VKS đề nghị y án 5 năm tù với bị cáo Đoàn Văn Vươn

30/07/2013 15:31
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Ngày 30/7, tại phiên tòa phúc thẩm xử vụ án ông Đoàn Văn Vươn, các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới. Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của các bị cáo, đề nghị y án sơ thẩm đối với anh em ông Đoàn Văn Vươn.
Sáng nay ngày 30/7, tại Hải Phòng, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ” xảy ra tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (ở khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng xảy ra vào sáng 5/1/2012) bước sang ngày xét xử thứ hai.
Các bị cáo tại ngày xét xử thứ hai phiên toàn phúc thẩm. Ảnh chụp qua màn hình.
Các bị cáo tại ngày xét xử thứ hai phiên toàn phúc thẩm. Ảnh chụp qua màn hình.
Tờ Tiền Phong đưa tin, 8 giờ sáng nay, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục làm việc với phần tranh tụng. Luật sư Trần Vũ Hải bất ngờ đề nghị Hội đồng xét xử hỏi xem có ai trong các bịcáo có ý kiến gì về kết quả giám định không trước khi chuyển sang phần tranh tụng nhưng đã bị chủ tọa bác ý kiến. Kiểm sát viên Lê Tư Quỳnh, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao giữ quyền công tố tại tòa trình bày quan điểm luận tội. Theo đó, vị đại diện viện kiểm sát nhận định tại tòa các bị cáo khai không đúng với lời khai tại cơ quan điều tra, trong quá trình điều tra không có việc bức cung, ép cung, đánh đập các bị cáo, bị cáo Vươn và Sịnh không bị bắt giam trái pháp luật... Kiểm sát viên Lê Tư Quỳnh cáo buộc quá trình phạm tội của các bị cáo. Theo đó, ngày 28/12/2011 khi nhận được thông báo cưỡng chế thu hồi khu đầm của UBND huyện Tiên Lãng, Đoàn Văn Vươn đã không chấp nhận nên bàn bạc cùng Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái kế hoạch chống đối. Ông Vươn chỉ đạo cùng người thân làm hàng rào, trải rơm, chuẩn bị súng đạn, xăng, mìn tự tạo...
Bị cáo Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Phạm Duẩn.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Phạm Duẩn.
Theo phân công, sáng 5/1/2012, khi đoàn cưỡng chế của huyện Tiên Lãng vào khu đầm cách nhà khoảng 40 m, Quý đã kích nổ bình ga nhưng không ai bị thương. Tổ công tác số 3 tiếp tục tiếp cận ngôi nhà liền bị Quý dùng súng hoa cải bắn vào đoàn cưỡng chế làm 7 cán bộ công an, quân đội bị thương, thiệt hại từ 1 đến 43% sức khỏe. Sau đó, Quý bỏ trốn khỏi hiện trường. Hậu quả làm 7 cán bộ công an, quân đội bị thương, thiệt hại từ 1 đến 43% sức khỏe. Ông Vươn ở ngoài khu vực đầm tiếp tục đi khiếu kiện... Tờ Tuổi trẻ dẫn nguồn tin tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát nhận định hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của các bị cáo. Các cán bộ công an, quân đội chỉ thực thi công vụ không làm tổn hại gì các bị cáo. Các bị cáo bị truy tố, xét xử, qui kết tội danh Giết người, Chống người thi hành công vụ là đúng, không oan. Với vai trò chủ mưu, bị cáo Vươn đã được Hội đồng xét xử sơ thẩm hình sự áp dungh tối đa các tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Đoàn Văn Sịnh. Ảnh: Phạm Duẩn.
Bị cáo Đoàn Văn Sịnh. Ảnh: Phạm Duẩn.
Bị cáo Quý quanh co, chối tội. Bị cáo Sịnh có vai trò đồng phạm giúp sức. Bị cáo Vệ có vai trò đồng phạm, giúp sức quanh co không nhận tội. Bị cáo Thương và Báu được hưởng án treo do có chồng bị giam là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật... “Cả 6 bị cáo (Vươn, Quý, Sịnh, Vệ, Thương và Báu) đều không có tình tiết giảm nhẹ tội, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo...”, vị đại diện viện kiểm sát nói. Theo đại diện viện kiểm sát, bị hại là cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, khi thực thi nhiệm vụ không có bất kỳ hành vi nào xâm phạm sức khỏe, tài sản của bị cáo. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đã có sự bàn bạc, phân công và thực tế diễn ra đúng kế hoạch. Khi bị hại gọi loa, bị cáo dùng súng bắn gây thương tích và khi bị hại phải dìu nhau ra ngoài, bị cáo Đoàn Văn Quý vẫn tiếp tục đổ xăng đốt gây nguy hiểm cho bị hại.
Bị cáo Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ. Ảnh: Phạm Duẩn.
Bị cáo Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ. Ảnh: Phạm Duẩn.
Bên cạnh đó, các kết quả giám định phù hợp với thương tích của bị hại. Do đó hành vi của bị cáo phạm tội giết người là có căn cứ, không oan sai. Các bị cáo Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu tiếp nhận chung ý chí của Vươn, Sịnh, Quý về việc chống lại lực lượng cưỡng chế, bản thân đã mua mũ len, dựng hàng rào... nên bị truy tố về hành vi “chống người thi hành công vụ” là đúng căn cứ pháp luật, không oan.
Hội đồng xét xử phúc thẩm. Ảnh: Phạm Duẩn.
Hội đồng xét xử phúc thẩm. Ảnh: Phạm Duẩn.
Trong vụ án này, Đoàn Văn Vươn giữ vai trò chủ mưu khi bàn bạc, thực hiện hành vi, trực tiếp mua súng, hướng dẫn làm mìn... giữ vai trò cao nhất. Các tình tiết giảm nhẹ đã được áp dụng nên mức án sơ thẩm 5 năm tù tương ứng với vai trò, tính chất, hành vi và không có căn cứ để giảm án cho bị cáo. Tương tự, các bị cáo còn lại đều đã được tòa sơ thẩm xem xét đúng người, đúng tội, mức án đã tuyên đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới, do đó, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của các bị cáo, tuyên y án như phiên tòa sơ thẩm. Chiều nay, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phần tranh tụng.
Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5/4/2013, HĐXX đã tuyên phạt Đoàn Văn Vươn 5 năm tù; Đoàn Văn Quý 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh 3 năm 6 tháng tù; Đoàn Văn Vệ 2 năm tù về tội “giết người”.

Các bị cáo phạm tội “chống người thi hành công vụ” gồm Phạm Thị Báu 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Thị Thương 15 tháng tù hưởng án treo.
Liễu Phạm (Tổng hợp)