Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Việt Nam kêu gọi tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông

09/08/2012 19:33
Minh Ý
(GDVN) - Ngày 9/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với tinh thần Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC).
Tuyên bố trên được đưa ra khi phóng viên nêu câu hỏi về thông tin Trung Quốc cho phép một lượng lớn tàu cá ra khơi, đánh bắt tại Biển Đông. 

Ông Lương Thanh Nghị
Ông Lương Thanh Nghị

Người phát ngôn Bộ ngoại giao nêu rõ: "Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông, trong đó có hoạt động nghề cá, phải trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.

Những hoạt động này cũng cần "phù hợp với tinh thần Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển", ông Nghị nhấn mạnh.

Vừa qua Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã đưa ra một danh sách các lô khai thác dầu khí trên Biển Đông và mời thầu các công ty dầu khí nước ngoài. Các lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – thực tế thì Việt Nam đã cho thuê một số lô trong số đó để khai thác và phát triển.

Theo nhiều chuyên gia nước ngoài, hành động mời thầu đó của CNOOC cho thấy Trung Quốc quyết đạt được mưu đồ của mình về chủ quyền, bất chấp qui định về vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước quốc tế về Luật biển đã được công nhận rộng rãi.

Cuối cùng là vào tháng 6, chính quyền Trung Quốc còn thành lập cái mà họ gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa mà Trung Quốc giành từ tay chính quyền miền nam Việt Nam năm 1974. Tam Sa được thành lập với nhiệm vụ là trung tâm hành chính để thực hiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông gồm quần đảo Trường Sa gần bãi Cỏ rong và bãi cạn Scarborough. Trung Quốc còn tuyên bố kế hoạch gửi đơn vị đồn trú đến khu vực này.

Việt Nam, Philippines, Indonesia và Mỹ đã lần lượt lên tiếng quan ngại về những hành động kể trên của Trung Quốc và mong muốn Trung Quốc có những bước đi nhằm giảm căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
Minh Ý