Xác định rõ nguyên nhân oan, sai trong tố tụng hình sự

05/06/2015 09:25
Thanh Liêm/Theo CAND
(GDVN)- Sáng nay, Quốc hội thảo luận báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường oan sai.

Về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đã ghi nhận, đánh giá tích cực nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra Công an các cấp về phòng ngừa không để xảy ra oan, sai cũng như tập trung khắc phục những hạn chế về vấn đề này.

Án oan, sai chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ

Trong báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Phó trưởng đoàn giám sát đánh giá, những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, số người phạm tội với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện ghi nhận, các cơ quan chức năng đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây, chỉ xảy ra một vài vụ án oan, còn án sai cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Tuy nhiên, so với yêu cải cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn những bất cập hạn chế, cần được khắc phục.

Theo Ủy ban Tư pháp, loại án thường dẫn đến oan, sai chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do những quan điểm trong áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất.

Phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện trường hợp nào làm oan người vô tội, kể cả những nơi mặc dù có lượng án rất lớn. Hầu hết các trường hợp bị oan, sai trong những năm gần đây đều được phát hiện, đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố tuy nhiên cũng có trường hợp bị oan chưa được xử lý kịp thời. 

Lực lượng Công an trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra vụ án.
Lực lượng Công an trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra vụ án.

Ghi nhận nỗ lực ngăn ngừa oan, sai

Qua trao đổi ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, trong những năm qua, tình hình tội phạm có nhiều diễn biên phức tạp, một số loại tội phạm gia tăng, tính chất, mức độ nguy hiểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đây là thách thức cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật có đông người tham gia, việc phát hiện, ngăn chặn và điều ra, xử lý rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, trước tình hình phức tạp đó, các cơ quan tiến hành tố tụng mà trước hết là cơ quan điều tra Công an các cấp đã có rất nhiều nỗ lực, phát hiện, khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật, đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn; tích cực chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây, tỷ lệ oan, sai là rất thấp.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, công tác điều tra tội phạm có đặc thù, là nghề đòi hỏi trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh cao, điều đó thể hiện sự cố gắng lớn của lực lượng Công an các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an.

Theo ông, cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Lực lượng Công an cũng đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, xử lý tội phạm…

Thượng tôn pháp luật, xử nghiêm sai phạm

Về vấn đề này, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an các cấp và các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm với phương châm “không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai”.

Bộ Công an đã ban hành nhiều chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật, nâng cao hiệu quả trong hoạt động điều tra. Qua đó, đã phát hiện, khởi tố điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật các hành vi phạm tội xảy ra; công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố năm sau cao hơn năm trước.

Cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, xử lý tội phạm…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan điều tra các cấp trong CAND cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, cá biệt ở nơi này, nơi khác còn xảy ra một vài trường hợp oan, sai,  ảnh hưởng đến quyền công dân, uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hiện, Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, trong đó quy định rõ cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, cấp trên phải kiểm tra, hướng dẫn và chịu trách nhiệm về những vi phạm của cấp dưới. “Công tác thanh tra, nhất là thanh tra trong công tác khởi tố, bắt, giam, giữ phải được tiến hành thường xuyên, thực chất, chú trọng phát hiện sai phạm từ sớm, tại cơ sở để kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để sai phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm nghiêm trọng và kiên quyết điều chuyển khỏi Cơ quan điều tra những cá nhân vi phạm trong công tác điều tra vụ án hình sự; xử lý trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng Cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan, sai…” – Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội:

Lực lượng Công an đã có nhiều giải pháp ngăn ngừa oan, sai hiệu quả

PV:Thưa đại biểu, kỳ này UBTV Quốc hội đã có báo cáo giám sát về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Trước hết phải khẳng định là số lượng không nhiều (oan sai chiếm 0,02% và bức cung, nhục hình chiếm 0,00005% tổng số vụ - PV), nhưng dù xảy ra một vụ mà nghiêm trọng thì vẫn cần phải khắc phục, vì nó liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Cũng phải nói rằng trên thế giới không có nước nào tuyệt đối không có oan sai. Chúng ta cũng phải thấy công tác điều tra truy tố xét xử, hoạt động tố tụng của Việt Nam nói chung là tốt và ngày càng tiến bộ. Tình hình án ở Việt Nam rất phức tạp, số lượng hàng trăm nghìn vụ việc hàng năm, rải ra trên cả nước.

Tôi cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó cơ quan điều tra Công an các cấp đã có nhiều giải pháp ngăn ngừa rất hiệu quả, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề này.

Số lượng vụ việc chiếm tỷ lệ rất ít, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ này cũng xảy ra lâu rồi.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo.

PV:Vậy, theo ông cần nhìn nhận nguyên nhân vấn đề này ra sao?

Đại biểu Đinh Xuân Thảo:Từ những vụ cụ thể, vấn đề là phải tìm ra nguyên nhân, lý do vì sao mà có oan, sai. Nếu như oan sai mà do quy định của pháp luật không chặt, có kẽ hở thì việc giám sát để tìm ra nguyên nhân giúp cho việc sửa đổi pháp luật cho phù hợp.

Thứ hai là liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng mà do trình độ hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có tiêu cực chẳng hạn thì phải khắc phục công tác cán bộ, từ việc đào tạo, giáo dục cho tốt.

Tiếp đến là phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc điều tra, truy xét, cũng chưa tốt. Ví dụ để điều tra thì anh phải thu thập chứng cứ, dấu vết, mà phương tiện kỹ thuật không tốt, không có thì nó cũng thiếu chính xác... ảnh hưởng đến oan sai. Qua giám sát cũng đã có đánh giá nội dung này...

Tôi muốn nói là oan sai thì không nhiều, nhưng cần nhìn nhận đúng để hạn chế, khắc phục. Cần thấy việc đó để mình kịp thời chấn chỉnh, như Quốc hội kỳ vừa rồi chuyển biến rất tích cực trong việc sửa đổi một loạt các luật từ Bộ Luật Hình sự đến Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Hành chính, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra, Luật tạm giữa, tạm giam... Tổng hợp tất cả lại sẽ góp phần hạn chế oan sai để thực hiện việc bảo đảm quyền con người, quyền lợi hợp pháp của công dân và cũng đảm bảo hiệu quả cho việc phòng chống tội phạm tốt hơn.

PV:Thưa ông, nhận định về tỷ lệ giải quyết tin báo tội phạm của báo cáo giám sát cho biết vẫn còn tỷ lệ 3,1% số tin báo được xử lý quá hạn. Nhưng thực ra tỷ lệ giải quyết hơn 96,5% (gần 300.000 vụ so với hơn 307.000 tin báo) và tỷ lệ khởi tố 74% (hơn 219.000 vụ) đã vượt Nghị quyết của Quốc hội (yêu cầu tỷ lệ giải quyết là trên 90% và tỷ lệ khởi tố trên 70%). Phải chăng báo cáo giám sát đã quá khắt khe?

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Đoàn giám sát của UBTVQH đã trực tiếp đến một số tỉnh, còn một số tỉnh khác thì giao cho Đoàn ĐBQH của tỉnh đó chủ động tổ chức để giám sát, báo cáo kết quả tổng hợp lại.

Cơ bản hoạt động tố tụng của Việt Nam trong thời gian qua (từ 2011 - 2014) so với yêu cầu, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra thì số vụ việc thụ lý, điều tra, truy tố xét xử trong cả nước số lượng rất lớn, các chỉ tiêu nhìn chung thực hiện tốt.

Như địa bàn Hà Nội là nơi chúng tôi đã trực tiếp thực hiện giám sát, tỷ lệ các vụ án hình sự so với cả nước ở mức cao, nhưng qua giám sát ở các quận huyện thì thấy được sự cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra Công an.

Nhưng xem báo cáo thì đúng là trong báo cáo tổng kết đánh giá cũng có phần khắt khe. Dư luận xã hội thời gian vừa qua cũng quan ngại với một số vụ việc oan sai, mặc dù chỉ xảy ra vài vụ. Qua giám sát cũng rút ra những bài học kinh nghiệm, để phục vụ cho việc khắc phục hạn chế, thiếu sót trước hết trong lĩnh vực lập pháp và thực hiện các nguyên tắc mới về hoạt động tố tụng được quy định trong Hiến pháp 2013.

Mục tiêu là như thế, làm việc này để phục vụ nhiều mục đích, từ xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật đến việc xây dựng, hoàn thiện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm hoạt động tố tụng.

PV:Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam):

Oan, sai có nguyên nhân từ hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện

Theo tôi, trong báo cáo cần phân biệt, làm rõ khái niệm oan và sai trong tố tụng hình sự. Những trường hợp bị oan chủ yếu do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng sai quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, có những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng chưa đúng, không đầy đủ về trình tự, thủ tục tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án, không làm oan người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị khởi tố, truy tố, xét xử.

Vì vậy, trong báo cáo cần có sự phân tích rõ hơn về tình hình oan và sai, nguyên nhân dẫn đến oan, nguyên nhân dẫn đến sai, trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng để có các biện pháp khắc phục phù hợp.

Trong báo cáo giám sát có nêu dẫn chứng về tình hình oan, sai, trong đó có những vụ oan, sai đã xảy ra từ năm 2010 trở về trước, có vụ xảy ra cách đây hàng chục năm nay mới phát hiện, xử lý thì phải xác định đấy là oan, sai trước đây mà không phải xảy ra trong kỳ giám sát lần này.

Do vậy, tôi đề nghị trong báo cáo cần phân biệt rõ, đúng mực những vụ oan, sai nào xảy ra trong thời gian trước đây, vụ nào xảy ra trong kỳ giám sát hiện nay (2011-2014), tránh gộp trong thời gian dài vì mỗi thời kỳ, giai đoạn có sự khác nhau.

Đại biểu Phạm Trường Dân.

Đại biểu Phạm Trường Dân.

Tôi cũng nhất trí với các nguyên nhân dẫn đến oan, sai mà báo cáo đã chỉ ra, trong đó nguyên nhân xuất phát từ hệ thống pháp luật của Nhà nước ta chưa hoàn chỉnh, còn nhiều bất cập. Trong điều tra, xử lý tội phạm, các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự có vai trò hết sức quan trọng.

Trong khi đó, hiện nay nhiều quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự chưa đầy đủ, thiết chặt chẽ và chưa hoàn thiện nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn tới nhận thức, vận dụng và tổ chức thực hiện không đúng, không thống nhất.

Nhiều nội dung của Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự cần phải được giải thích, hướng dẫn nhưng cơ quan có thẩm quyền lại chưa tiến hành đầy đủ, kịp thời; các cơ quan tư pháp trung ương lại có những quan điểm khác nhau dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng…

Thanh Liêm/Theo CAND