VOI khẳng định vị thế đầu tư ngành nước

14/03/2017 11:30
Ngọc Quang
(GDVN) - Là cổ đông chiến lược đầu tư tại Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống, Công ty Cổ phần đầu tư Việt Nam – Ôman tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành nước sạch.

Sáng ngày 9/3/2017, trước sự chứng kiến của đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo TP.Hà Nội, các nhà đầu tư và đông đảo người dân huyện Gia Lâm (Hà Nội), Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Cách đây 9 tháng (ngày 3/6/2016) Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống đã chính thức được UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép đầu tư. Đây là dự án nước sạch có quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 225 triệu đô la Mỹ cho giai đoạn 1.

Dự án trải dài trên 62 ha đất cùng hệ thống đường ống truyền tải nước sạch có chiều dài 76km, với 2 đoạn cua lòng sông Hồng và sông Đuống, nhiều đoạn qua đường sắt, đường quốc lộ, tỉnh lộ.

Các quan khách cấp cao thực hiện nghi thức ấn nút để chính thức khởi công xây dựng Dự án Nhà Máy Nước Mặt Sông Đuống.
Các quan khách cấp cao thực hiện nghi thức ấn nút để chính thức khởi công xây dựng  Dự án Nhà Máy Nước Mặt Sông Đuống.

Với quy mô trên có thể thấy dự án có khối lượng công việc rất lớn từgiải phóng mặt bằng đến công tác chuẩn bị đầu tư.

Do đó, việc chỉ sau 9 tháng ra quyết định đầu tư nhưng TP. Hà Nội đã giải quyết được mặt bằng tổ chức lễ khởi công là một minh chứng nữa cho sự cam kết và nỗ lực của chính quyền TP. Hà Nội trong thu hút và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trên địa bàn.

Trong bài phát biểu nhân sự kiện khởi công Nhà máy Nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị chủ đầu tư rút ngắn thời triển khai dự án từ 22 tháng xuống còn 19 tháng để kịp thời cung cấp nguồn nước sạch cho người dân Hà Nội.

Với đà phát triển hiện nay, nhu cầu nước sạch của Hà Nội dự kiến đạt 1,5 triệu m3/ngày đêm vào năm 2020 trong khi hệ thống nước sạch hiệntại chỉ cung cấp được 0.9 triệu m3/ngày đêm, nếu không có nguồn nước sạch mới đến năm 2020, Hà Nội có thể thiếu hụt 0,6 triệu m3 nước/ngày đêm.

Ngoài ra, phần lớn nguồn cung cấp nước hiện tại phụ thuộc vào nguồn nước ngầm không đủ sạch, trong khi đó thì nguồn nước mặt thì hạn chế và không ổn định.

Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 3 triệu người cho tới năm 2020 ở 168 phường xã tại 8 quận huyện ở Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên dọc theo tỉnh lộ 179.

Trong đó trước mắt dự án nhắm tới cấp 150.000 m3 nước/ngày đêm đến năm 2018 và 300.000m3 nước/ngày đêm đến năm 2020.

Được biết chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nước Mặt Sông Đuống - Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống là doanh nghiệp cổ phần. Trong số nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án nước sạch sông Đuống đáng chú ý là Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam – Ôman (VOI).

VOI được biết đến là doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách doanh nghiệp đầu tư ngành nước sạch tại Việt Nam.

Ra đời năm 2008 từ mối liên doanh giữa hai quỹ đầu tư chủ quyền: Quỹ dự trữ nhà nước quốc gia (SGRF) của Vương quốc Ôman và Tổng Công ty Quản lý Vốn Nhà nước (SCIC) của Chính phủ Việt Nam VOI được biết đến như là một nhà đầu tư có tên tuổi trong ngành hạ tầng.

Dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ hai nước, VOI luôn thể hiện cam kết lâu dài trong đầu tư giá trị vào các dự án hạ tầng uy tín, tăng trưởng tốt bao gồm nhà máy điện, đường thu phí, cung cấp nước, cảng và hậu cần, v.v.

Cụ thể trong ngành nước, cho đến nay VOI đã có một dự án nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi nhiễm mặn cao nhất Việt Nam, một dự án nước tại TP.Hồ Chí Minh và hiện nay thêm nhà máy mới này thành lập ở Hà Nội.

VOI là một trong rất ít doanh nghiệp dám chủ động dấn thân đầu tư vào những lĩnh vực mới tại Việt Nam.

Thành công của VOI dựa trên sự am hiểu địa phương sâu rộng và cam kết đầu tư lâu dài để hiện thực hóa tiềm năng của dự án.

“Chúng tôi rất tự hào có VOI là cổ đông đồng sáng lập”, Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống chia sẻ và cho biết: “Không giống các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân khác ở Việt Nam, VOI có kiến thức chuyên sâu về ngành nước và đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn thành lập này”.

Không chỉ là nhà đầu tư tài chính nước ngoài, VOI còn định vị như là một đối tác tích cực và trách nhiệm trong các công ty mà quỹ đầu tư với giá trị gia tăng không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật chuyên môn mà còn trong lĩnh vực thể chế.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội bắt tay với Ông Saif Hilal Al Mahrouqi, Đại sứ Ôman tại Việt Nam trong Lễ Khởi công Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội bắt tay với Ông Saif Hilal Al Mahrouqi, Đại sứ Ôman tại Việt Nam trong Lễ Khởi công Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.

Ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ Tầng Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) nhận xét: “VOI là quỹ đầu tư chủ quyền từ Ôman, có mối quan tâm rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác quản trị doanh nghiệp, cả ở cấp độ Tập đoàn CII và công ty thành viên.

Nếu như mọi quỹ đầu tư ở Việt Nam đều có cam kết và tầm nhìn dài hạn như VOI thì chắc chắn sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”.

Đại diện cho Bộ Tài chính Vương Quốc Ôman - ông Abdul Malik Abdullah Zahir Al Hinai chia sẻ tại lễ khởi công: “Chúng tôi rất hài lòng với kết quả hoạt động của VOI vì mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam và vấn đề an sinh cho người dân Việt Nam.

Trong buổi lễ hôm nay, tôi đã thấy được VOI có đóng góp tích cực cho Chính phủ Việt Nam để giải quyết nhu cầu nước sạch cấp bách cho người dân Hà Nội.

Dự án như vậy là một minh chứng rõ ràng cho sự hợp tác tốt đẹp giữa hai Chính phủ vì chất lượng sống cao hơn cho người dân hai nước”.  

Là một biểu tượng của quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ôman, VOI được kỳ vọng sẽ tiếp tục giải ngân vào các lĩnh vực liên quan đến nhu cầu thiết yếu của hơn 90 triệu người dân Việt Nam và đánh dấu Việt Nam là điểm sáng trong danh mục đầu tư của Vương Quốc Ôman.

Ngọc Quang