Vũ trang cho đảo Yonaguni: Sự cân nhắc bí mật của Nhật Bản

17/06/2014 09:40
Việt Dũng
(GDVN) - Đảo Yonaguni tuy nhỏ, nhưng về quân sự lại có giá trị không bình thường, là một nơi trọng yếu chiến lược trong hệ thống phòng thủ nhóm đảo tây nam của Nhật
Vị trí đảo Yonaguni, Nhật Bản: Cách đảo Senkaku 150 km
Vị trí đảo Yonaguni, Nhật Bản: Cách đảo Senkaku 150 km

Ngày 19 tháng 4 năm 2014, Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt đầu khởi công xây dựng căn cứ Lực lượng Phòng vệ ở đảo Yonaguni, tỉnh Okinawa, cho rằng tiến hành công tác chuẩn bị cho triển khai Lực lượng Phòng vệ Mặt đất sau này.

Theo kế hoạch, căn cứ này sẽ đưa vào sử dụng trước tháng 3 năm 2016, khi đó sẽ có một lực lượng theo dõi bờ biển khoảng 150 người đến triển khai, đảm đương nhiệm vụ theo dõi trên biển, trên không 24/24.

Đảo Yonaguni thuộc huyện Yaeyama, tỉnh Okinawa Nhật Bản, nằm ở khu vực cực tây của quần đảo Miyako - tây nam Nhật Bản. Hòn đảo này cách Tokyo 2.028 km, cách đảo Ryukyu 509 km, cách Đài Loan chỉ 110 km. "Đảo nhỏ" là đảo cách trung tâm hành chính tương đối xa, đảo Yonaguni được gọi là "đảo nhỏ trong đảo nhỏ".

Đảo Yonaguni diện tích hoàn toàn không lớn, khoảng cách đông-tây khoảng 12 km, nam-bắc khoảng 4 km, tổng diện tích toàn đảo chỉ có 28,88 km2. Trên đảo ngoài 3 thôn làng tự nhiên, còn có cơ sở giao thông hàng hải và hàng không nhất định. Trong đó, có một sân bay Nhật Bản xây dựng vào năm 1943, và đã trải qua 2 lần mở rộng, đường băng dài tới 2.000 m.

Ngoài ra, trên đảo cũng có hai bến tàu, một bến nằm ở khu vực "miền trung" của đảo, vẫn chưa sử dụng; một bến khác nằm ở phía tây của đảo, có thể neo đậu tàu dưới 2.000 tấn.

Đảo Yonaguni cách Đài Loan 110 km
Đảo Yonaguni cách Đài Loan 110 km

Theo tuyên truyền của báo chí Trung Quốc, hòn đảo nhỏ hẻo lánh này lại có lịch sử rất phức tạp. Trong thế kỷ 12-13, đảo Yonaguni thuộc "nước Sơn Nam" "thời đại Tam Sơn", sau đó bị nhà Minh lấy làm "phiên thuộc".

Năm 1879, khi nhà Thanh ở TQ có "thù trong giặc ngoài", Nhật Bản tiến hành loại bỏ "phiên thuộc", đổi nó thành "tỉnh Okinawa", đảo Yonaguni lập tức nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1945, đảo Yonaguni cùng với Ryukyu và Nhật Bản đặt dưới sự thống kỷ ủy thác của Mỹ. Đến năm 1972, quân đội Mỹ bàn giao nó cho Nhật Bản quản lý.

Đảo Yonaguni tuy nhỏ, nhưng về quân sự lại có giá trị không bình thường. Nhất là những năm gần đây, Nhật Bản chuyển trọng tâm phòng vệ từ hướng bắc chuyển xuống tây nam, đảo Yonaguni trở thành một nơi trọng yếu chiến lược trong hệ thống phòng thủ nhóm đảo tây nam được Nhật Bản đang tăng cường xây dựng.

Đảo Yonaguni còn có địa vị đặc biệt trong "chuỗi đảo thứ nhất" do Mỹ xây dựng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. "Chuỗi đảo thứ nhất" vốn là một chiến lược địa lý bao vây đại lục châu Á được Mỹ đưa ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm ngăn chặn sự bành trướng của "thế lực cộng sản" đứng đầu là Liên Xô.

Ngày 19 tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tham dự lễ khởi công xây dựng căn cứ theo dõi trên đảo Yonaguni
Ngày 19 tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tham dự lễ khởi công xây dựng căn cứ theo dõi trên đảo Yonaguni

"Chuỗi đảo thứ nhất" hoàn chỉnh, phía bắc từ quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, giữa nối với đảo Đài Loan, nam đến Philippines, quần đảo Sunda. Trong khi đó, đảo Yonaguni nằm ở cực tây nhất của đoạn "Nhật Bản" của "chuỗi đảo thứ nhất", phối hợp với "Bốn đảo phương bắc" cực bắc, phạm vi nam-bắc này đạt trên 1.500 hải lý.

Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, đối tượng phong tỏa của "chuỗi đảo thứ nhất" nhanh chóng từ Liên Xô chuyển sang Trung Quốc. Cùng với khả năng tầm xa của hải quân Trung Quốc liên tục tăng lên những năm gần đây, hoạt động ra vào tây Thái Bình Dương của họ liên tục được xác định là chọc thủng "chuỗi đảo thứ nhất".

Đặc biệt, để ngăn chặn tàu ngầm Trung Quốc chọc thủng "chuỗi đảo thứ nhất",  Nhật Bản đã xây dựng một tuyến phong tỏa săn ngầm hình "trăng khuyết" trên tuyến đảo, bắc từ đảo Kagoshima, đảo Tanegashima, nam đến đảo Okinawa, tây đến đảo Ishigaki, đảo Iriomote.

Nếu triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-3C và tàu chiến săn ngầm ở sân bay và bến cảng ở đảo Yonaguni, có thể thông qua đẩy tuyến phong tỏa săn ngầm về phía trước với khoảng cách gần 500 km, lấp kín sự sơ hở của đảo Yonaguni. Như vậy, đảo Yonaguni là một mắt khâu quan trọng duy trì tính chỉnh thể của "chuỗi đảo thứ nhất".

Từ sau khi tranh chấp đảo Senkaku Trung-Nhật liên tục nóng lên, tầm quan trọng của Yonaguni càng trở nên nổi bật. Do đảo Yonaguni cách đảo Senkaku chỉ có 170 km, Nhật Bản nếu đưa nó vào hệ thống phong tỏa đảo Senkaku thì có thể tăng mạnh số lượng tàu chiến của Nhật Bản ở vùng biển đảo Senkaku, đồng thời có thể theo dõi có hiệu quả tàu thuyền Trung Quốc đến vùng biển đảo Senkaku, từ đó tiếp tục nắm lấy và kiểm soát quyền chủ động đảo Senkaku.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản

Đồng thời, Nhật Bản cũng có ý định thông qua phương thức triển khai Lực lượng Phòng vệ ở đảo Yonaguni, thể hiện sự hiện diện quân sự thực tế của họ ở đảo Senkaku, tuyên bố lập trường cứng rắn "cưỡng chiếm" đảo Senkaku – báo Trung Quốc tuyên truyền.

Biểu hiện căn bản nhất giá trị quân sự của đảo Yonaguni đó là, nó là một bộ phận quan trọng của hệ thống tăng cường phòng thủ nhóm đảo tây nam của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch triển khai lực lượng theo dõi bờ biển khoảng 150 người ở đảo Yonaguni, trang bị radar và dụng cụ quang học cho họ, để tiến hành theo dõi, cảnh giới với tàu thuyền ở vùng biển xung quanh.

Đồng thời, còn cân nhắc để Lực lượng Phòng vệ đến đóng ở đảo Ishigaki hoặc Miyako thuộc nhóm đảo Miyako, tìm cách tiếp tục hình thành hệ thống phòng ngự tương đối hoàn chỉnh ở nhóm đảo tây nam.

Công ty RAND Mỹ năm 2000 xuất bản "Mỹ và châu Á - tìm kiếm chiến lược mới và trạng thái binh lực của Mỹ" đã đưa đảo Yonaguni vào hệ thống sân bay xung quanh sau khi quân sự hóa đảo Shimoji. Nhật Bản còn cho biết, hy vọng trong tương lai sẽ tiến hành chia sẻ với quân đội Mỹ về tin tức tình báo có được từ lực lượng theo dõi ở đảo Yonaguni, nhằm tăng cường hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ.

Tháng 7 năm 2009, tờ "Tuần san châu Á" Hồng Kông cho rằng, Nhật Bản thông qua phương thức triển khai Lực lượng Phòng vệ ở đảo Yonaguni không những đã tăng cường kiểm soát thực tế đối với đảo Senkaku, mà còn hoàn thiện "chuỗi đảo thứ nhất" bao vây quân sự đối với Trung Quốc đại lục, hơn nữa đã tiến hành chuẩn bị tốt cho "đánh đòn phủ đầu" khi xung đột với Trung Quốc trong tương lai.

Biên đội tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Chính vì vậy, Nhật Bản sớm đã có ý định triển khai Lực lượng Phòng vệ ở đảo Yonaguni, đồng thời đã từng bước triển khai tiến trình quân sự hóa đảo Yonaguni trên nhiều phương diện.

Năm 2008, đảo Yonaguni bắt đầu xuất hiện những lời kêu gọi yêu cầu Lực lượng Phòng vệ đóng quân. Một số người ủng hộ đã thành lập "Hiệp hội phòng vệ Yonaguni", tôn chỉ chính là muốn Lực lượng Phòng vệ đóng quân ở đảo này để "nhấn mạnh đây là lãnh thổ Nhật Bản".

Đặc biệt, tổ chức này tuyên bố, tàu khảo sát biển và tàu cá của Trung Quốc thường xuyên ra vào vùng biển xung quanh, tạo ra mối đe dọa cho an toàn của đảo này, trong khi đó, trên đảo chỉ có 2 cảnh sát, khả năng phòng thủ rõ ràng không đủ.

Tháng 9 cùng năm, nghị viện Cho, đảo Yonaguni đã thông qua nghị quyết "thúc đẩy Lực lượng Phòng vệ đến đảo". Ngày 4 tháng 7 năm 2009, chính phủ Nhật Bản đã xác định phương châm triển khai Lực lượng Phòng vệ Mặt đất ở đảo Yonaguni, đồng thời đưa nó vào chiến lược phòng vệ mới của Nhật Bản.

Tháng 12 năm 2010, chính phủ Nhật Bản đã thông qua "Đại cương kế hoạch phòng vệ sau năm tài khóa 2011" và "Kế hoạch chỉnh đốn phòng vệ trung hạn (năm tài khóa 2011 - 2015)", đã tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường trạng thái phòng vệ "nhóm đảo tây nam", đồng thời đã viết rõ ràng nội dung "sẽ triển khai lực lượng theo dõi bờ biển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất ở nhóm đảo tây nam".

Tàu ngầm tiên tiến AIP lớp Soryu Nhật Bản
Tàu ngầm tiên tiến AIP lớp Soryu Nhật Bản

Ngày 26 tháng 3 năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa và người đứng đầu khu vực Cho đảo Yonaguni Hokama Shukichi đã tiến hành hội đàm về triển khai Lực lượng Phòng vệ ở đảo Yonaguni, đồng thời đã tiến hành khảo sát thực địa, hai bên cố gắng tạo dư luận triển khai Lực lượng Phòng vệ.

Tuy nhiên, kế hoạch triển khai Lực lượng Phòng vệ Mặt đất ở đảo Yonaguni của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ban đầu đã gặp phải phiền phức. Tuy Bộ Quốc phòng đã đưa chi phí mua đất 1,5 tỷ yên vào dự toán ngân sách năm 2012, nhưng lại bị người dân địa phương phản đối mạnh mẽ.

Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, 1/3 người dân trên đảo đã ký tên yêu cầu rút bỏ kế hoạch này và yêu cầu chính quyền và nghị viện tỉnh Okinawa cũng ủng hộ hoạt động phản đối. Trong lễ khởi công căn cứ ngày 19 tháng 4 vừa qua, khoảng 50 người biểu tình đã có ý định ngăn chặn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đến hiện trường thi công căn cứ.

Người dân phản đối cho rằng, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nếu xây dựng công trình quân sự, một khi xảy ra chiến sự, đảo Yonaguni sẽ rơi vào khói lửa chiến tranh. Bởi vì, vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, tuy đảo Okinawa bị quân đội Mỹ tiến công mạnh mẽ, nhưng, đảo Yonaguni lại tránh được khói lửa chiến tranh nhờ không có căn cứ của quân đội Nhật Bản. Người phản đối lo ngại lịch sử sẽ lặp lại, lo ngại họ trở thành vật hy sinh của "chủ nghĩa quân phiệt - báo Trung Quốc tuyên truyền.

Tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản quần nhau trên vùng biển đảo Senkaku
Tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản quần nhau trên vùng biển đảo Senkaku

Mặc dù như vậy, tại lễ khởi công căn cứ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, triển khai lực lượng theo dõi bờ biển ở đảo Yonaguni "đã lấp chỗ trống triển khai Lực lượng Phòng vệ ở khu vực tây nam". Đây vẫn là lý do Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự.

Từ xây dựng lực lượng đoạt đảo, lực lượng tác chiến mạng, đến mở rộng căn cứ của Lực lượng Phòng vệ, Nhật Bản đang tiến hành "sẵn sàng chiến đấu". Theo xuyên tạc của báo Trung Quốc thì hành động này của Nhật Bản nếu tiếp tục không ngừng sẽ "gây tai họa" cho các nước láng giềng và cũng gây tai họa cho chính mình.

Như vậy, có lẽ bài báo nghĩ rằng, họ khuyên các nước đừng nên tăng cường phòng thủ, cứ để Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên không, trên biển, ra sức đe dọa đòi hỏi và áp đặt chủ quyền, cướp đi biển đảo của nước khác. Có lẽ bài báo cho chuyện này "bình thường, hợp pháp", các nước không nên có hành động gì chống lại. Logic của Trung Quốc như vậy đấy.

Việt Dũng