏ học còn cao hơn với 229.617 học sinh. Dĩ nhiên, những con số thống kê trên chưa tính đến số người trong độ tuổi đi học ở ngoài cộng đồng (bỏ học các năm trước). Để nắm con số này, Bộ GD-ĐT phối hợp với các địa phương có điều tra riêng để phục vụ công tác phổ cập giáo dục.

Em Nguyễn Hồng Thái (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) phải nghỉ học đi đánh giày kiếm sống - Ảnh: Thái Bá Dũng
Em Nguyễn Hồng Thái (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) phải nghỉ học đi đánh giày kiếm sống - Ảnh: Thái Bá Dũng

Không lơ là ngăn dòng bỏ học

Tuy số liệu học sinh bỏ học của Bộ GD-ĐT giảm so với các năm trước, nhưng ở một số tỉnh thành, có những cơ sở giáo dục, học sinh bỏ học có dấu hiệu tăng cục bộ. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Yên Bái, năm 2010-2011 toàn tỉnh chỉ còn 0,86% học sinh bỏ học. Nhưng ở một số nơi tỉ lệ này vẫn tăng so với năm học trước. Ví dụ bậc tiểu học ở Trạm Tấu tăng 0,51%, tỉ lệ học sinh THCS bỏ học cũng tăng ở huyện Lục Yên, Nghĩa Lộ (tăng 0,56-0,59%). Nhiều trường THPT ở Yên Bái có tỉ lệ học sinh bỏ học tăng lên, riêng hệ bổ túc văn hóa, tỉ lệ bỏ học tăng lên 11,47%. Có 5/9 trung tâm giáo dục thường xuyên có tỉ lệ bỏ học ở mức 10%.

Tại Bến Tre, đại diện Phòng GD-ĐT huyện Thạnh Phú cho biết theo kết quả kiểm tra đầu năm 2011, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm nhưng có một số trường tỉ lệ này cao hơn mặt bằng chung. Tuy tỉ lệ học sinh bỏ học chung của vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên năm học 2010-2011 giảm nhưng theo ông Nguyễn Tấn Thắng (giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam kiêm trưởng thi đua các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên), Lâm Đồng vẫn có số học sinh THCS bỏ học tăng 0,01%, Đắk Lắk có tỉ lệ học sinh THPT bỏ học tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, trưởng thi đua khu vực năm tỉnh thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học cần tăng cường việc phân loại học sinh, cử giáo viên bồi dưỡng học sinh yếu kém để động viên từng đối tượng bỏ học do học kém, chán học tiếp tục ra lớp. Các trường nên thành lập tổ tư vấn tâm lý giáo dục nhằm cập nhật tình hình học sinh bỏ học, nguyên nhân bỏ học và có các giải pháp vận động, hỗ trợ học sinh.

Mặc dù khẳng định tỉ lệ bỏ học giảm trong những năm gần đây, nhưng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển vẫn cho rằng khắc phục tình trạng học sinh bỏ học là một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể lơ là, kể cả những nơi đã hoàn thành phổ cập giáo dục. Trong các nguyên nhân khiến học sinh bỏ học, tình trạng học sinh yếu kém, chán học, kinh tế khó khăn, giao thông không thuận tiện là những yếu tố chính được nhiều địa phương nhắc đến.

Bên cạnh việc đề nghị các địa phương quan tâm hỗ trợ học sinh nghèo, mở rộng mạng lưới trường học đến các thôn, bản vùng khó khăn, việc nỗ lực khắc phục tình trạng học sinh yếu kém được Bộ GD-ĐT xem như giải pháp quan trọng trong việc ngăn dòng học sinh bỏ học.

Chương trình nghiên cứu đến năm 2017

“Những cuộc đời trẻ thơ” là một chương trình nghiên cứu quốc tế về việc thay đổi tình trạng nghèo của trẻ em. Chương trình này tìm hiểu những nguyên nhân và hậu quả của tình trạng nghèo của trẻ em, tác động của các chính sách đối với cuộc sống của trẻ, cung cấp thông tin cho quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với trẻ em. Đối tượng nghiên cứu là 12.000 trẻ em ở bốn quốc gia gồm Ấn Độ, Ethiopia, Peru và VN.

Mỗi nước theo dõi 3.000 trẻ được chia theo hai nhóm độ tuổi khác nhau gồm 2.000 trẻ sinh năm 2001-2002 và 1.000 trẻ sinh năm 1994-1995. Thời gian thực hiện từ năm 2002-2017. Đối tác tham gia chương trình này là Trường đại học Oxford (Vương quốc Anh) cùng các tổ chức nghiên cứu của bốn quốc gia trên. Tình trạng trẻ em không đi học là một trong những vấn đề tổ chức này quan tâm. Tại VN, chương trình này đã tham khảo các số liệu về học sinh bỏ học do UNESCO và Tổng cục Thống kê cung cấp.

Theo Tuổi trẻ