Vụ thượng tá CA xô ngã cụ già: 20 năm “gác cổng” công sở để “đòi” con

21/01/2014 07:23
CÁT DỰ
(GDVN) - Cho rằng con mình bị đi bộ đội rồi “mất tích” không về, gần 20 năm qua bà C vẫn miệt mài “gác cổng” công sở để “đòi” công lý cho con trai (?!)

Vụ việc “công an xô ngã cụ già” tiếp tục được nối dài khi bà C (người xuất hiện trong clip) lại trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người khi xem xong clip trên liên tục dành những lời lẽ chỉ trích, lên án hành động xô đẩy và thái độ thờ ơ của cán bộ mặc sắc phục công an đối với cụ già 83 tuổi này.

ông H trao đổi sự việc với PV
ông H trao đổi sự việc với PV

Câu chuyện được bắt đầu vào ngày 17.1 khi bà C đến trụ sở công an TP Thanh Hóa đòi gặp cán bộ lãnh đạo nhằm tìm lại công lý cho con trai bà (?!). Cũng tại thời điểm trên, khi bắt gặp Thượng tá Nguyễn Văn Chung - Phó phòng cảnh sát bảo vệ (Công an tỉnh Thanh Hóa), cụ bà đã dùng tay kéo vào vạt áo trước ngực cán bộ này và nói, đây, thằng Chung đây, mi chạy đi mô?. 

Cũng theo ghi nhận tại thời điểm trên, ông Chung đã tác động vào bà C khiến cụ bà bị ngã xuống đường. Theo như lý giải của Thượng tá Chung thì đó chỉ là hành động quán tính và không có ý gì (?!)

Trở lại câu chuyện của bà C, nhiều người khi xem xong clip trên đã tỏ vẻ thương cảm với cụ già. Tuy nhiên, căn nguyên của vấn đề thì vẫn là ẩn số đối với nhiều người(?!)

Nằm trong con hẻm nhỏ của thôn Quyết Thắng (xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa), căn nhà nhỏ đơn sơ, rách nát, cửa đóng then cài là nơi cụ C sinh sống. khi hỏi chuyện về bà C, nhiều người dân địa phương tỏ ra am tường về hoàn cảnh của cụ bà. 

Trong con mắt của nhiều người, bà C được coi là người có biểu hiện hơi khác thường: “Bà C là người không bệnh tật gì. Nhiều khi nửa đêm tỉnh dậy cứ thấy bà ấy cầm điện thoại nói chuyện một mình rồi chửi bới mà nghe không hiểu là chuyện gì xảy ra. Có lẽ thế nên nhiều người ta hiểu nhầm bà bị thần kinh”, ông Nguyễn Văn H (hàng xóm bà C) cho biết.

“Ở đây lâu năm nhưng chúng tôi ít thấy bà ở nhà mà hay đi lang thang đây đó. Người ta dễ nhận ra bà C bởi khi nào bà cũng đeo một lá quốc kỳ trên ngực, trên tay mang túi xách đựng nhiều giấy tờ đi lên thành phố” (?!), ông H cho hay.

Cũng theo lời dân địa phương, bà C sinh được 8 người con, hiện tại đã có gia đình và ra ở riêng. Trong số những người con của bà có anh Nguyễn Văn Dẫn đi bộ đội vào khoảng năm 1969 -1970. Tuy nhiên trong thời gian này anh có về quê một lần nhưng sau đó mất tích.  Cho rằng con mình bị “mất tích” trong chiến tranh và đã hy sinh, nên bà C vẫn hàng ngày lên các cơ quan công quyền để đi kiện nhằm đòi lại công lý, chế độ liệt sĩ cho đứa con (?!): “Bà ấy đã nhiều lần đi lên thành phố để đi đòi con cái gì đó (?) và đề nghị công nhận bà ấy là mẹ Việt Nam anh hùng”, ông H cho biết thêm.

Theo chị M (con gái út của bà C), thời điểm trước khi ông Long (chồng bà C) chưa mất,  bà đã từng mang một số đơn, thư ra Hà Nội kiện cáo. Cho đến nay đã gần 20 năm, bà vẫn đem đơn kiện đến các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết theo yêu cầu của bà: “Đã nhiều lần tôi bảo với mẹ sang nhà ở để con cái tiện chăm sóc nhưng bà nhất mực khăng khăng không đồng ý. Nhiều lúc thấy mẹ đi kiện cáo chúng tôi đã khuyên nhiều lần nhưng bà không chịu. Giờ phận mình làm con cũng chỉ biết nghe theo lời mẹ thế thôi chứ biết làm sao được anh”. Chị M (con gái bà C) tâm sự.

Căn nhà đơn sơ nơi bà C sinh sống
Căn nhà đơn sơ nơi bà C sinh sống

Khi được hỏi về nguyên nhân bà C đã gần 20 năm dòng đi kiện, chị M tỏ vẻ ngượng ngùng và xin không tiết lộ thông tin liên quan (?!). Cũng theo chị M, hiện tại bà C đang hưởng chế độ dành cho người già neo đơn với số tiền 180 nghìn đồng/ tháng .

Cho rằng con mình bị “mất tích” là có lỗi của cơ quan chức năng, đã gần 20 năm, bà C vẫn đem đơn đi đến từng cơ quan công sở để đòi lại công lý: “ Khi thấy công an hay ai mặc áo xanh là cụ rất có ác cảm và không ngừng buông lời chửi bới. Nguyên nhân là do con bà mất tích trong nhiều năm, bà thường tìm gặp các cơ quan, lãnh đạo để đòi được con về nhà. Đã nhiều lần cán bộ ngành công an đã đưa bà về giao cho địa phương quản lý nhưng bà C vẫn cố tình tìm cách đến cơ quan công quyền gây rối”, một cán bộ trong ngành công an cho biết.

Cũng liên quan đến clip “công an xô ngã cụ già”, lãnh đạo công an Thanh Hóa cho rằng, không loại trừ khả năng dựng hiện trường nhằm bôi nhọ cán bộ ngành công an (?!)

Trước đó, như báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin, vào ngày 17/1 trên mạng xã hội Youtube xuất hiện video clip độ dài hơn 1 phút quay lại cảnh một cán bộ mặc sắc phục công an, túm cổ áo một cụ già kéo sền sệt ra khỏi trụ sở công an Thành Phố Thanh Hóa. Sau khi đoạn video được phát tán, lan truyền với tốc độ chóng mặt lập tức đã có hàng trăm lượt độc giả đưa ra những bình luận trái chiều.

Video có đoạn, khi người mặc sắc phục vừa cầm hồ sơ đi ra từ trụ sở công an Thành Phố Thanh Hóa thì xuất hiện một cụ già liền giơ tay đẩy vào ngực người này và nói "Mi chạy đi mô?".

Bất ngờ, người mặc sắc phục túm cổ áo cụ bà và lôi dúi cụ già, khiến bà lão ngã xuống đường. Ngay lập tức, bà cụ la lên: “Ô làng ơi! Ô làng nước ơi!”. Sau đó, người mặc sắc phục đã bỏ đi trước sự chứng kiến và bức xúc của một số người dân.

CÁT DỰ