Việt Nam đăng cai Asiad 18: Thể diện quốc gia hay sĩ hão?

01/04/2014 15:30
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt vấn đề: Một mặt các bộ phải chốt lại xem cần bao nhiêu tiền để tổ chức ASIAD 18, mặt khác nên tính phương án rút.

Trong buổi giải trình của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, con số 150 triệu USD tổ chức sự kiện ASIAD 18 (năm 2019) mà Việt Nam đăng cai lại được đặt ra. Nếu quy đổi ra tiền Việt Nam tức là hơn 3000 nghìn tỷ đồng. Con số này đủ lớn để chi đầu tư phát triển cơ bản cho tất cả các tỉnh trong 1 năm trời. Cần phải nhắc lại rằng, năm 2013, chi đầu tư phát triển cho tỉnh Bắc Kạn chỉ có 235 tỷ, tỉnh Ninh Thuận 179 tỷ, và tỉnh Bến Tre 267 tỷ…

Vì vậy, thật dễ hiểu khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thẳng: Bao nhiêu vấn đề dân sinh bức thiết mà không có tiền. Quyết chi một đồng cũng phải tính kỹ. Thế này thì sao quyết được!

Ý kiến này của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã một lần nữa tạo nên một cuộc tranh luận xung quanh vấn đề: Việt Nam có nên tổ chức Asiad 18 hay không? Trong đó đa phần ủng hộ ý kiến của Phó Thủ tướng.

Nhiều người cho rằng tổ chức ASIAD 18 sẽ khiến Việt Nam ngập trong nợ nần. Ảnh minh họa.
Nhiều người cho rằng tổ chức ASIAD 18 sẽ khiến Việt Nam ngập trong nợ nần. Ảnh minh họa.

Cần phải nói rõ rằng, con số 150 triệu USD tổ chức sự kiện này mới chỉ là dự kiến. Mà ở Việt Nam đại đa số các công trình hay sự kiện đều bị đội giá khủng khiếp. Và ngay trong ngày hôm nay, trả lời một tờ báo phía Nam, ông Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bộ này đã có báo cáo Thủ tướng rằng con số tổ chức ASIAD lên tới 6000 tỷ đồng vẫn chưa đủ.

Đó là chưa kể chi phí đầu tư cho hạ tầng để có thể tổ chức thành công sự kiện này. Cần bao nhiêu tiền đầu tư thì chưa rõ, nhưng nếu nhìn vào bài học trong quá khứ của nhiều quốc gia khác thì chắc hẳn nhiều người sẽ thấy giật mình. Đó là, ASIAD 2006 tại Qatar tiêu tốn 2,48 tỷ USD; Á vận hội 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc) tốn khoảng 20 tỷ USD; ASIAD tổ chức ở Incheon (Hàn Quốc) cuối năm nay đã dự kiến là 1,1 tỷ. 

Năm 2004, Hy Lạp đã chi gần 11 tỷ USD cho Thế vận hội Mùa hè, gấp đôi ngân sách dự kiến ban đầu. Lượng ngân sách khổng lồ chi cho Thế vận hội lần thứ 28 này là nhân tố chính khiến nợ công của Hi Lạp năm 2004 tăng lên 183,16 tỷ euro so với 168,3 tỷ euro năm 2003.

Hi Lạp đã xây quá nhiều khách sạn với hi vọng thế vận hội sẽ thúc đẩy kinh tế về lâu dài thông qua phát triển du lịch. Nhưng chính tham vọng này đã khiến Hy Lạp trở thành nạn nhân với số nợ nghìn tỷ USD. Nhiều sân vận động được xây cho thế vận hội giờ đang bị bỏ hoang và gây lãng phí.

Trước đó, sự quản lý yếu kém và chi phí quá cao trong Thế vận hội Mùa hè 1976 đã khiến thành phố Montreal của Canada phải gánh chịu món nợ 1,5 tỷ USD và mất gần 30 năm để trả hết số nợ đó.

Bức xúc trước thua lỗ này, những người dân địa phương đã đổi tên sân vận động Big O bằng một từ đồng âm Big O-W-E (Tạm dịch: Con nợ lớn).

Và ngay tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2013, nhiều ĐB quan tâm về vấn đề tổ chức ASIAD, đặc biệt là chi phí cho sự kiện tổ chức ASIAD 18. ĐB Lê Trọng Sang (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến: “Tôi nghe kinh phí dành cho tổ chức sự kiện ASIAD là 150 triệu USD. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn như hiện nay, số tiền này có quá nhiều không?”.

Ông Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trả lời: “Chúng ta có khó khăn thật nhưng cũng có cách xử lý. Trước hết, chúng ta đã có 80% cơ sở vật chất hiện có. 150 triệu USD chi phí cho ASIAD đúng là lớn trong điều kiện kinh tế khó khăn. “Trong tương lai, chúng tôi nghĩ Việt Nam sẵn sàng đăng cai Olympic quốc tế. Tôi tin tưởng vào tương lai, tin tưởng vững chắc chứ không phải lạc quan tếu”. Câu trả lời của ông Hoàng Tuấn Anh khiến cả hội trường cười ồ!

Chi cả đống tiền để đăng cai ASIAD, đổi lại Việt Nam được gì? Vị Bộ trưởng này nói: “Chúng tôi xây dựng một mô hình tổng thể nâng mức thang nấc thang thứ nhất là hướng tới Olympic, nấc thang thứ hai là ASIAD, nấc thang thứ ba là SEAGames… và nấc thang cuối cùng là phong trào thể thao của quần chúng. Tất cả các nấc thang đấy đều dựa trên nền tảng phát triển sâu rộng của phong trào thể dục thể thao quần chúng”.

Sau khi nghe ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều ý kiến lại tỏ ra lo lắng cho “uy tín quốc gia” (nói một cách dân dã là sĩ diện), với cái lý nếu không tổ chức đăng cai ASIAD 18 nữa thì bạn bè quốc tế sẽ nhìn chúng ta thế nào? Ngay cả trong văn bản của Ủy ban văn hóa Giáo dục Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội gửi Ủy ban TVQH và Thủ tướng Chính phủ cũng đặt vấn đề: "Nếu giờ chúng ta rút lui thì bạn bè châu lục sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt như thế nào, uy tín của đất nước sẽ ra sao?”.

Và để giữ được cái “sĩ diện” ấy thì đất nước phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng. Gánh nặng ấy ai chịu? Chẳng phải là nhân dân Việt Nam hay sao? Họ có cần cái sĩ diện ấy không? Không! Bởi sĩ diện quốc gia là đời sống còn nghèo nàn của hàng triệu người dân; sĩ diện quốc gia là những con đường nhếch nhác và bẩn thỉu; nhiều nơi vẫn còn những đứa trẻ không có quần áo mặc ấm, không được ăn những bữa cơm có thịt (dù chỉ là 2 nghìn đồng); sĩ diện quốc gia còn là câu chuyện nói dối và tham nhũng của hàng loạt quan chức…

Liệu chúng ta có thể làm một cuộc trưng cầu dân ý trước khi quyết định những sự kiện tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng thế này? Liệu có người dân nào ủng hộ đăng cai ASIAD ngoài mấy vị quan chức thuộc diện “ban tổ chức” tiêu tiền cho sự kiện này?

Nghe ý kiến của các vị lo lắng cho “sĩ diện quốc gia”, chợt nhớ tới câu chuyện làm lễ cưới, ma chay ở một số huyện ngoại thành Hà Nội. Một người đồng nghiệp của tôi kể rằng, làng cậu ta rất khó khăn, nhưng cả cứ có việc là nhà nào cũng phải tổ chức linh đình. Thế nên, có đám bốc mộ cũng phải làm tới 50 mâm cỗ. Không làm thì không được, vì còn “sĩ diện” với dân làng. Nhưng lại có rất nhiều gia đình sau khi làm đám cưới cho con thì… sạt nghiệp.

Còn với đất nước thì gánh nặng ấy chắc chắn sẽ tiếp tục dồn lên những đôi vai gầy của người dân. Đó là vì những phát biểu chỉ mang tính ước lệ chứ chưa hề có tính toán khoa học giống như ông Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Mà điều đó thì đã thể hiện rất rõ tại kỳ họp quốc hội vào tháng 6/2013, ngay cả khi bị Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Đến 2020, du lịch Việt Nam có ngang tầm du lịch khu vực được không?. Ông Hoàng Tuấn Anh chỉ nói một cách đại khái “Phải liệu cơm gắp mắm”.

Ngọc Quang