Việc bé cỏn con cũng đến tay Thủ tướng, Chủ tịch nước, thế cấp dưới làm cái gì?

17/04/2017 06:47
THỤY DU
(GDVN) - Việc cỏn con cũng đến tay Thủ tướng, Chủ tịch nước... thì sao lãnh đạo còn thời gian lo cho quốc gia đại sự?

Nhà Báo Xuân Dương trong bài Quốc gia đội sổ và… báo cáo Thủ tướng từng nêu lên một thực tế rằng: "Đất nước đang tồn tại một hiện tượng và có xu hướng trở thành phổ biến khi xử lý sự cố, đó chuyện là cán bộ, cơ quan có trách nhiệm đổ lỗi cho cấp dưới.

Cũng có trường hợp quả bóng trách nhiệm lại bị đẩy lên tận Thủ tướng Chính phủ. 

Phó Giáo sư Bùi Thị An: "Những vụ việc chưa được xử lý triệt để, nghiêm khắc sẽ trở thành những điểm nóng, tiền lệ xấu tạo nên sự bức xúc cho nhân dân". (ảnh: Ngọc Quang).
Phó Giáo sư Bùi Thị An: "Những vụ việc chưa được xử lý triệt để, nghiêm khắc sẽ trở thành những điểm nóng, tiền lệ xấu tạo nên sự bức xúc cho nhân dân". (ảnh: Ngọc Quang).

Và không hiếm chuyện người đứng đầu Chính phủ, Nhà nước… phải đích thân đứng ra chỉ đạo những việc mà đáng ra nó thuộc về trách nhiệm của các địa phương theo phân cấp quản lý.

Một đất nước mà từ chuyện sập giàn giáo, chuyện thi tuyển công chức, chuyện dâm ô trẻ em, bạo hành trẻ em tới chuyện tai nạn giao thông… đều “báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch nước”, hoặc “chờ ý kiến chỉ đạo" thì họ mới làm thì rõ ràng có vấn đề?

Đất nước chỉ có một Thủ tướng, một Chủ tịch nước... nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng, Chủ tịch nước...?

Thế thì còn đâu thời gian người đứng đầu Chính phủ, Nhà nước... còn thời gian lo cho quốc gia đại sự?

Bình luận về việc này, hôm 16/4, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, đây là biểu hiện của thói quen ỉ lại của cấp dưới đặc biệt là ở cấp địa phương trong xử lý công việc - điều mà lẽ ra thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của họ.

"Rõ ràng sự chuyển động của bộ máy nhà nước trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong xã hội không đồng đều.

Cấp trên thì rất quyết liệt trong xử lý, còn cấp dưới ì ạch. Đây là điều đi ngược lại với mong mỏi của người dân và lãnh đạo cấp trên.

Và sự chậm chạp đó có thể có nguyên nhân từ thói vô cảm của một số cán bộ cấp dưới.

Có thể họ coi những việc đó (dâm ô, chết đuối...) là chuyện thường xảy ra trong cuộc sống nên không mấy để ý hoặc trong xử lý vi phạm có dấu hiệu tiêu cực.

Ví dụ, những chuyện dâm ô trẻ em, bạo hành trẻ gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua, nếu trước đây nó được cơ quan có thẩm quyền xử lý quyết liệt, nhanh chóng thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều.

Ngược lại, những vụ việc chưa được xử lý triệt để, nghiêm khắc sẽ trở thành những điểm nóng, tiền lệ xấu tạo nên sự bức xúc cho người dân.

Đến khi cả xã hội phải lên tiếng vì quá bức xúc trước cách giải quyết của chính quyền, thì hậu quả của nó khó mà lường trước được.

Những điểm nóng của xã hội đều đến tay người đứng đầu Chính phủ, Nhà nước... trong khi lẽ ra trách nhiệm xử lý thuộc thẩm quyền địa phương, Bộ, ngành.

Do đó, phải xem lại trách nhiệm quản lý nhà nước đặc

Việc bé cỏn con cũng đến tay Thủ tướng, Chủ tịch nước, thế cấp dưới làm cái gì? ảnh 2

Quốc gia đội sổ và… báo cáo Thủ tướng

biệt ở cấp cơ sở - đơn vị gần dân nhất, sát dân nhất.

Có hay không chuyện một số cán bộ vô cảm với những việc có liên quan tới đời sống, sinh mạng của người dân?", bà Bùi Thị An nêu quan điểm.

Đánh giá về sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của người đứng người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc làm rõ những vấn đề nóng phát sinh trong đời sống xã hội thời gian qua, bà Bùi Thị An cho rằng đây là việc làm thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu trong việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

Điều này cũng làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII đề nghị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm, hoặc chậm chạp trong xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tế, gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua.

"Đã có những thời điểm, hệ thống quản lý nhà nước của chúng ta có sức ì nhất định.

Do đó, để bộ máy hoạt động trơn tru hơn, cần thiết phải rà soát lại hoạt động ở các cấp, các ngành, qua đó phát hiện những điểm "nghẽn", gây cản trở sự phát triển của xã hội, đồng thời đưa ra hướng xử lý triệt để.

Trên cơ sở rà soát hoạt động, vận hành của bộ máy đặc biệt là cấp địa phương, thì cần làm rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra bức xúc kéo dài trong dư luận", bà Bùi Thị An đề nghị.

Phải có chế tài xử lý đơn vị không thực hiện nhiệm vụ được giao

Ông Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, tính tập thể trong công việc và luật còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước, dẫn tới sự chồng chéo trong việc thực thi nhiệm vụ... 

Điều này dẫn tới chuyện nhiều vụ việc từ bé đến việc lớn đều đến tay lãnh đạo cấp cao.

"Hiện nay, Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Tuy nhiên yêu cầu minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp chính quyền thì chưa rõ ràng. 

Một việc khi sự việc xảy ra, người ta phải biết trách nhiệm của ai? Bây giờ cứ quy định chung chung, chồng chéo thì ai cũng có trách nhiệm cả.

Không cần nói đâu xa, ngay tại các địa phương trong cả nước, việc gì của phường, của quận, của thành phố cũng không được phân cấp rõ ràng.

Thế mới có chuyện ông Chủ tịch quận 1, thành phố Hồ Chí Minh phải đích thân đi dẹp vỉa hè, trong khi câu chuyện đó là của phường.

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Để tránh trường hợp cái gì cũng đến tay lãnh đạo cấp cao, phải có chế tài thật mạnh, xử lý cấp dưới không làm nhiệm vụ theo thẩm quyền trước khi xử lý việc họ làm sai. ảnh: Ngọc Quang.
Tiến sĩ Trần Du Lịch: Để tránh trường hợp cái gì cũng đến tay lãnh đạo cấp cao, phải có chế tài thật mạnh, xử lý cấp dưới không làm nhiệm vụ theo thẩm quyền trước khi xử lý việc họ làm sai. ảnh: Ngọc Quang.

Vấn đề là phải minh bạch giữa Trung ương và địa phương, để địa phương thấy quyền và trách nhiệm của mình trong việc xử lý, chịu trách nhiệm trong xử lý vụ việc", Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII đề nghị, cần có chế tài xử lý đối với đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng không thực hiện theo quy định.

"Thông thường ở các nước, Chính phủ đưa ra những quy định, còn việc thực thi các quy định đó là chính quyền địa phương. Địa phương chính là cánh tay của Thủ tướng nối dài.

Còn Bộ được trao quyền thanh tra công vụ, tức là thanh tra xem các địa phương có làm nhiệm vụ đã giao theo phân cấp, phân quyền hay không? Nếu anh (địa phương) không làm thì tôi sẽ đưa ra chế tài xử lý anh.

Nhưng lỗ hổng trong quản lý của chúng ta nằm ở chỗ, cấp trên chỉ có chế tài xử lý đối với những người làm sai mà chưa có chế tài xử lý những người không làm. 

Do đó, để tránh trường hợp cái gì cũng đến tay lãnh đạo cấp cao, phải có chế tài thật mạnh xử lý cấp dưới không làm nhiệm vụ theo thẩm quyền, trước khi xử lý việc họ làm sai", Tiến sĩ Trần Du Lịch đề nghị.

THỤY DU