Vụ CSGT Thanh Hóa bị dân bắt bẻ: Dân không nên cãi chày cãi cối

21/03/2013 14:07
Hoàng Lâm
(GDVN) - “Dân phải cảm thông vì trong đó có một bộ phận không nhỏ người dân còn tìm cách chống đối những người thực thi pháp luật".
Sau khi xuất hiện một video được một thành viên ở Thanh Hóa đăng lên trên trang cá nhân Facebook của mình có độ dài tầm 5 phút 45 giây ghi lại cảnh người dân “bắt bẻ” cảnh sát giao thông, dư luận một lần nữa lại tiếp tục tạo ra những làn sóng trái chiều tranh cãi gay gắt.

Video được người này ghi rõ ràng: “Vào ngày 13-3, khi qua Quốc lộ 47 thuộc địa phận huyện Đông Sơn - Thanh Hóa, CSGT phạt chúng tôi vì chở hàng quá khổ nhưng khi chúng tôi thắc mắc hỏi thì họ không giải thích được, rất bức xúc khi những người xử lý vi phạm lại có nghiệp vụ kém như thế”, 

Trước vấn đề trên, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho rằng: “Chúng ta nên nhìn vấn đề ở hai mặt một cách khách quan chứ không nên quy chụp. Trước hết, phải nói rằng dân tộc Việt Nam có lòng bao dung rất lớn. Vì vậy, dù những người thi hành công vụ có lỗi, làm sai nhưng nếu biết nhận lỗi cũng rất dễ được khoan dung. Nhưng nếu trong trường hợp cố tình sai thì sẽ không bao giờ có thể tha thứ được. Người dân cũng rất trân trọng những người thi hành nhiệm vụ nếu họ làm đúng được nhiệm vụ theo pháp luật và mong muốn của dân”.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất
Ông Chất nhấn mạnh: “Người dân không thể am hiểu hết về pháp luật. Thực tế không thể phủ nhận là ngay cả những người làm luật cũng chưa chắc đã hiểu hết được luật pháp. Do đó, đòi hỏi của dân muốn biết rõ ràng lỗi của mình khi bị lực lượng chức năng xử phạt là điều hoàn toàn xác đáng. Mỗi người chỉ am hiểu về một lĩnh vực nào đó nên lực lượng chức năng bên cạnh việc xử phạt nên nhắc nhở rõ ràng để người dân hiểu để thi hành đúng luật cho những lần sau đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những người dân chấp hành rất tốt luật pháp vẫn có những người dân tìm mọi cách “cãi chày, cãi cối” dù cho không chấp hành luật. Do đó, người dân cũng cần phải thông cảm với những người thi hành nhiệm vụ. Dân phải cảm thông vì trong đó có một bộ phận không nhỏ người dân còn tìm cách chống đối những người thực thi pháp luật. Vậy thì chuyện lực lượng công an cũng có những lúc mắc sai lầm cũng không có gì khó hiểu. Dân cũng phải tìm cách góp ý chân thành để giúp họ trở thành những người công bộc tốt hơn của dân là điều rất cần thiết”, ông Chất nói. Ông Chất cũng cho rằng, những người dân nên bình tĩnh và ứng xử có văn hóa khi bị cảnh sát giao thông xử phạt thay vì tìm mọi cách “cãi chày, cãi cối”.
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa

Trước đó, trả lời phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định: "Việc cảnh sát giao thông mang văn bản pháp luật để đối chiếu xử phạt là hoàn toàn bình thường. Vấn đề ở đây mọi người nên hiểu rằng có nhiều trường hợp người dân không biết hoặc cố tình tỏ ra không biết luật khi vi phạm nên các chiến sĩ phải mang theo để giải thích cho người dân hiểu rõ. Bản chất của công việc ở đây là việc lực lượng dừng xe xử lý có đúng không.

Vấn đề thứ hai là viện dẫn luật để xử phạt có đúng khung, tính chất, mức độ vi phạm của họ hay không. Trong trường hợp cụ thể như trong clip, việc áp dụng khung xử phạt là hoàn toàn chính xác. Người điểu khiển phương tiện cũng phải nhận thức được hành vi của mình khi tham gia giao thông".

Đại tá Khương Duy Oanh cho biết thêm: “Luật đã có quy định rõ ràng, cảnh sát cũng có thể sai, nếu công dân cảm thấy không thỏa đáng về lỗi bị xử phạt hoàn toàn có thể viết đơn khiếu kiện theo đúng trình tự thủ tục hành chính và pháp luật.

Dưới đây là đoạn Video:


Hoàng Lâm