Xây dựng Nhà máy sản xuất 3 triệu USD của Công ty Việt - Úc để làm... kho

20/07/2015 10:35
Hải Ninh
(GDVN) - Sau khi bị tố sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc, Công ty Việt Úc đã khai trương rầm rộ nhà máy 3 triệu USD song thực chất, nhà máy này chỉ để làm kho chứa hàng.

BabiCare hay BabyCare?

Một trong những động thái khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn trong một thời gian dài là các nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty Việt Úc cũng khác xa so với nhãn hiệu công ty này sử dụng trên bao bì.

Theo tìm hiểu, ngày 16/6/2008, Công ty Việt Úc đã nộp đơn đăng kí cho nhãn hiệu “Baby Care” cho các sản phẩm trong nhóm 16, nhưng đơn này đã bị từ chối.

Nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty Việt Úc như được thể hiện trên hình ảnh là (viết liền, có thể được đọc là Bà-bị-cả-rẻ) là một từ không có nghĩa, dấu chấm của chữ “i” được thiết kế cách điệu có màu đỏ. 

Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm, nhãn hiệu này đều tách thành 2 dòng. Dấu chấm màu đỏ được đổi sang màu xanh và thiết kế chữ “i” gần giống với chữ “y”, để tạo thành các từ mang tính mô tả là “chăm sóc cho em bé”.

Nguồn: Hồ sơ nhãn hiệu Công ty Việt Úc, cung cấp bởi Daitin & Associates

Nguồn: Hồ sơ nhãn hiệu Công ty Việt Úc, cung cấp bởi Daitin & Associates 

Tương tự với các nhãn hiệu TeenCare, WonderCare viết liền một hàng cũng đã được chuyển thành 2 hàng để tạo thành các từ có nghĩa mô tả. Các hành động trên đây, có thể gây ngộ nhận cho người tiêu dùng về ý nghĩa của sản phẩm, hàng hoá cũng như vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, các dấu hiệu mang tính mô tả cho các đặc tính của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ sẽ không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. 

Phải để ý thật kỹ mới thấy chữ Y dài trong từ Baby thực ra là Babi. Ảnh: Hoàng Lan

Phải để ý thật kỹ mới thấy chữ Y dài trong từ Baby thực ra là Babi. Ảnh: Hoàng Lan

Điều đáng nói, trên trang web chính thức của Việt ÚC đều viết sản phẩm của mình là BabyCare chứ không viết chính xác là BabiCare.

Những thông tin trên báo chí cũng đều viết là BabyCare, thậm chí bao bì cũng đều ghi là BabyCare, tuyệt nhiên cái tên đăng ký BabiCare đã rơi vào quên lãng. 

Đầu tư nhà máy 3 triệu USD để làm... kho trung chuyển

Tháng 11/2013, Công ty Việt Úc công bố rộng rãi nhà máy sản xuất khăn ướt thương hiệu Babicare và các nhãn hàng khác tại KCN Tân Bình, TP. HCM có tổng vốn đầu tư lên tới 3 triệu USD.

Theo quảng cáo, nhà máy được xây dựng trên diện tích 2.000 m2, được lắp đặt dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động, khép kín theo tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Pratice - tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt áp dụng để quản lý sản xuất trong các ngành: dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm…).

Cũng theo quảng cáo, từ nhà máy này, các sản phẩm khăn ướt BabyCare (hay Babicare?) được sản xuất từ nhà máy mới của Công ty Quốc tế Việt Úc khi đưa ra thị trường đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế.

Công ty cam kết hoàn toàn không sử dụng các chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe của trẻ em như paraben, phenoxyethanol...

Hình ảnh thật về nhà máy 3 triệu USD- thực chất chỉ là nơi thuê lại của công ty khác để chứa hàng. ẢNH: Hoàng Lan

Hình ảnh thật về nhà máy 3 triệu USD- thực chất chỉ là nơi thuê lại của công ty khác để chứa hàng. ẢNH: Hoàng Lan

Đáng ngạc nhiên hơn, từ năm 2013 đến năm 2015 người tiêu dùng chưa từng thấy bất kì sản phẩm nào của Việt Úc được sản xuất tại Việt Nam.

Các sản phẩm chủ lực, bán chạy nhất trên thị trường của công ty này đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Singapore.

Bên trong nhà máy 3 triệu USD. Thực chất chỉ dùng làm 1 kho chứa hàng. Ảnh Hoàng Lan

Bên trong nhà máy 3 triệu USD. Thực chất chỉ dùng làm 1 kho chứa hàng. Ảnh Hoàng Lan

Đầu năm 2015 Việt Úc quảng cáo video về dây chuyền sản xuất tự động theo tiêu chuẩn GMP nhưng đây lại là nhà máy của Kleen Pak (Singapore) đơn vị gia công cho Việt Úc.

Thực chất cái gọi là nhà máy 3 triệu USD chỉ có tác dụng là kho chứa hàng của BabiCare. Người tiêu dùng đặt câu hỏi: Vậy Việt Úc quảng cáo xây dựng nhà máy để làm gì?

Trả lời bằng Văn bản số 09/CV-AVN ngày 17/7/2015 gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam do ông ông Lê Quang Được, Giám đốc Công ty Việt - Úc ký có nội dung thừa nhận: Nhà máy tại KCN Tân Bình thực chất chỉ là kho trung chuyển và nơi sản xuất khăn ướt quy cách vừa và nhỏ với diện tích 2.000m2, còn Nhà máy sản xuất chính được đặt KCN TP. Bình Dương (tỉnh Bình Dương) (?!)

Sản xuất khăn ướt là một ngành nghề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em nhưng với những "mập mờ" trong sản xuẩt, phân phối của Công ty Việt Úc khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ, đặt ra nghi vấn về chất lượng sản phẩm. 

Hải Ninh