Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, phải tận dụng kẻo chưa giàu đã già

11/07/2019 11:42
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ngày 11/7, Ban Chỉ đạo điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; ông Nguyễn Bích Lâm – Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê; bà Astrid Bant – Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã diễn ra an toàn và thành công, tốt đẹp. Số liệu sơ bộ Tổng điều tra được công bố ngày 11/7 cũng là Ngày Dân số thế giới.

Đây là một trong 3 cuộc Tổng điều tra lớn nhất theo quy định của pháp luật về thống kê và được tiến hành 10 năm một lần.

Kết quả Tổng điều tra là nguồn thông tin chủ yếu, tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học, tình hình nhà ở, dân cư, đáp ứng mục tiêu thống kê, phục vụ nhu cầu thông tin của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược, chính sách về kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt về dân số và nhà ở.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, quá trình tổ chức thực hiện Tổng điều tra, lần đầu tiên đã áp dụng triệt để, rộng rãi công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả, sớm cho ra kết quả, số liệu.

Với cách làm này, có thể cập nhật dữ liệu hằng năm và 10 năm sau có thể không cần tổ chức cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở nữa, hạn chế tốn kém thời gian, kinh phí.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tuy là kết quả sơ bộ nhưng các số liệu được công bố tại hội nghị này là số liệu chính thức.

Công việc tiếp theo của Tổng điều tra là phân tích, đánh giá chi tiết số liệu để đưa ra báo cáo chính thức và sẽ công bố báo cáo này vào tháng 12/2019.

Nhấn mạnh Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, cần có cơ chế chính sách kịp thời để tận dụng cơ cấu dân số này, tránh việc “chưa giàu, đã già”, quan tâm đến những người thu nhập thấp với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê đã trình bày báo cáo kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019.

Theo đó, tổng dân số của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là 96.208.984 người.

Trong đó, dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%).

Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (Indonesia và Philippines). So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm 2 bậc só với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sau 10, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 1,4 triệu người.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị.

Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 chiếm 34.4%; ở khu vực nông thôn chiếm 65,6%.

Trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%.

Trong đó, dân số có tình trạng “ly hôn” hoặc “ly thân” chiếm 2,1%.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn  6,7 điểm phần trăm, tương ứng 26,8% và 20,1%. Nữ giới có xu hướng kết hôn sớm và phổ biến hơn nam.

Mật độ dân số Việt Nam hiện nay 290 người/km2, xếp hạng cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước là Hà Nội (2.398 người/km2) và Thành phố Hồ Chí Minh (4.363người/km2).

Cả nước có gần 26,9 triệu hộ dân cư. Bình quân mỗi hộ dân cư có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người so với năm 2009. Tại khu vực thành thị, trung bình mỗi hộ dân có 3,3 người/hộ, thấp hơn các khu vực nông thôn 0,3 người/hộ.

Trong tổng số 26,9 triệu dân cư, vẫn còn 4,8 triệu hộ không có nhà ở. Hầu hết hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%).

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5m2/người, cao hơn 6,8 m2/người so với 10 năm trước.

91,7% dân số trong độ tuổi phổ thông được đi học. Số người biết đọc, biết viết chiếm 95.8%.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước.

Trình độ dân trí đã được cải thiện, Việt Nam đã rất thành công trong nỗ lực tăng cường bình đẳng giới bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục nhiều năm qua.

Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị.

Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011.

Kết quả thể hiện ở số liệu của Tổng điều tra năm 2019 cho thấy nỗ lực và hiệu quả của nhiều chính sách trong thời gian qua đã được thực hiện tốt.

Thành quả này có được là nhờ những chủ trương, đường lối chính sách và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ trong nhiều năm qua; nhờ sự tin tưởng và những nỗ lực không ngường của mỗi người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đỗ Thơm