Vị thế của Philippines đã thay đổi trong chiến lược của Mỹ

11/04/2016 07:24
Đông Bình
(GDVN) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên quan sát cuộc tập trận Baliktan, khẳng định vị thế "trung tâm" và "làm mẫu" của Philippines trong chiến lược tái cân bằng.

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 11/4 đưa tin, sau chuyến thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter sẽ đến thăm Philippines. Ở Philippines, ông Carter sẽ hội kiến với Tổng thống Benigno Aquino, hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin của nước chủ nhà.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter

Ông Ashton B. Carter sẽ còn đến thăm căn cứ huấn luyện chính Magsaysay của Lục quân Philippines và căn cứ không quân Antonio Bautista.

Theo hãng tin CNN ngày 9/4, một trong những căn cứ mà ông Ashton Carter sẽ thị sát cách quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) khoảng 160 km.

Trong thời gian thăm Philippines, ông Ashton B. Carter sẽ còn đến quan sát cuộc tập trận chung Balikatan 2016 giữa Mỹ-Philippines đang tiến hành ở Biển Đông. Đây sẽ là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quan sát cuộc tập trận này.

Asahi Shimbun Nhật Bản dẫn lời Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cho hay, năm 2016 Philippines nhận được 75 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ, còn năm 2015 Philippines nhận được 50 triệu USD.

Tờ Sun Star Philippines ngày 9/4 dẫn lời ông Ashton B. Carter cho biết, Mỹ sẽ dành cho Philippines 40 triệu USD viện trợ quân sự, tăng cường chia sẻ tình báo, giám sát và tuần tra, sự viện trợ này sẽ giúp cho Mỹ-Philippines nâng cấp lên "một cấp độ mới".

Xe quân sự Mỹ tham gia cuộc tập trận Balikatan 2016 giữa Mỹ-Philippines
Xe quân sự Mỹ tham gia cuộc tập trận Balikatan 2016 giữa Mỹ-Philippines

Viện trợ lần này đúng vào lúc tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng căng thẳng. Theo Asahi Shimbun, năm 2016 sẽ là năm Manila nhận được viện trợ quân sự nhiều nhất từ Mỹ sau khi Quân đội Mỹ quay trở lại Philippines.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã được khích lệ. Một ngày trước đó, ông Benigno Aquino tiếp tục nhấn mạnh đến vấn đề Biển Đông: "Bài học quan trọng nhất rút ra từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai của chúng tôi là gì? Rõ ràng là: Khi bất ổn và không có trật tự, bất kỳ quốc gia tự do nào - cho dù không thuộc bất cứ bên nào của cuộc xung đột - đều không thể ngồi nhìn hoặc im lặng không lên tiếng".

Ông Benigno Aquino nói tiếp: "Chúng ta nếu không thể giải quyết căn nguyên của vấn đề, thì chắc chắn chúng ta sẽ càng làm cho vấn đề xấu đi, cho đến khi không có nước nào có thể may mắn thoát khỏi".

Trong 6 năm qua, ông Benigno Aquino đã tìm cách thông qua con đường đa phương để giải quyết tranh chấp Biển Đông, tìm mọi cách cùng ASEAN yêu cầu Trung Quốc tiến tới đạt được bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý.

Ông Aquino còn đưa tranh chấp Biển Đông ra Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc, dự tính trong vài tuần tới sẽ có phán quyết. Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc tỏ ra rất lo ngại và giận giữ, liên tục phê phán Philippines về vấn đề này, tuyên bố không tham gia, không chấp nhận vụ kiện.

Máy bay trực thăng CH-47 Chinook Mỹ tham gia cuộc tập trận Balikatan 2016
Máy bay trực thăng CH-47 Chinook Mỹ tham gia cuộc tập trận Balikatan 2016

Điều đáng chú ý là, Mỹ đã tăng cường quan hệ an ninh với Philippines, Nhật Bản và Australia đồng thời yêu cầu đồng thời yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành vi phá hoại sự ổn định ở Biển Đông và tôn trọng phán quyết của Tòa.

The Diplomat Nhật Bản ngày 7/4 đã phân tích nguyên nhân hiện nay Mỹ nỗ lực hỗ trợ cho Philippines. Tờ báo cho rằng, từ lâu Philippines luôn bị cho là một trong những nước có sức mạnh quân sự yếu nhất châu Á, thuộc hàng ngũ có nhiều khó khăn trong các đồng minh của Washington.

Nhưng lần này Bộ trưởng Quốc phòng Ashton B. Carter thăm Philippines cho thấy vị thế của Philippines đã thay đổi. Tháng 1/2016, ông Ashton B. Carter từng gọi Philippines là "bộ phận trung tâm" của tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.

Bài viết cho rằng, có 3 nguyên nhân: Một là Philippines mở cửa trở lại các căn cứ cho Quân đội Mỹ, có lợi cho Quân đội Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hai là Philippines đóng vai trò "làm mẫu" đối với Sáng kiến an ninh biển ở Đông Nam Á do Mỹ thúc đẩy. Sáng kiến này sẽ lấy Trung tâm quan sát bờ biển Philippines làm khởi điểm, rồi mở rộng tới các khu vực khác, xây dựng một mạng lưới chia sẻ có liên quan đến Biển Đông, chia sẻ thông tin về các hoạt động trên biển, trên không có liên quan.

Ba là Philippines là nước ủng hộ tích cực cho các nguyên tắc như tự do hàng hải mà Mỹ luôn thúc đẩy. 

Tàu đổ bộ siêu tốc USNS Millinocket JHSV-3 của Quân đội Mỹ ở vịnh Subic Philippines ngày 30/3/2016
Tàu đổ bộ siêu tốc USNS Millinocket JHSV-3 của Quân đội Mỹ ở vịnh Subic Philippines ngày 30/3/2016
Đông Bình