Vụ án ở Hà Giang: “nhờ vả là thường tình” và “nâng điểm để…tạo phúc” sao?

16/10/2019 06:34
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Lẽ nào, chỉ vì tình cảm và tạo phúc mà nhiều cán bộ mất hết công danh, sự nghiệp, phải đứng trước vành móng ngựa hay sao?

Phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi đây là địa phương có số lượng thí sinh được nâng điểm nhiều nhất và cũng có nhiều phụ huynh đang giữ những chức danh quan trọng của địa phương này.

Thế nhưng, điều mà chúng ta thấy bất ngờ là những lời khai của các bị cáo chưa thuyết phục, vẫn đang né tránh mục đích của việc nâng điểm khống. Lẽ nào, chì vì tình cảm và "tạo phúc" mà nhiều cán bộ phải mất hết công danh, sự nghiệp, phải đứng trước vành móng ngựa hay sao?

Bị cáo Lê Thị Dung và Phạm Văn Khuông trước phiên tòa (Ảnh: Trinh Phúc)
Bị cáo Lê Thị Dung và Phạm Văn Khuông trước phiên tòa (Ảnh: Trinh Phúc)

Trong các lời khai của các bị cáo, chúng tôi đặc biệt chú ý đến lời khai của ông Phạm Văn Khuông- nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và bà Lê Thị Dung-  nguyên là Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang.

Bởi, với ông Phạm Văn Khuông là một người đã dành gần như cả cuộc đời công tác trong ngành giáo dục mà lại có những câu trả lời rất thản nhiên, xem chuyện nhờ vả nâng điểm cho con mình giống như là chuyện ân tình, ban phát cho nhau vậy.

Còn bà Lê Thị Dung là một cán bộ an ninh, làm đến chức Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh mà cũng trả lời một cách hồn nhiên đến lạ!

Phó Giám đốc Sở nói: “Việc nhờ vả là thường tình…”

Sự thực, trong cuộc sống thì anh em, bạnh bè, đồng nghiệp nhờ vả nhau cũng là chuyện rất thường tình nhưng không phải là nhờ vả để nâng điểm thi trong một kỳ thi quốc gia.

Là một Phó Giám đốc Sở, có lẽ ông Phạm Văn Khuông sẽ hiểu được những việc làm của mình là vi phạm đến quy chế thi, làm khó anh em, đồng nghiệp của mình. Nhưng, ông vẫn đặt vấn đề với ông Nguyễn Thanh Hoài quan tâm đến con trai của mình.

Vụ án ở Hà Giang: “nhờ vả là thường tình” và “nâng điểm để…tạo phúc” sao? ảnh 2Gian lận điểm ở Hà Giang, đến Phó Giám đốc Sở còn sợ con trai... rớt tốt nghiệp!

Có điều, ngay trước tòa thì ông Khuông đã trả lời một cách rất thản nhiên như đó là một việc rất đỗi bình thường trong cuộc sống.

Ông Phạm Văn Khuông nói: "Việc nhờ vả là điều rất thường tình trong cuộc sống, anh em quan tâm thì giúp thôi”.

Tại sao một Phó Giám đốc Sở mà xem chuyện nhờ vả nâng điểm thi trong một kỳ thi quốc gia là chuyện bình thường được nhỉ? Phải chăng ông đã thấy, đã quen với rất nhiều người đã từng nhờ vả nhau những chuyện tương tự như thế này rồi sao?

Phải chăng vì thế mà nhiều lãnh đạo, chuyên viên của Sở, nhiều lãnh đạo Phòng Giáo dục và nhà trường học cùng đều “nhờ vả” nhau như vậy? Chúng tôi thấy có một điều rất lạ là con trai ông Phạm Văn Khuông học ở trường chuyên của tỉnh Hà Giang mà lại sợ rớt tốt nghiệp Trung học phổ thông- đây thực sự là dấu hỏi lớn cho dư luận.

Với cách thi và cách tính điểm như năm 2018 mà sợ con rớt tốt nghiệp, phải đến nhờ cấp dưới mình thì có lẽ ông Khuông thừa hiểu con mình có năng lực học tập như thế nào? Vậy thì sao khi thi đầu vào trường chuyên mà con ông Khuông vẫn đậu được nhỉ?

Thế nhưng, điều mà chúng ta thấy được là con ông Phạm Văn Khuông đã hướng tới các trường đại học đều là những trường lớn, đó là Đại học Y, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Thương mại và Đại học Điện lực!

Nhờ nâng điểm cho 20 thí sinh là để… tạo phúc?

Là một cán bộ an ninh, am hiểu về kiến thức pháp luật, thế nhưng bị cáo Lê Thị Dung lại có thể khai trước tòa rằng: “Tôi không nghĩ gì sai phạm, tôi muốn tạo phúc cho người ta.

Lúc đầu, tôi nhờ anh Hoài xem xét giúp đỡ, không đặt vấn đề cho bao nhiêu điểm để vào trường nọ trường kia. Đến khi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm thẩm định, tôi mới nghĩ như vậy mới sai pháp luật. Chứ tôi nghĩ như vậy chỉ nâng điểm là tạo phúc thôi”.

Tại sao bị cáo Dung lại muốn tạo phúc nhiều đến thế? Sao không tạo phúc cho những người nghèo, người khó khăn mà lại tạo phúc cho người thân của mình và một một số người có địa vị trong xã hội?

Là một người không công tác trong ngành giáo dục nhưng bà Dung lại có thể tập hợp được đến 20 thí sinh để "nhờ vả"? Những thí sinh này không chỉ sinh sống ở địa bàn Hà Giang mà có những thí sinh xa tít tại…Thanh Hóa. Việc “tạo phúc” của bà Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh thật là...đáng nể và phi thường!

Kỳ thi quốc gia mà các bị cáo xem như là nơi nhờ vả và tạo phúc sao?

Kỳ thi năm 2018, chỉ riêng ở Hà Giang đã có107 thí sinh được nâng khống điểm và lý do duy nhất mà các bị cáo khai đều là tình cảm, quan hệ anh em, bạn bè với nhau. Những lời khai của các bị cáo khiến dư luận ái ngại, băn khoăn bởi có những lời khai “ngây ngô” đến sững sờ từ những người đã có một thời là lãnh đạo ngành giáo dục, an ninh!

Ai cũng biết kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là sự chung tay vào cuộc của nhiều Bộ, ngành và tất cả các địa phương trong cả nước. Mỗi địa phương đều có sự huy động của nhiều lực lượng cùng thực hiện nhiệm vụ nhằm đem lại một kỳ thi khách quan và công bằng cho tất cả các thí sinh trong cả nước.

Thế nhưng, điều trớ trêu là kỳ thi năm 2018 lại có một số địa phương gửi trứng cho ác. Một số lãnh đạo đã tiếp tay cho những sai phạm của vụ án, trong đó, ta thấy có một số thành viên của Ban Giám đốc Sở Giáo dục, thậm chí có cả Trưởng ban chỉ đạo Hội đồng thi của tỉnh cũng biết chuyện gian lận điểm thi, cũng nhờ vả nâng điểm cho người thân…

Sự thật bao giờ cũng chỉ có một và nhìn từ diễn biến của phiên tòa ở Hà Giang ta vẫn chưa thấy được nhiều sự thật từ lời khai của các bị cáo. Lẽ nào 5 cán bộ, chuyên viên đang là bị cáo của vụ án ở Hà Giang lại có mối quan hệ rộng và sống tình cảm đến vậy sao?

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bi-cao-le-thi-dung-nho-nang-diem-cho-20-thi-sinh-detao-phuc-post203408.gd

//tuoitre.vn/viec-nho-va-rat-thuong-tinh-anh-em-quan-tam-thi-giup-thoi-20191015105947685.htm

NGUYỄN CAO