Vụ cháy tháp đôi EVN: Nhiều người đã tuyệt vọng, chờ chết...

16/12/2011 07:00
Ngọc Khánh
(GDVN) - "Có người tuyệt vọng, xác định chờ chết liền gọi điện về cho vợ con dặn dò. Nhìn thấy cảnh bạn mình khóc qua điện thoại, mọi người lại động viên nhau".
Đến đêm 15/12, tại Bệnh viện Xanh Pôn, các công nhân trong vụ cháy kinh hoàng tại tòa nhà 33 tầng, phố Cửa Bắc, Hà Nội vẫn được các y bác sĩ khẩn trương chẩn đoán và chữa trị. Theo TS. Nguyễn Phạm Ý Nhi – GĐ BV Xanh Pôn, khi nhận được thông tin vụ cháy, lãnh đạo bệnh viện đã chuẩn bị phương án, đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Tất cả mọi người đều trong tư thế sẵn sàng ứng cứu. Số lượng nạn nhân nhập viện liên tục tăng nên phải huy động tối đa các y bác sĩ túc trực.
Các nạn nhân vụ cháy kinh hoàng đang được điều trị tích cực tại BV Xanh Pôn. Ảnh: Ngọc Khánh
Các nạn nhân vụ cháy kinh hoàng đang được điều trị tích cực tại BV Xanh Pôn. Ảnh: Ngọc Khánh
Khoa Bỏng có số lượng nạn nhân nằm nhiều nhất với 19 người tính tới thời điểm 22h, ngày 15/12. Do số lượng lớn nên một số công nhân được đưa tới phải nằm ghép giường. Mọi người còn chưa hết bàng hoàng, hoảng loạn khi trực tiếp chứng kiến làn khói đen đậm đặc ngùn ngụt bốc lên cao.

Cô Trương Thị Xây là nạn nhân cao tuổi nhất ở hiện trường. Mặc dù đã 53 tuổi nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cô lên Hà Nội làm thuê. Mới làm công việc dọn dẹp vệ sinh được 4 hôm thì xảy ra cháy.
Nạn nhân Trương Thị Xây là người cao tuổi nhất, mới vào làm lao công tại công trình này được 4 ngày. Ảnh: Ngọc Khánh
Nạn nhân Trương Thị Xây là người cao tuổi nhất, mới vào làm lao công tại công trình này được 4 ngày. Ảnh: Ngọc Khánh
Nằm trên giường bệnh, cô rùng mình nhớ lại giờ phút kinh hoàng đó. “Lúc khói đen bốc lên ngùn ngụt, cô đang làm ở tầng 4, thấy mọi người ùn ùn chạy xuống, cô chạy theo đến tầng 3 thì không thể chịu nổi vì khói thốc vào mũi, thế là theo mọi người quay ngược lên tầng 7. Chạy về phía cửa để thở, thấy khói bốc lên cao, cô xác định không còn hi vọng gì nữa”. 

Do hít phải khí độc nên cổ họng cô Xây như thắt lại, khó thở, đầu óc choáng váng. Mặc dù may mắn thoát chết nhưng nỗi lo sợ vẫn ám ảnh cô. “Rất may lúc đó có bồn đẩy tự động đi đến đó đưa cô và một số người xuống. Trên quãng đường đó, điều ám ảnh nhất là rất nhiều cánh tay cầu cứu từ tầng cao, cô không thể nào quên được, đến bây giờ cô không tin nổi mình từ cõi chết trở về”, cô Xây giọng khàn khàn kể lại.
Theo các bác sĩ, phần lớn các nạn nhân đều hít phải khí độc nên cần phải theo dõi sát sao, tránh tình trạng sức khỏe xấu. Ảnh: Ngọc Khánh
Theo các bác sĩ, phần lớn các nạn nhân đều hít phải khí độc nên cần phải theo dõi sát sao, tránh tình trạng sức khỏe xấu. Ảnh: Ngọc Khánh
Nằm ở giường bên cạnh, anh Nguyễn Đình Hải (xã Văn Côn, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn chưa hết cảm giác sợ hãi khi nhớ lại đám khói đen nghi ngút. “Khi xảy ra cháy, mình làm trên tầng thượng, lúc đó chỉ có 2 anh em ở trên đó. Thấy khói bốc lên, mình biết là có cháy ở dưới nên không xuống. Một lúc sau mọi người kéo lên sân thượng khoảng gần 30 người. Lúc đó mặt ai cũng đen xì, “cắt không ra tiết”, nhìn xuống phía dưới, thấy thất vọng, có người như chực khóc”.

Làm công nhân nhôm kính tại đây được hơn 1 năm, anh Hải rất lo sợ về tình trạng mất an toàn lao động, phòng chống cháy nổ tại những công trình cao tầng. Khi xảy  ra sự cố này, anh không dám gọi điện về cho vợ con ở nhà vì sợ mọi người lo lắng.

“Trên tầng thượng, có người tuyệt vọng, xác định chờ chết liền gọi điện về cho vợ con dặn dò mọi việc. Nhìn thấy cảnh khóc qua điện thoại, mọi người lại động viên nhau. Nằm ở viện rồi mà vẫn không tin nổi đây là sự thật”, anh Hải ứa nước mắt nghẹn ngào.
Nhiều người vẫn còn không tin vừa thoát khỏi tử thần. Ảnh: Ngọc Khánh
Nhiều người vẫn còn không tin vừa thoát khỏi tử thần. Ảnh: Ngọc Khánh
Các bác sĩ tiến hành chẩn đoán, kiểm tra sức khỏe của các nạn nhân. Th.S Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng cho biết: Mặc dù không có trường hợp nào bị bỏng nặng, sức khỏe nguy kịch nhưng do hít phải quá nhiều khí độc có chứa chất CO, cianua nên có thể một vài ngày tới mới phát ra. Vì vậy, chúng tôi phải theo dõi sát sao để tránh trường hợp tử vong.

Không khí tại bệnh viện rất căng thẳng, khẩn trương khi liên tiếp người nhà các nạn nhân nháo nhác kéo đến tìm con, cháu mình. Cô Hoàng Thị Huế (Đông Anh, Hà Nội) khi xem ti vi thấy có tin vụ cháy liền gọi điện cho con trai Hoàng Duy Tâm (23 tuổi) hỏi xem tình hình. Anh em trong gia đình được huy động lên thẳng BV Xanh Pôn tìm con. “Trên đường đi chân tay tôi cứ run lẩy bẩy, cứ cầu trời khấn Phật con mình bình an vô sự, lên đến đây biết cháu chỉ bị nhẹ tôi mừng rơi nước mắt”, cô Huế cho biết.

Ông Trương Văn Tuynh (Ân Thi, Hưng Yên) có con là Trương Văn Nguyên (sinh năm 1987, sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) đang đi thực tập cùng khoảng 10 sinh viên cùng lớp tại tòa nhà này. Ông cho biết: Lúc chiều tối, cháu có gọi điện về nhà nói có cháy, tôi lo cháu làm liều liền căn dặn tuyệt đối không được nhảy xuống mà bình tĩnh chờ người tới cứu. Tôi tức tốc lên xe đi Hà Nội ngay.

Tìm đường đến tận hiện trường, ông Tuynh không khỏi sợ hãi khi thấy khói đen nghi ngút. Lo lắng cho tính mạng con trai và mọi người mắc kẹt tại đó, điện thoại ông liên tục kết nối với con trai động viên. “Khi thấy lực lượng cứu hộ đưa con tôi xuống, tôi chạy tới đỡ con tôi lên thẳng xe cấp cứu 115 đưa tới bệnh viện”.

Trên giường bệnh của những công nhân trong vụ cháy kinh hoàng, ống truyền vẫn tiếp nước đều đặn, sự mệt mỏi, sợ hãi vẫn còn in trên khuôn mặt lấm lem, bàn tay ám khói. Bên cạnh những đôi mắt khép nhẹ là những cuộc điện thoại từ người thân chưa đến kịp để động viên những con người bước ra từ cõi chết.
Ngọc Khánh