Việt Nam năm 2014 chiếm 7% đơn đặt hàng quân sự của Nga

02/04/2015 07:36
Đông Bình (nguồn Tin tức Trung Quốc)
(GDVN) - Có khoảng 60% đến từ châu Á, trên 30% đến từ châu Phi, 5% đến từ Mỹ Latinh, trong đó Ấn Độ chiếm 28%, tiếp theo là Iraq 11%, Việt Nam 7%, Venezuela 6%.
Tàu ngầm thông thường Hà Nội lớp Kilo, Hải quân Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa)
Tàu ngầm thông thường Hà Nội lớp Kilo, Hải quân Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa)

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 31 tháng 3 đưa tin, ngày 27 tháng 3 năm 2015, tại Duma Quốc gia Nga, Cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga (FSMTC) cho biết, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga phải sửa thành con số cao hơn.

Số liệu mới nhất chứng minh, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga trên 15,5 tỷ USD; trong đó, ngành hàng không chiếm phần chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 44%. Hiện nay, đơn đặt hàng công nghiệp quốc phòng nước ngoài của Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga đã đạt 48 tỷ USD.

Năm 2014, các công ty Nga có kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn gồm: Công ty máy bay MiG, Công ty đóng tàu Thống nhất, Công ty Almaz-Antey, Nhà máy cơ giới quang học Ural, Công ty tên lửa chiến thuật và Nhà máy đóng tàu Admiralty Shipyards.

Trong các đơn đặt hàng công nghiệp quốc phòng nhận được của Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang, có khoảng 60% đến từ khu vực châu Á, trên 30% đến từ khu vực châu Phi, 5% đến từ khu vực Mỹ Latinh (trong tương lai rất có thể sẽ tăng lên). Trong đó, Ấn Độ là nước mua sắm quân sự lớn nhất của Nga (chiếm 28%), tiếp theo lần lượt là Iraq (11%), Việt Nam (7%) và Venezuela (6%).

Người đứng đầu cơ quan này còn cho biết, sau khi chưa nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào lâu dài, Nga đã nhận được hợp đồng mua sắm quân sự của Nigeria, Namibia và Rwanda. Ông còn hy vọng khôi phục hợp tác công nghiệp quốc phòng với các nước phương Tây và chỉ ra, trừng phạt của Mỹ chưa ảnh hưởng tới việc Nga bàn giao máy bay trực thăng Mi-17 cho Afghanistan, đồng thời tiếp tục huấn luyện nhân viên hậu cần mặt đất của máy bay trực thăng Afghanistan ở nhà máy sửa chữa máy bay Novosibirsk.

Đông Bình (nguồn Tin tức Trung Quốc)