Viglacera Xuân Phương bị tố "ép" khách mua nhà giá đắt gấp 4 lần

13/08/2012 11:05
Bình An
(GDVN) - Sau gần 5 năm nộp hàng trăm triệu vào kế hoạch huy động vốn triển khai dự án Viglacera Xuân Phương, gần đến ngày giao nhà, khách hàng của dự án này "tức nghẹn" vì chủ đầu tư bất ngờ đội giá căn hộ lên gấp 4 lần.
Viglacera Xuân Phương ép khách mua nhà giá đắt gấp 4 lần Trong đơn kêu cứu đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nhạn - trú tại phường Mường Thanh, TP Điện Biện, tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2008, bà Nhạn và bà Phạm Thúy Ngân đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền mua lô đất tại Khu đô thị Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội với diện tích khoảng 100 m2 theo Công văn 125/TCT - TCKT tại khu đô thị Xuân Phương theo giá thỏa thuận. Trước đó, trong hợp đồng mua bán giữa bà Ngân và chủ đầu tư là Tổng Công ty Viglacera dựa theo tinh thần của công văn ngày 8/2/2007, văn bản số 125/TCT-TCKT có nội dung: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân viên các đơn vị trong Tổng Công ty có nhu cầu mua nhà ở thuộc 2 dự án trên, Tổng công ty sẽ huy động vốn tối thiểu 20% giá trị 1 căn nhà (khoảng 330 triệu đồng) với thời gian 6 tháng, lãi suất 0,8%/tháng và bên cho vay được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá chuyển nhượng dự kiến dự án Xuân Phương - Từ Liêm khoảng 8triệu đồng/m2, giá xây dựng hoàn thiện 3,5 triệu đồng/m2 và những người đăng ký mua căn hộ có vốn góp như trên sẽ được ưu tiên chọn hướng và vị trí lô đất phù hợp”.
Đơn phản ánh của bà Nhạn gửi đến báo Giáo dục Việt Nam
Đơn phản ánh của bà Nhạn gửi đến báo Giáo dục Việt Nam
Do đó, sau khi giao tiền cho Viglacera Xuân Phương, bà Nhạn và gia đình yên tâm chờ đợi ngày được bàn giao nhà. Tuy nhiên, đến 9/2011, Tổng Công ty Viglacera yêu cầu bà Nhạn ký biên bản thanh lý số 2027/2011/BBTL để thanh lý Sổ gửi tiền ngày 08/3/2007 mang tên Phạm Thúy Ngân và Phiếu thu số số 189 ngày 08/3/2007 số tiền 330 triệu đồng cùng với lãi suất (tổng cộng là 503.601.453 đồng) để chuyển sang ký Hợp đồng vay tài sản. Tổng Công ty Viglacera yêu cầu khách hàng phải cam kết dùng toàn bộ số tiền trên bù trừ nghĩa vụ cho vay theo Hợp đồng vay tài sản khách sẽ phải ký với Công ty Đầu tư Hạ tầng & Đô thị Viglacera nếu muốn tiếp tục mua nhà. “Để đảm bảo cho việc mua nhà, tôi đã ký vào biên bản thanh lý này. Tổng Công ty Viglacera đã thu hồi bản gốc duy nhất Sổ gửi tiền ngày 08/3/2007 mang tên Phạm Thúy Ngân và Phiếu thu số số 189 ngày 08/3/2007", bà Nhan cho biết. Cũng trong thời gian này nhằm chuyển sang giai đoạn mua nhà, Công ty đầu tư hạ tầng đô thị Viglacera yêu cầu bà Nhạn nộp tổng số tiền tiếp theo là 2,2 tỷ đồng vào ngày 21 và 23/9/2011. Để đảm bảo được mua nhà, bà Nhạn đã ký Bản đăng ký số 20/2011/ĐK-VIGLACERA mua nhà liền kề, vị trí lô đất OV8.18 của Khu chức năng đô thị Xuân Phương với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 34.000.000 đồng/m2 và giá xây dựng nhà là 9.400.000 đồng/m2 xây dựng.
Phối cảnh dự án Viglacera Xuân Phương
Phối cảnh dự án Viglacera Xuân Phương
Lúc này bà Nhạn cũng như khách hàng mới ngã ngửa khi giá bán căn hộ trong bản đăng ký mới tăng gấp hơn 4 lần, đi ngược lại với tinh thần của công văn 125/TCT-TCKT ngày 08/02/2007.  
Yêu cầu vô lý, chủ đầu tư "bắt bí" khách hàng?
Theo anh Hưng - một khách hàng mua nhà tại dự án này việc “lật lèo” của chủ đầu tư ai cũng nhìn rõ. Hơn nữa, nếu tăng thêm một vài triệu đồng/m2 thì khách còn có thể chịu được chứ đằng này tăng gấp 4 lần so với hợp đồng góp vốn ban đầu khách hàng không kham nổi. Trước kia, khi đăng ký mua nhà ở đây, anh và gia đình dự đoán chỉ hết khoảng gần 2 tỷ đồng/căn nhà nhưng đến thời điểm này giá nhà đã đội lên đến 5 tỷ đồng. Theo một số ý kiến của khách hàng, bên chủ đầu tư còn ra điều kiện vô lý: “Trong vòng 7 ngày kể từ ngày Bên B (chủ đầu tư) thông báo cho Bên A (khách hàng) đến làm thủ tục để ký kết Hợp đồng mua bán nhà ở, nếu bên A không đến làm thủ tục này thì bên B được quyền coi như bên A từ chối tham gia mua bán sản phẩm nhà ở của bên B và được đơn phương chấm dứt/hủy bỏ Bản đăng ký này. Bên A phải chịu phạt một khoản tiền bằng 10% giá trị quyền sử dụng đất nêu tại Mục III.4  và mức giá mới được thông báo. Một đại diện của Viglacera cho biết hiện nay dự án Xuân Phương chỉ có 10% khách hàng không đồng ý với mức giá mới của chủ đầu tư đưa ra. Việc tăng giá bán từ 8 triệu đồng lên 34 triệu đồng hoàn toàn hợp lý vì giá sử dụng đất tại Xuân Phương tăng từ 3 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Cụ thể, theo Quyết định số 242/2006/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 đơn giá tiền sử dụng đất thời điểm năm 2007 là: 3 triệu đồng/m2. Nhưng đến ngày 2/12/2011, theo Quyết định số 5639/QĐ-UBND thành phố Hà Nội phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất dự án chức năng đô thị Xuân Phương với đơn giá ở nhà thấp tầng là 15.173.483 đồng/m2, gấp 5,1 lần đơn giá tại thời điểm năm 2007. Ngoài ra, trong khoảng thời gian này giá cả vật tư vật liệu trên thị trường biến động tăng khoảng 1,64 lần, đồng thời đơn giá tiền lương, chi phí nhân công tăng khoảng 1,96 lần. Nếu tính theo chi phí này, mỗi căn nhà liền kề, biệt thự có giá khoảng từ 3,5 – 5 tỷ đồng/căn.
Năm 2007, UBND TP. Hà Nội cho phép Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera) chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Nhà máy gạch Từ Liêm trên địa bàn xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội và khu đất thuộc Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Viglacera tại xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội sang xây dựng nhà ở để bán.

Trong dự án tại Xuân Phương được phép xây nhà ở liền kề, diện tích bình quân 100m2/lô đất và chiều cao trung bình 3 – 4 tầng. Đơn giá chuyển nhượng đất khoảng 8 triệu đồng/m2; đơn giá hoàn thiện 3,5 triệu đồng/m2. Bình quân khoảng 1,657 tỷ đồng/căn nhà, bao gồm cả đất và xây dựng nhà hoàn thiện.

* Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin này.



Bình An