Việt Nam: Thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ

26/09/2013 09:59
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc
(GDVN) - Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68. Sự kiện này nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng đường lối hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam. Đồng thời, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-LHQ nói chung và với các cơ quan chuyên môn của LHQ nói riêng.


Báo Điện tử Chính phủ giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc xung quanh chủ đề này.

Tham gia hiệu quả vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ

Ngay khi đất nước ta mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), các đại diện của Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh... yêu cầu “công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên Hợp Quốc”.

Kể từ đó, Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt, phấn đấu vì những mục tiêu thiêng liêng của đất nước, đồng thời cũng là những lý tưởng của LHQ là hoà bình, quyền tự quyết, bình đẳng cho mọi dân tộc. Đến ngày 20/9/1977, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của LHQ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy hoạt động của chúng ta tại LHQ là sự triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Với nhiều đóng góp tích cực trong 36 năm qua, bạn bè thế giới thực sự đã xem Việt Nam là một người bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm.

Việc chúng ta đẩy mạnh triển khai đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên nhiều hướng, trong nhiều khuôn khổ và nhiều hình thức khác nhau sẽ góp phần tăng cường hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của LHQ.

Thứ nhất, chúng ta đang tham gia ngày một rộng rãi và hiệu quả hơn vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ. Việt Nam đã được bầu vào nhiều vị trí quan trọng như thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội (1998-2000), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (1991-1993, 1997-1999 và 2003-2005), Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số (2000-2002), Ủy ban Nhân quyền (2001-2003), Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (1999-2004), Liên minh Viễn thông Quốc tế (2003-2007)...

Trong đó, nổi bật nhất là việc Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu rất cao và đã hoàn thành xuất sắc trọng trách này.

Tại các cơ quan trên, chúng ta đã chủ động, tích cực cùng các nước thành viên, trong đó có tất cả các nước lớn trên thế giới, giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới liên quan đến hòa bình, an ninh, phát triển và thúc đẩy quyền con người. Vai trò và đóng góp của Việt Nam, nhất là tại HĐBA LHQ, đặc biệt là các sáng kiến thông qua Nghị quyết về vai trò của phụ nữ và hòa bình, an ninh (2009) và về đổi mới phương thức làm việc của HĐBA, được cả các nước trong và ngoài HĐBA đánh giá cao.

Những đóng góp đó đã góp phần tạo “dấu ấn” của Việt Nam, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Phát huy những thành tựu đã đạt được, hiện chúng ta đang tiếp tục ứng cử vào một số cơ quan quan trọng khác của Liên Hợp Quốc.

Đóng góp thiết thực vào 3 lĩnh vực lớn

Thứ hai, Việt Nam luôn là nước tích cực tham gia và có nhiều đóng góp thiết thực vào cả 3 lĩnh vực thuộc quan tâm chung của LHQ là hòa bình-an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.

Trên lĩnh vực hòa bình-an ninh, cùng với đại đa số các nước Không liên kết, đang phát triển, Việt Nam nhất quán ủng hộ giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nước khác, giải trừ quân bị, chống chạy đua vũ trang. Chúng ta là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế về giải trừ quân bị như: Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Công ước cấm vũ khí sinh học (BWC), Công ước cấm vũ khí hoá học (CWC), Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Hiệp định Bảo đảm hạt nhân và Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân... Chúng ta luôn tuân thủ và thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1540 của HĐBA LHQ về chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và nhiều nghị quyết liên quan khác.

Một mốc son mới trên tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam là việc Lãnh đạo cấp cao của ta tuyên bố Việt Nam quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Với quyết định này, chúng ta không chỉ dừng ở mức đóng góp bằng tài chính hay bằng tiếng nói, mà cả bằng nhân lực vào công việc chung của LHQ.

Trên lĩnh vực phát triển, từ một nước nghèo bị bao vây cấm vận, chúng ta đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy có trình độ phát triển kinh tế chưa cao so với nhiều nước trong và ngoài khu vực, chúng ta có thể tự hào vì Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Cả LHQ và bè bạn quốc tế đều đánh giá cao việc chúng ta vừa chú trọng phát triển kinh tế, vừa quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, cho rằng đây là việc rất ít nước đang phát triển làm được.

Trước những nỗ lực không mệt mỏi đó, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên Liên Hợp Quốc đã chọn Việt Nam là một trong 8 nước để triển khai thí điểm mô hình “Một LHQ”. Thực tế trong các năm qua, sáng kiến này đã có những thành công nhất định, tăng cường tính gắn kết và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ Việt Nam của hệ thống các tổ chức LHQ. Đây là đóng góp thiết thực vào quá trình cải tổ hệ thống LHQ hiện nay và là nền tảng cho khuôn khổ hợp tác ngày càng hiệu quả hơn giữa Việt Nam và LHQ trong thời gian tới.

Chia sẻ những quan tâm của cộng đồng quốc tế về những vấn đề toàn cầu bức bách hiện nay, chúng ta đã và đang tích cực góp tiếng nói xây dựng vào việc hoạch định những chính sách quan trọng thông qua việc chủ động tham gia đàm phán về biến đổi khí hậu, xây dựng chương trình nghị sự phát triển cho giai đoạn sau 2015...

Trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người, chúng ta đã và đang luật hóa và bảo đảm ngày một tốt hơn trên thực tế các quyền của người dân. Bản dự thảo Hiến pháp hiện nay là một minh chứng rõ ràng cho việc này, với nhiều quy định chi tiết hơn về các quyền con người và quyền công dân cơ bản. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta ngày càng được hoàn thiện hơn, với nhiều quy định cụ thể hóa những quyền cơ bản trong Hiến pháp, đồng thời tiếp cận ngày càng gần tới các tiêu chuẩn của quốc tế, điển hình là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Người khuyết tật... 

Tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam chủ trương ủng hộ thúc đẩy đối thoại và hợp tác trên vấn đề quyền con người. Chúng ta sẵn sàng đối thoại, trao đổi, hợp tác với các nước và LHQ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, trên các vấn đề cùng quan tâm.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 5 trong số 9 điều ước quốc tế chủ chốt nhất về quyền con người: Các Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quyền trẻ em. Chúng ta đang tích cực nghiên cứu phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và gia nhập Công ước chống tra tấn trong thời gian tới.

Thực hiện nghĩa vụ một quốc gia thành viên của LHQ, Việt Nam đã hết sức nghiêm túc chuẩn bị và bảo vệ thành công Báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2009. Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn hoàn tất Báo cáo UPR chu kỳ 2 và chuẩn bị bảo vệ báo cáo này vào tháng 1/2014.

Những năm gần đây cũng chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác sôi động giữa Việt Nam và các cơ chế nhân quyền của LHQ. Từ giữa 2010 đến cuối 2011, chúng ta đã đón 3 báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền con người, việc mà rất ít nước làm được. Các chuyến thăm này đã góp phần tăng cường đối thoại, hợp tác và sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và LHQ.

Qua đó, Liên Hợp Quốc đã nhận định Việt Nam là một trong những nước thực hiện tốt nhất quyền của người thiểu số trên thế giới và đã đạt được thành tựu to lớn về xoá đói giảm nghèo, nâng cao điều kiện sống của người dân.

Phát huy hơn nữa vị thế của Việt Nam tại LHQ

Để có được những thành tựu nêu trên, việc triển khai chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã nhận được sự quan tâm và trực tiếp tham gia triển khai của Lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Lãnh đạo cấp cao. Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ đã nhiều lần tham dự các hội nghị thượng đỉnh quan trọng của LHQ như Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập LHQ năm 1995; Chủ tịch nước Trần Đức Lương tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ và cùng Nguyên thủ các nước thành viên LHQ thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ năm 2000; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự Đại Hội đồng LHQ năm 2007 ngay trước khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2010...

Có thể thấy rằng, thông qua diễn đàn Liên Hợp Quốc, chúng ta đã giới thiệu một cách có hiệu quả đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị, rộng mở, cùng những thành tựu toàn diện của công cuộc đổi mới của Việt Nam. Qua đó, chúng ta cũng tiếp cận được những kinh nghiệm và sự trợ giúp quý báu của LHQ và các nước, phục vụ phát triển đất nước.

Sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam vào việc xây dựng chính sách, cải tổ hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống LHQ theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn những thách thức toàn cầu, yêu cầu cụ thể về phát triển của các quốc gia theo hướng hiệu quả, dân chủ hơn, phù hợp với các sứ mệnh được các nước thành viên giao phó. 

Nhìn lại quá trình trên, chúng ta có thể vui mừng trước những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam tại LHQ đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Điều này cũng hối thúc chúng ta phải ngày càng phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam tại LHQ.

Với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với kinh nghiệm và thành tựu đã tích lũy được trong hoạt động ngoại giao đa phương nhiều năm qua, cùng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta có cơ sở thuận lợi để làm tốt nhiệm vụ đó, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và tích cực đóng góp cho cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc