Việt Nam tụt hạng “chỉ số cảm nhận tham nhũng”

22/10/2013 13:01
Ngọc Quang
(GDVN) - Thông tin này được ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết sáng nay tại Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ địa phương nào làm chưa tốt

Theo ông Hiện, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2012 và bảng xếp hạng chỉ số cho 183 nước trên thế giới. Căn cứ vào bảng xếp hạng CPI này, Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 11 bậc so với năm 2011. Chỉ số CPI năm 2013 chưa được công bố.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; việc hoàn thiện thể chế chậm, tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng còn bất cập; công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Ông Hiện nhấn mạnh: “Báo cáo của Chính phủ năm nay vẫn chưa có sự đánh giá, phân tích sâu sắc nguyên nhân của những việc chưa làm được, hạn chế, yếu kém, nhất là những hạn chế, yếu kém mà qua nhiều năm vẫn chưa được khắc phục; chưa có sự so sánh với kết quả trong từng mặt công tác của năm 2012 (ngoài kết quả phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng) để thấy được bức tranh toàn cảnh về tình hình tham nhũng cũng như hiệu quả của công tác PCTN trên các mặt công tác, qua đó làm rõ được các nguyên nhân để đưa ra các giải pháp PCTN phù hợp, hiệu quả và khả thi.

Điều đáng lưu ý là qua nhiều năm đánh giá, kiểm điểm, Chính phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa làm tốt công tác PCTN hoặc những nơi, những lĩnh vực để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng để từ đó kịp thời động viên, khen thưởng những nơi làm tốt; xác định rõ, xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chưa tốt”.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn chỉ rõ, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.

Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chậm được triển khai hoặc hiệu quả chưa cao như cải cách thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế, ở một số nơi, cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Nhiều vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Đối với việc kê khai, kiểm soát tài sản của cán bộ, ông Hiện nói: “Kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện đồng bộ hoặc chưa phát huy tác dụng, vì cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường, vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng.

Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này”.

Cũng theo ông Hiện, thực trạng xử lý không đúng pháp luật một số vụ tham nhũng và tình hình tham nhũng ngay trong chính các cơ quan tư pháp đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh PCTN. Dư luận nhân dân cho rằng, với việc xử lý kỷ luật, hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh, bỏ lọt tội phạm.

Ông Hiện nêu thí dụ: “Nhiều vụ án do Viện kiểm sát nhân dân tối cao đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 nhưng tài sản sai phạm hoặc thất thoát trên 1 tỷ đồng, có những vụ 6 đến 7 tỷ đồng. Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình cho hưởng án treo đối với 08/tổng số 09 bị cáo đã xét xử; Tòa án quân sự  Quân khu 3 áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt đối với 10/tổng số 10 bị cáo và tuyên cho hưởng án treo đối với 6/ tổng số 10 bị cáo đã xét xử; Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt cảnh cáo đối với 50/tổng số 113 bị cáo đã xét xử; Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang cho hưởng án treo đối với 29/tổng số 61 bị cáo, Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau cho hưởng án treo đối với 13/tổng số 17 bị cáo và các Toà án cho hưởng án treo trên 50% như  Hoà Bình, Nghệ An, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang…”.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Thu hồi đất phải bồi thường theo luật

Theo ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong các góp ý gần đây về  Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đáng chú ý có nhiều ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về sở hữu đất, thu hồi đất để tránh lạm dụng.

Ông Phan Trung Lý cho biết, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5). Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo ông Lý, về thu hồi đất (khoản 3 Điều 54) - hiện đang được quan tâm khi Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ được thông qua tại Kỳ họp này, ông Phan Trung Lý cho rằng, qua tổng hợp ý kiến về vấn đề này, có ý kiến tán thành với quy định về thu hồi đất tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cũng có đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp để thực hiện “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Bởi vì, bản thân các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều trường hợp cũng đã được thể hiện khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định như vậy cũng tránh được việc lạm dụng trong thu hồi đất.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, không quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp mà để Luật Đất đai quy định thì bảo đảm tính linh hoạt hơn trong quản lý đất đai.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật Đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.

Do đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Sáng nay (22/10), ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác PCTN năm 2013 vẫn còn có những hạn chế sau đây:

Thứ nhất, chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ đối với nhiều vị trí công tác chưa được minh bạch, rõ ràng, cụ thể, nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới phát hiện sai phạm. Công tác giám sát, kiểm tra, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; công tác kiểm toán, thanh tra, điều tra hiệu quả chưa cao; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn có biểu hiện nương nhẹ.

Thứ ba, vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.

Ngọc Quang