Vợ Quang Thắng bị buộc thôi việc vì sinh con thứ 3

04/05/2013 15:03
Theo CSTC
(GDVN) -Anh nói, nếu được chọn lại từ đầu, anh sẽ không chọn nghề diễn viên vì nó quá bạc bẽo. Mang tiếng cười cho khán giả nhưng mình thì có lúc khóc trong lòng.

Một Thắng "vẹo" với cái mũi to quá khổ lúc nào cũng cười toác cả miệng như chưa biết đến nỗi buồn. Và một Quang Thắng mỏi mệt, chạnh lòng khi nhìn lại cuộc sống đang quá ngổn ngang. Anh nói, nếu được chọn lại từ đầu, anh sẽ không chọn nghề diễn viên vì nó quá bạc bẽo. Mang tiếng cười cho khán giả nhưng mình thì có lúc khóc trong lòng.

Nghệ sĩ cũng cần chút danh

- Câu chuyện của nghệ sĩ Văn Hiệp đến bây giờ vẫn khiến nhiều người ngậm ngùi cho đời nghệ sĩ. Anh có nghĩ là đã quá muộn khi giờ truy tặng nghệ sĩ ưu tú cho Văn Hiệp.

Ông ấy chết rồi thì còn phong nghệ sĩ ưu tú để làm gì. Tôi nghĩ ông ấy cũng chả cần để làm gì, con cái ông cũng chẳng lấy cái danh hiệu đó mà treo ở nhà. Tại sao khi còn sống không công nhận cho người ta. Nghệ sĩ cũng cần chút danh, vì đời nghệ sĩ đã nghèo rồi, họ phải có chút danh để lại cho đời chứ.

Danh hài Quang Thắng. Ảnh: Trịnh Mão.
Danh hài Quang Thắng. Ảnh: Trịnh Mão.

- Thế còn anh thì sao? Anh cũng đã ngót nghét 50 tuổi đời và 20 tuổi nghề rồi mà chưa có danh phận gì, anh có buồn không?

Buồn chứ, nhưng chả thể sống mãi trong nỗi buồn được. Phải làm việc thôi. Còn việc xét tặng danh hiệu, người ta chỉ dựa vào tiêu chí mỗi nghệ sĩ phải có hai huy chương và có thành tích được nhà nước công nhận. Thế nên, một số người trẻ may mắn hay đi thi, được giải nên được xét tặng danh hiệu rất sớm. Còn có những người chẳng bao giờ thi, nhưng được cả nước biết đến, lại vẫn chẳng được nghệ sĩ ưu tú. Tôi nghĩ, mình chẳng thay đổi được gì cả, chỉ là nghệ sĩ thấp cổ bé họng, nên chả kêu bao giờ.

- Anh đã từng làm hồ sơ?

Tôi vừa rồi cũng làm hồ sơ, nhưng chưa được, vì chưa đủ huy chương (tôi mới chỉ có một huy chương vàng). Năm nay thì tôi đủ rồi, vừa có huy chương vàng tại Huế, vở chính kịch Giết chết ước mơ, tôi vào vai một ông giáo nho nhã, điềm đạm, hoàn toàn khác với những vai diễn của tôi, thế nên mới được huy chương vàng.

- Anh có chạnh lòng khi các nghệ sĩ trẻ như Tự Long, Công Lý, các bậc đàn em đều đã được công nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Còn anh, cũng lao động quần quật, diện phủ sóng không kém mà lại còn phải đợi?

Tôi cũng tủi thân, mình cũng cống hiến như họ, mà chưa đủ huy chương vàng nên không được công nhận. Tôi cũng từng đi thi được huy chương vàng ấy chứ, nhưng là khu vực miền duyên hải, nhưng không được tính vào huy chương chính thống. Nhưng nghĩ cho cùng thì điều quan trọng là tình cảm khán giả dành cho mình ấy. Tôi gần 20 năm trong nghề, cay đắng, ngọt bùi đều có rồi. Nếm trải đủ hết những chuyện buồn vui. Tôi thấy may là các con tôi không đứa nào có năng khiếu nghệ thuật, nhiều người hỏi sao không cho các con theo nghề của bố, nhưng tôi nhất định không.

- Vì sao, anh không còn đàm mê nghề diễn, anh ân hận vì sự lựa chọn của mình chăng?

Nếu được chọn lại nghề thì tôi không chọn lại nghề này, vì nó quá bạc bẽo. Nếu nghệ sĩ như tôi ở nước ngoài, được mọi người biết đến nhiều thế, thì tôi sẽ có một cuộc sống xênh xang chứ không chật vật, lo từng bữa như bây giờ. Nhưng nghề diễn đã vận vào mình rồi, nên có đam mê hay không thì khi ánh đèn sân khấu bật lên là mình lao lên như một con nghiện, lao lao vào diễn và quên hết nỗi buồn ngay.

Nhà Hà Nội vẫn chỉ là... giấc mơ

- Quang Thắng mà cũng chật vật đến thế. Bao năm rồi mà anh vẫn đi về giữa Hải Phòng và Hà Nội. Anh không tính định cư ở Hà Nội sao?

Tôi cũng ước ao lắm, nhưng có khi chả được. Tiền mua nhà mình gom góp được bao nhiêu thì giá nhà đã lên gấp mấy lần rồi. Ra đường thì toàn người khôn cả, ai cũng bo bo cho mình thôi. Đời diễn chúng tôi nghèo lắm. Ai cũng nghèo, cứ nhìn cụ Văn Hiệp thì biết. Những lúc ông sống thì chả ai quan tâm. Bây giờ lại góp tiền cho ông Trần Hạnh, tôi thấy chả ra làm sao. Người ta đang sống bình thường thế, đâu cần thương hại. Tại sao không tạo điều kiện cho người ta làm việc ấy. Nghệ sĩ họ sống tình cảm và vì thế họ rất mong manh, dễ vỡ, dễ tổn thương. Thế nên đừng thương hại họ, mà hãy ghi nhận sự đóng góp của họ một cách công tâm.

Diễn viên họ có nhiều uẩn khúc trong lòng lắm. Như chị Minh Vượng, tiền bao nhiêu năm tích cóp được giờ chưa đủ đi chữa bệnh. Anh Quốc Khánh, anh ấy chẳng chịu lấy vợ, anh ấy chán rồi... Diễn cho khán giả cười mà khóc trong lòng ấy.

- Lúc nào thấy anh cũng hài hước, chả ai nghĩ, Quang Thắng có uẩn khúc gì?

Nhiều chứ, có những uẩn khúc chả chia sẻ được với ai. Tôi cũng phấn đấu cả đời để đưa vợ con lên Hà Nội, cho con cái học hành, bằng bạn bằng bè, nhưng phấn đấu mãi chả được. Cũng nản. Mình thì sắp già rồi, sức khỏe cũng cảm thấy yếu dần, chả đi show mãi được nữa. Trong khi mình là trụ cột của gia đình. Tôi đi diễn hơn l0 năm ở Hà Nội vẫn phải ăn nhờ ở đậu. Nhiều hôm lang thang giữa phố Hà Nội một mình, thấy mình sao lẻ loi, cô độc. Bạn bè, nhiều người nhà này, đất nọ, còn mình, chịu thôi. Cuộc sống bây giờ, không thể nói là tôi không cần tiền được, tuy nhiên với nghệ sĩ tiền cũng rất cần nhưng một lúc nào đó, nó cũng chỉ là cơn gió thoảng qua, vì họ hay tự ái.

Đã lên sân khấu là quên hết những buồn bã ở ngoài, nhưng khi xong vai diễn, trở lại cuộc sống thật của mình, tôi đã nhiều lần khóc thầm. Đàn ông cũng khóc chứ, khóc với nỗi đau nào đó mà mình không chia sẻ được.

- Anh lên Hà Nội học đạo diễn từ năm 1999, nhưng chẳng thấy Quang Thắng dựng vở nào. Mà sao anh không đầu quân vào một đoàn nào đó ở Hà Nội nhỉ?

- Tôi thấy nghề đạo diễn vất vả quá, nên thôi, học để cho biết. Nhưng tôi cũng cảm ơn cơ hội đó đã cho tôi được khán giả biết đến nhiều hơn. Tôi đã công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ 3 năm, nhưng khi đặt vấn đề chuyển biên chế, thì người ta bảo, đoàn hết biên chế và sắp giải tán rồi. Phải chăng người ta chưa thích mình, nên mình lại về vị trí cũ, trong khi đó Nhà hát kịch Việt Nam mời tha thiết. Thôi mình về quê thôi, đoàn kịch Hải Phòng cũng ưu ái tôi, và lại gần vợ con nữa.

- Trên sân khấu, Quang Thắng hài hước, chọc cười khản giả bằng cái vẻ diễn hài bản năng của mình. Ngoài đời anh là người thế nào?

Tôi là người Hải Phòng thật thà, thẳng thắn. Có lẽ, tôi làm trong nghề diễn này thế cũng thiệt thòi, có gì đó khôn khéo, kín đáo thì được lòng mọi người hơn. Chẳng hạn như vai diễn đáng ra của mình nhưng lại không còn là của mình vì mình không khéo léo. Ai cũng muốn phấn đấu, mình cứ thẳng thắn quá, người ta cho là mình xổi, thì không có nhiều cơ hội.

Tôi đến với khán giả bằng sự chân thành, bằng lòng nhiệt tình, được ở lại lòng khán giả đối với tôi là hạnh phúc nhất trên đời, từ bác xích lô đến nhà khoa học đều quý mình cả. Chứ không phải bằng chiêu trò để nổi tiếng.

- Nghe nói Quang Thẳng đòi catse cao và đắt show lắm? Thế sao mà nghèo được?

Tôi phải gồng gánh cả một gia đình. Chả nghèo, mà hơn 10 năm rồi không mua nổi một tấc đất cắm dùi ở Hà Nội. Đó vẫn đang là một giấc mơ. Nhiều lúc đi diễn về, hôm ở trọ nhà người này, hôm ở nhà người khác, tôi thấy đời nghệ sĩ sao mà buồn thảm thế. Giờ vợ tôi nghỉ làm ở nhà vì sinh con thứ 3, nên tôi càng thêm gánh nặng. Còn catse cũng tùy thôi, diễn từ thiện, diễn cho sinh viên thì tôi không lấy tiền, còn những nơi sản xuất ra tiền thì mình phải lấy để bù cho công sức lao động của mình chứ.

- Quang Thắng giấu con kỹ thế?

Tôi có ba đứa con. Gia đình tôi vốn độc đinh, từ đời bố tôi. Nên nếu không có con trai thì coi như đến đời tôi là chấm dứt. Thế nên, tôi cố một phen vậy, cho các cụ vui lòng. Nhưng vợ tôi bị buộc phải thôi việc, ở nhà trông con. Lần đó, tôi tình cờ đi ra Côn Đảo, 12h đêm, tôi ra thắp hương ở mộ chị Võ Thị Sáu, thế mà về có thằng cu. Con trai được 4 tháng tôi đưa vào để cảm ơn bà.

- Làm nghề hơn 20 năm rồi, Quang Thắng không dự định phấn đấu gì sao, cứ làng nhàng vậy mãi anh có chán không?

Mình cũng phấn đấu đủ rồi, bao nhiêu là vai diễn cho khán giả nhớ như Táo Quân, và nhiều lắm những tiểu phẩm. Đó mới là Quang Thắng. Tôi không làm quản lý được, chỉ làm phó chủ tịch công đoàn, chơi chơi cho vui thôi, chứ làm lãnh đạo, phải chỉn chu, nghiêm ngắn, không hợp với Quang Thắng. Tôi cũng đang bận tham gia dựng vở Bỉ vỏ. Tôi chỉ tham gia một vai nhỏ thôi, nhưng chắc chắn sẽ để lại ấn tượng. Đó chính là gã đã làm hại đời cô Tám Bính ấy. Tôi là đệ ruột của thầy Lê Hùng, chính ông là người phát hiện ra tôi, khi tôi chập chững bước vào nghề. Riêng tôi là Thắng "vẹo", thì bao giờ cũng ở trong ký ức của thầy Hùng. Ngày trước tôi bé tí dặt dà dặt dẹo ở đoàn nên mọi người cứ gọi tôi là Thắng "vẹo".

- Có một nghịch lý thế này, ở nước ta, người ta vẫn coi hài kịch chỉ là chuyện bông phèng, nên chả ai đánh giá cao mấy nghệ sĩ hài. Anh nghĩ sao?

Người ta gọi hài kịch là nhố nhăng. Tôi mong những người làm chính kịch nên nhìn lại. Bởi đâu phải hài kịch là nhố nhăng, đâu phải chính kịch là sâu sắc. Tôi nghĩ, phải tôn trọng cả hai. Đóng chính kịch thì vất vả hơn, trước khi diễn 20 phút phải ngồi để lấy cảm xúc, rồi phải gò mình thế này thế kia. Tôi tuổi thân, thích kiểu đùa cợt, nghịch ngợm, không hợp với những vai bi kịch.

- Bây giờ, anh có mong muốn gì cho riêng mình?

Mong muốn thì nhiều lắm, thôi thì mình vui vẻ với bản thân mình và chấp nhận những gì mình đang có thôi, tôi đơn giản lắm. (Cười)

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

Theo CSTC