Viettel bị tố bành trướng thị trường bằng khuyến mãi “khủng”

05/08/2011 08:01
Lâu nay, các nhà mạng vẫn vô tư “tặng” khách hàng những gói khuyến mại “khủng” mà không bận tâm rằng cả DN và người tiêu dùng đang cùng vi phạm pháp luật...

Lâu nay, các nhà mạng vẫn vô tư “tặng” khách hàng những gói khuyến mại “khủng” mà không bận tâm rằng cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đang cùng vi phạm pháp luật…

Khuyến mãi "khủng" nhưng phạm luật?

Cách đây chưa lâu, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhận được phản ánh, Công ty Viễn thông Vietel – Chi nhánh Viettel Thanh Hóa ký hợp đồng cung cấp dịch vụ internet cáp quang FTTH cho khách hàng và áp dụng hình thức khuyến mại “khủng”.

Cụ thể, ngày 18/5/2011, chi nhánh Viettel Thanh Hóa – Công ty Viễn thông Viettel đã ký hợp đồng với Tổng công ty cổ phần xây dựng Thanh Hóa cung cấp dịch vụ cáp quang FTTH. Cùng với Hợp đồng là các Phụ lục đính kèm và Bản cam kết sử dụng dịch vụ FTTH, theo đó xác nhận ưu đãi giảm 65% cước sử dụng so với niêm yết (2.000.000 đồng/tháng) trong vòng 60 tháng kể từ tháng nghiệm thu hợp đồng.

Ắt hẳn, khách hàng của Công ty Viễn thông Viettel – chi nhánh Thanh Hóa sẽ thấy hài lòng với mức khuyến mãi được hưởng mà không hay biết rằng, chính sách khuyến mại của Công ty Viễn thông Viettel đã vi phạm Nghị định 37/2006/NĐ – CP ngày 04/04/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại.

 

Cụ thể, tại Điều 5 về hạn nức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại ghi rõ, “Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại…

Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại… ”Tại Điều 6 quy định về mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại cũng ghi rõ “mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”.

Cho rằng chính sách bán hàng nói trên của Công ty Viễn thông Vietel đã vi phạm quy định quản lý của nhà nước nói chung và làm ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN kinh doanh trong lĩnh vực internet nói riêng, các DN đã nhờ sự phân giải từ Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương). Ngày 1/6/2011, Cục này ra công văn cho hay, đã yêu cầu Công ty Viễn thông Viettel – chi nhánh Thanh Hóa dừng việc khuyến mại nói trên và báo cáo sự việc về Cục.

Cạnh tranh bất chấp quy định?


Sự việc có thể chỉ dừng lại ở đó, nếu như trình tự báo cáo và xử lý vụ việc được thực hiện theo đúng như thông báo của Cục Xúc tiến Thương mại. Thế nhưng, không chỉ áp dụng ở Thanh Hóa, mà chính sách khuyến mại vượt khung đó được Viettel áp dụng ở nhiều tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước. Ví dụ, một khách hàng ở Quảng Nam được giảm hơn 70% mức cước phí hàng tháng so với giá niêm yết. Khách hàng khác ở Bạc Liêu cũng được giảm 75% mức cước hàng tháng so với giá niêm yết. Nhiều khách hàng khác ở Ninh Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Đồng Tháp… cũng nhận được những ưu đãi tương tự, kéo dài trong thời gian tới 60 tháng.

Phải nói thêm, tại Nghị định 21/2011/NĐ – CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, Điều 36 (Nguyên tắc khuyến mại đối với dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng) quy định, tổng thời gian DN viễn thông thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá đối với một nhãn hiệu dịch vụ viễn thông, nhãn hiệu hàng hóa viễn thông chuyên dùng theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông không được vượt quá 90 ngày trong một năm, một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 ngày.

Một nguyên tắc khuyến mại khác được Điều luật này quy định, đó là “DN viễn thông không được khuyến mại nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường viễn thông, bán phá giá dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng”.

“Với chính sách như trên Viettel đã lôi kéo khách hàng bằng biện pháp không đúng quy định của pháp luật. Điều đó ảnh hưởng đến tuân thủ pháp luật và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông” – ông Hoàng Mạnh Cường – Phó Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, trong công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đã phàn nàn như vậy.

Theo Pháp luật Việt Nam

>> Tự nhận kết nối 3G hàng đầu, Viettel cạnh tranh không lành mạnh?

>> Cước Viettel đắt hơn các mạng di động khác

>> Có hay không Viettel mập mờ khuyến mãi?

>> Khách hàng bức xúc tiếp tục tố nhạc chờ phản cảm của Viettel