Vụ Tiến sĩ văng tục: Hàng chục ngàn độc giả đang nhầm lẫn điều gì?

16/03/2012 10:59
TC (tổng hợp)
(GDVN) - Chúng ta cần tách bạch rõ chuyên môn, năng lực của TS Dương không cần phải bàn nhưng việc văng tục khi đứng trên bục giảng mới là điều cần phê phán.
Các chuyên gia không phê phán năng lực, chuyên môn của TS Dương
Những ngày vừa qua, sau khi đăng tải các clip liên quan đến bài giảng của TS Lê Thẩm Dương, Chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều các ý kiến trái chiều khác nhau của độc giả trong và ngoài nước.

Chuyên môn, năng lực, phong cách giảng dạy, con người của TS Dương rất đáng được trân trọng.
Chuyên môn, năng lực, phong cách giảng dạy, con người của TS Dương rất đáng được trân trọng.

Trong số đó, có một bộ phận độc giả khi gửi phản hồi về có phần đang hiểu lầm khi cho rằng, báo Giáo dục Việt Nam đang phê phán, chỉ trích chuyên môn, phong cách giảng dạy cũng như con người của TS Lê Thẩm Dương. Chúng tôi xin khẳng định, trong toàn bộ các bài phỏng vấn, bài viết đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam chưa bao giờ có những đánh giá, phê phán về chuyên môn, năng lực cũng như con người của TS Lê Thẩm Dương. Chúng tôi chỉ lên tiếng phê phán hành vi dùng những ngôn từ không đẹp khi đứng trên bục giảng của TS Lê Thẩm Dương.  Ngay trong các bài phỏng vấn các Giáo sư, chuyên gia giáo dục trên báo Giáo dục Việt Nam cũng đều có những nhận xét chung, đánh giá cao chuyên môn, phong cách giảng dạy sáng tạo của TS Lê Thẩm Dương.  Trong cuộc trao đổi với PV, GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội giáo chức VN, Chủ tịch Hội KH Tâm lí giáo dục, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh: "Tôi cũng có xem clip này, nhưng thực sự tôi không có lời phê bình hay chỉ trích trực tiếp người giảng viên này. Nếu tôi có điều kiện trực tiếp gặp gỡ sẽ có trao đổi đôi lời, nhưng qua Báo Giáo dục Việt Nam, tôi chỉ muốn nói, bài giảng phải có tính khoa học, tính sư phạm và hấp dẫn sinh viên. Bài giảng hay, gây hứng thú cho người học thì tuyệt vời". Còn Thạc sĩ Đinh Đoàn, Công ty TNHH Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển Cá nhân và Cộng đồng đã cho rằng: "Tôi không hiểu lắm những điều TS Lê Thẩm Dương nói, bởi ông nói về kinh doanh. Nhưng cứ nhìn thấy những nét mặt hơn hớn, những tiếng cười sảng khoái, những tràng vỗ tay của học viên, tôi thấy thầy Dương còn hơn những người thầy lên bục giảng đạo mạo, đặt cái cặp to tướng lên bàn rồi mở đầu rất trịnh trọng..." Cùng với đó, trong phần trả lời PV báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Lân Dũng, TS Lê Đắc Sơn, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đại Nam, nguyên Tổng giám đốc VP Bank, một người rất am hiểu tài chính hay Thạc sĩ Đinh Đoàn ... cũng đánh giá rất cao chuyên môn, năng lực, phong cách giảng dạy sáng tạo, thoát li khỏi giáo án của TS Lê Thẩm Dương. Điều đó đã thêm khẳng định, về chuyên môn, năng lực, phong cách giảng dạy linh hoạt, cách li giáo án của TS Dương rất đáng được trân trọng và nhân rộng trong thời gian tới. Cần tách bạch rõ 2 vấn đề Năng lực, chuyên môn, con người của TS Dương là chuyện không phải bàn, tuy nhiên, việc TS Lê Thẩm Dương, khi đứng trên bục giảng mà lại dùng những ngôn từ dung tục thì cần phải phê phán. Bởi lẽ, trên thực tế trong xã hội sẽ không có một ai lại đi khen một người, dù ở ngoài đường hay ngoài chợ khi nói một câu lại đệm thêm vào một từ ngữ tục tĩu. Mà ở đây lại là một người thầy khi đứng trên bục giảng, với những học trò ở dưới thì càng không thể đưa ra những câu nói dung tục như vậy.  Chính TS Lê Thẩm Dương khi nhận xét về việc "văng tục" với PV báo Giáo dục Việt Nam cũng đã cho rằng: "Rõ ràng việc văng tục trên bục giảng là không nên".

Tuy nhiên, chúng ta cần tách bạch rõ giữa chuyên môn và việc dùng ngôn từ không hay trên bục giảng của TS Lê Thẩm Dương thì cần phải phê phán.
Tuy nhiên, chúng ta cần tách bạch rõ giữa chuyên môn và việc dùng ngôn từ không hay trên bục giảng của TS Lê Thẩm Dương thì cần phải phê phán.

Trong bức thư gửi về cho báo GDVN, một độc giả cũng đã cho rằng: Trong vụ việc này chúng ta nên tách bạch 2 vấn đề này ra: Thầy Dương có tài, có phương pháp truyền đạt tốt, học viên nghe dễ hiểu, dễ tiếp thu... Nhưng không có nghĩa là thầy có nhân cách chuẩn mực của một nhà giáo.  Cái đáng phê phán và mọi người đang phê phán là nhân cách của thầy chứ không phải là trình độ của thầy. Đó là thực tế mà bất cứ ai theo dõi các bài phỏng vấn phê phán thầy đều nhận rõ...  Tất cả đều đang không ủng hộ thầy việc thầy văng tục, chửi thề chứ chưa một ai phê phán thầy về phương pháp. Xin nói rõ, vẫn phương pháp đó, nếu sử dụng ngôn từ có văn hóa hơn (ít nhất là cũng đừng chửi thề hay gọi người khác là con nọ, thằng kia) thì kể cả thầy có đề cập đến chuyện sex, chuyện quan hệ vợ chồng nhiều hơn thì kết quả vẫn có thể đạt được như thầy khoe " Thành công rực rỡ"... Trong chuyện này, rõ ràng không nhất thiết phải chửi bậy mới đạt được kết quả như thầy mong muốn!!! Vậy thì tại sao chúng ta không góp ý để thầy tốt hơn, có văn hóa hơn hay ít nhất cũng sửa cho thầy được cái thói quen chửi thề, văng tục vốn đã gắn liền với từng câu nói của thầy? Con cháu, anh chị em chúng ta chửi thề, văng tục ta còn nhắc nhở, góp ý nữa là một người thầy, một nhà giáo? Thiết nghĩ góp ý là để một con người tốt lên, có văn hóa hơn là trách nhiệm của tất cả những người dân Việt Nam chứ không riêng gì là trách nhiệm của GS Nguyễn Lân Dũng hay Nhà Giáo văn Như Cương. Vì vậy, chúng ta nên tỉnh táo, đừng lạc đề khi khen - chê thầy Dương. Hãy trả lại cho thầy hình ảnh của một người thầy có năng lực giảng dạy tốt, phương pháp giảng dạy hay... Và trên hết là một người thầy có nhân cách, có văn hóa khi đứng trên bục giảng.
TC (tổng hợp)