Vì sao Trung Quốc lặng im đối với tình hình ở Ukraine hiện nay?

04/03/2014 08:12
Việt Dũng
(GDVN) - "Ukraine gia nhập EU không có lợi cho Trung Quốc, nhưng toàn lực ủng hộ Nga cũng không có lợi cho Trung Quốc...".
Có bình luận cho rằng: Không có Ukraine thì không có thành tựu quốc phòng của Trung Quốc hiện nay (ảnh nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
Có bình luận cho rằng: Không có Ukraine thì không có thành tựu quốc phòng của Trung Quốc hiện nay (ảnh nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)

Ngày 2 tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tần Cương trả lời câu hỏi về tình hình Ukraine cho biết, Trung Quốc lên án hành động bạo lực cực đoan xuất hiện ở Ukraine trong giai đoạn trước, tình hình Ukraine phát sinh vấn đề như hiện nay là có nguyên nhân, Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình  hình.

Đúng vào lúc tình hình Ukraine từ khủng hoảng trong nước chuyển thành "điểm nóng" quốc tế, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nga qua lại như con thoi hòa giải, còn Thủ tướng các nước dồn dập lên tiếng, truyền thông đưa tin rất tập trung, nhưng Trung Quốc lại lặng lẽ khác thường.

Trong hơn 3 tháng tình hình Ukraine bất ổn, truyền thông Trung Quốc chỉ đưa tin trình tự tiến triển của tình hình, đến Bộ Ngoại giao cũng không đưa ra quan điểm thể hiện lập trường.

So với tuyên bố của các nước lớn như Mỹ cảnh báo Nga không nên xuất binh, Đức, Pháp, Anh từ âm thầm đến công khai ủng hộ phe đối lập, Nga nghi ngờ tính hợp pháp của nghị quyết Quốc hội Ukraine dưới sức ép của phe đối lập...

Trung Quốc giống như "người ngoài" không liên quan gì, tỏ ra im hơi lặng tiếng. Lẽ nào sự thay đổi ở Ukraine không có liên quan gì đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc? Đáp án chắc chắn là không!

Tàu sân bay Liêu Ninh được Trung Quốc cải tạo từ tàu Varyag
Tàu sân bay Liêu Ninh được Trung Quốc cải tạo từ tàu Varyag

Hợp tác công nghệ và thương mại quân sự Trung Quốc-Ukraine có ảnh hưởng sâu sắc không thể thay thế đối với việc hiện đại hóa quốc phòng và quân sự của Trung Quốc.

Nếu không, Trung Quốc cũng sẽ không cung cấp "bảo hộ hạt nhân" đối với Ukraine. Muốn hiểu được nguyên nhân "nói năng thận trọng" của Trung Quốc cần phải nhìn vào chuỗi các sự kiện dưới đây.

Đài tiếng nói nước Nga dẫn thông tin từ hãng Itar-Tass đưa tin, phó chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng Ukraine, ông Gennady Moskalj ngày 25 tháng 2 cho biết, Trung Quốc đã khiếu nại lên Tòa trọng tài quốc tế London, yêu cầu Ukraine bồi thường thiệt hại 3 tỷ USD.

Ông Moskalj cho biết, 3 tỷ USD là tiền hỗ trợ cho Công ty lương thực-thực phẩm quốc gia Ukraine dùng để mua ngũ cốc dành cho Trung Quốc, nhưng trái với thỏa thuận, Trung Quốc chỉ nhận được 153 triệu USD ngũ cốc.

Nhưng, sau khi thông tin này được đưa tin đã lập tức bị Trung Quốc phủ nhận, một quan chức Phòng Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine cho biết "không rõ tại sao xuất hiện quan điểm như vậy, hơn nữa con số và sự thực cũng không phù hợp lắm".

Được sự hỗ trợ của Ukraine, Trung Quốc đã chế ra máy bay chiến đấu J-15
Được sự hỗ trợ của Ukraine, Trung Quốc đã chế ra máy bay chiến đấu J-15

Một quan chức ngoại giao khác của Trung Quốc ở Ukraine cũng cho biết: "Tuyệt đối không phải là giống như truyền thông nói, 3 tỷ USD chỉ đổi lấy 180.000 tấn lương thực - đơn giản như vậy". Nhưng, "bên trong rất phức tạp, không dễ dàng trực tiếp nói ra".

Ông nói, nếu Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc và đơn vị có liên quan có nhu cầu, Sứ quán chắc chắn sẽ tiến hành công tác liên lạc, phối hợp, nhưng hiện Ngân hàng xuất nhập khẩu còn chưa có thư mời với Sứ quán Trung Quốc tại Ukraine.

Trong khi đó, một tin khác cũng gây chú ý. 3 tháng trước, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-các nước Trung và Đông Âu tổ chức tại thủ đô Bucharest của Romania, Trung Quốc ra sức thúc đẩy kế hoạch to lớn tiến hành hợp tác kinh tế và chính trị với khu vực này.

Ngân hàng Thương mại Grison' s Peak có trụ sở tại London nghiên cứu phát hiện, sau hội nghị này, tổng kim ngạch đầu tư và cho vay mà Trung quốc cam kết với các nước Trung và Đông Âu đã trên 19 tỷ USD, quy mô lớn hơn bất cứ giai đoạn nào trong hợp tác kinh tế song phương trước đây.

Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc lệ thuộc vào động cơ của Ukraine
Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc lệ thuộc vào động cơ của Ukraine

Số liệu của Grison' s Peak cho thấy, trong năm 2013, Trung Quốc cùng các nước Trung và Đông Âu đã ký thỏa thuận cho vay và đầu tư trị giá 22,2 tỷ USD, sau tháng 11, số vốn cam kết trên 19 tỷ USD này đã chiếm hầu hết.

Trong chiến lược Trung và Đông Âu của Trung Quốc, Ukraine là một phần quan trọng. Trong thỏa thuận đầu tư và cho vay khoảng 19 tỷ USD được công bố từ tháng 11 năm 2013 đến nay, có 8 tỷ USD được ký với Ukraine.

Tháng 12 năm 2013, Tổng thống Ukraine Yanukovych thăm Trung Quốc, đạt được thỏa thuận hợp tác đầu tư với Trung Quốc trên các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ sở, cảng, hàng không, lương thực.

Khoản giao dịch lớn nhất có liên quan đến thương nhân Vương Tĩnh của Trung Quốc, ông đã ký thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD, đầu tư giai đoạn 1 của chương trình xây dựng một cảng nước sâu ở bán đảo Crimea.

Dự án cảng này nhằm tái bố trí lưu lượng vận tải hàng hóa đường sắt từ phương Đông đến châu Âu, tuyến đường vận tải hiện nay có thể rút ngắn 6.000 km.

Grison's Peak cho biết, giai đoạn 2 của dự án dự kiến đầu tư 7 tỷ USD, sẽ xây dựng cơ sở sản xuất khí đốt, khu dự trữ dầu mỏ và khu dự trữ lương thực có trang bị máy bay trực thăng.

Nhưng, nhân viên vũ trang vào ngày 27 tháng 2 đã chiếm lĩnh toàn nhà Chính phủ và Quốc hội khu vực Crimea, dư luận lo ngại các phần tử chủ nghĩa ly khai sẽ chia cắt khu vực này ra khỏi Ukraine. Trong bối cảnh này, triển vọng đầu tư cảng của Vương Tĩnh hầu như trở nên u ám.

Trung Quốc nhập khẩu tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn Zubr từ Ukraine
Trung Quốc nhập khẩu tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn Zubr từ Ukraine

Do đó, sự bất ổn ở Ukraine làm cho Trung Quốc tổn thất không ít, nhưng tại sao Trung Quốc luôn im lặng như vậy?

Đối với Trung Quốc, Ukraine có một số giá trị lớn. Ukraine là một cánh cửa lớn để Tây Âu hướng vào thị trường khổng lồ Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc đang hy vọng thông qua "con đường tơ lụa đường sắt" mở rộng xuất khẩu hàng hóa bằng đường sắt.

Đồng ruộng của Ukraine có lợi cho việc đảm bảo nhập khẩu lương thực của Trung Quốc, Trung Quốc-Ukraine đã đưa ra kế hoạch thuê đồng ruộng rộng lớn.

Quan hệ quân sự hai nước mật thiết, Ukraine giúp Trung Quốc chế tạo động cơ máy bay, ngoài ra hai bên còn căn cứ vào thỏa thuận đối tác chiến lược, hợp tác trong các chương trình khác.

Xuất phát từ các nguyên nhân như vậy, ngay từ cuối năm 2013, trước khi cam kết đầu tư 8 tỷ USD, Trung Quốc đã cung cấp khoản vay 10 tỷ USD cho Ukraine.

Quan hệ Trung Quốc-Ukraine rất chặt chẽ, nhưng nhìn kỹ, lại khác với quan hệ giữa Ukraine với châu Âu, ý nghĩa quan trọng nhất của Ukraine đối với châu Âu ở chỗ an ninh năng lượng, Nga luôn lấy việc cắt đứt đường ống dầu khí để đe dọa Tây Âu, điều này làm cho Tây Âu rất đau đầu.

Tua bin chạy ga UGT-25000 do Ukraine sản xuất, trang bị cho tàu khu trục "Aegis Trung Hoa" Trung Quốc
Tua bin chạy ga UGT-25000 do Ukraine sản xuất, trang bị cho tàu khu trục "Aegis Trung Hoa" Trung Quốc

Nhưng ý nghĩa của Ukraine đối với Trung Quốc chủ yếu còn ở hợp tác vũ khí và xây dựng "con đường tơ lụa trên đất liền". Những điều này đều là lợi ích lâu dài, thực hiện những lợi ích này, rất nhiều điều quan trọng không phải ở Ukraine, tồn tại rất nhiều chỗ xung đột.

Chẳng hạn, về hợp tác vũ khí, do EU tiến hành cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn không muốn nhìn thấy Ukraine gia nhập EU.

Đây cũng là nguyên nhân tại sao tháng 12 năm 2013 Tổng thống Ukraine khi đó là ông Yanukovych, bất chấp tình hình bất ổn trong nước, lần lượt thăm hai nước, trong đó có Trung Quốc.

Cho dù thông cáo báo chí chính thức có "tô điểm" thế nào, người ta đều thấy được mục đích trực tiếp nhất trong chuyến thăm của Yanukovych là: mượn tiền. Từ trong lòng, Trung Quốc còn hy vọng có một Chính phủ Ukraine thân Nga.

Đã hy vọng Ukraine thân Nga, nhưng tại sao không toàn lực ủng hộ Nga? Bởi vì, cho dù có chính phủ thân Nga, cũng không thể bảo đảm thực hiện những lợi ích này của Trung Quốc. Chỉ có thể nói, Ukraine gia nhập EU không có lợi cho Trung Quốc, nhưng toàn lực ủng hộ Nga cũng không có lợi cho Trung Quốc.

Một mặt, quyền chi phối dầu khí của Nga luôn là con bài trong đàm phán thương mại Trung-Nga, Trung Quốc sở dĩ bỏ ra nhiều công sức xây dựng nhiều tuyến đường năng lượng chính là để tránh một nền kinh tế lấy vấn đề năng lượng để đe dọa.

Tàu phá băng cực địa và tàu khảo sát khoa học Tuyết Long của Trung Quốc
Tàu phá băng cực địa và tàu khảo sát khoa học Tuyết Long của Trung Quốc

Mặt khác, tuy kim ngạch thương mại song phương Trung-Nga đạt gần 90 tỷ USD, Trung Quốc liên tục 4 năm trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, nhưng thương mại Trung Quốc-Ukraine cũng sớm đã vượt 10 tỷ USD, cộng với ý nghĩa tuyến đường không bình thường của Ukraine đối với việc Trung Quốc liên hệ với Trung Âu và Tây Âu, Trung Quốc chắc chắn không muốn đắc tội với đông đảo nhân dân Ukraine và các nước EU.

Người Trung Quốc giỏi lén lút giải quyết vấn đề

Thái độ của Trung Quốc tỏ ra khôn ngoan, trong lòng có chút nghiêng về Nga, thậm chí trong lòng ngầm muốn Nga điều quân can thiệp, nhưng hoàn toàn không muốn Ukraine "đột biến".

Trung Quốc làm ăn với bên ngoài, ảnh hưởng bởi sự thành kiến dân tộc và chính quyền tương đối nhỏ, hiện nay Trung Quốc có thái độ vừa ủng hộ nhà cầm quyền Chính phủ, vừa ủng hộ ý nguyện của người dân.

Tuy làm ăn đối mặt với tổn thất, nhưng những đồng tiền này chỉ là số tiền nhỏ của Trung Quốc, điều Trung Quốc mong muốn hơn là sử dụng những đồng tiền nhỏ này để đạt được ý đồ chiến lược.

Một mặt phải phát triển công nghệ quân sự của Trung Quốc, mặt khác phải cân bằng quan hệ giữa Nga và EU. Trung Quốc thực sự thiếu vài túi lương thực của Ukraine? Có lẽ sử dụng những con bài này có thể đổi lấy được nhiều thứ có giá trị hơn? Nói chung, người Trung Quốc giỏi lén lút giải quyết vấn đề.

Tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ - Trung Quốc được cải tạo trên nền tảng tàu chở dầu của Ukraine.
Tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ - Trung Quốc được cải tạo trên nền tảng tàu chở dầu của Ukraine.
Việt Dũng