Xe tăng T-90S Nga chính thức "đá bật" MBT-2000 của Trung Quốc ở Peru

29/05/2013 08:14
Đông Bình
(GDVN) - Xe tăng Trung Quốc không còn góp mặt tranh thầu, chỉ còn lại xe tăng T-90S của Nga và xe tăng dòng Leopard do Đức chế tạo, nhưng ưu thế thuộc về Nga.
Xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc đã bị Peru từ chối mua, vì không có động cơ
Xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc đã bị Peru từ chối mua, vì không có động cơ

Đài phát thanh "Tiếng nói nước Nga" ngày 25 tháng 5 có bài viết cho rằng, Peru mấy năm trước từ bỏ mua xe tăng Trung Quốc, nay có thể mua xe tăng T-90S do Nga chế tạo.

Chuyên gia Vasilii Cashin, Viện nghiên cứu công nghệ và phân tích chiến lược Nga cho rằng, sau khi hợp đồng mua sắm xe tăng Trung Quốc của Peru đẻ non vào năm 2012, xe tăng Nga có ưu thế nổi bật.

Được biết, trong thời gian tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế, Tư lệnh Lục quân Peru Ricardo Moncada Novoa đã đích thân tham qua xe tăng Nga, đồng thời đề nghị nhà sản xuất – tức nhà máy nghiên cứu sản xuất xe tăng Ural để lại xe tăng cho quân nhân Peru chuẩn bị cho việc nghiên cứu trong tương lai.

Bài viết cho biết, Quân đội Peru có 249 xe tăng kiểu cũ T-55 do Liên Xô chế tạo, nhưng những xe tăng mua từ thập niên 1970 này có trạng thái kỹ thuật không tốt, vì vậy hiện còn chưa đến 30% xe là có khả năng tác chiến. Từ lâu, Quân đội Peru đã cân nhắc các phương án thay thế hoặc tìm cách nâng cấp những xe tăng kiểu cũ này. Quân đội nước láng giềng Chile mua xe tăng Leopard-2A4 là một phần nguyên nhân thúc đẩy mong muốn đổi mới xe tăng của Peru tăng mạnh.

Năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Rafael Rey từng cho biết, Peru có kế hoạch mua 120 xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc. Hầu như Trung Quốc đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh của họ gồm nhà máy Ural (cung cấp xe tăng T-90) và Ukraine (cung cấp xe tăng T-84 Oplot).

Trung Quốc đề nghị Peru trước tiên thuê 5 xe tăng MBT-2000 để nghiên cứu và đào tạo cho quân nhân sử dụng. Nhưng, những xe tăng này lại sử dụng động cơ diesel 6TD-2E do Ukraine chế tạo.

Tháng 4 năm 2010, Ukraine không đồng ý chuyển bán xe tăng sử dụng động cơ 6TD-2E cho bên thứ ba. Vì vậy, Peru đã chấm dứt thực hiện hợp đồng xe tăng với Trung Quốc.

Xe tăng T-90 phiên bản cuối cùng thể hiện tính năng đáng kinh ngạc
Xe tăng T-90 phiên bản cuối cùng thể hiện tính năng đáng kinh ngạc

Theo báo Nga, căn cứ vào thông tin trên báo chí, có người nghi ngờ hợp đồng xe tăng Trung Quốc-Peru bị "đẻ non" là do Nga "giở trò", dường như là Nga gây sức ép lên Ukraine để Ukraine ngăn chặn việc thực hiện hợp đồng.

Nhưng thực tế không phải như vậy: Bản thân Ukraine cũng đã tham gia vào cuộc tranh thầu xe tăng của Peru, cũng đã thua Nga như Trung Quốc. Sau khi hợp đồng bán xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc bị đẻ non, Ukraine hy vọng Peru có thể chấp nhận phương án nâng cấp cải tạo xe tăng T-55 cũ do họ đưa ra, nhưng người Ukraine đã tính sai.

Hợp đồng Peru-Trung Quốc bị đẻ non và bất đồng nảy sinh giữa các ban ngành của Peru đã khiến cho kế hoạch tái trang bị cho lực lượng xe tăng của Peru không thể thực hiện. Hiện nay, cuộc đấu đá tranh đoạt thị trường xe tăng Peru lại bắt đầu.

Đến nay, cuộc cạnh tranh được triển khai giữa xe tăng T-90S của Nga và xe tăng cũ Leopard-2A6 do Đức chế tạo mà Quân đội Hà Lan có kế hoạch đào thải. Cũng có thể mua xe tăng Leopard-2A4 hoặc Leopard-2A5 của các nước như Tây Ban Nha và Đức - những nước đang gặp phải khủng hoảng và cắt giảm chi tiêu quân sự.

Ưu thế của xe tăng Nga là giá cả thấp hơn và chuẩn bị chuyển giao công nghệ bảo dưỡng bộ phận xe tăng cho Peru. Nghe nói, lần này Peru sẽ mua 120-170 chiếc.

Tuy nhiên, xét đến trình tự đưa ra quyết định mua sắm vũ khí của Peru tương đối rườm rà, trong một thời gian còn khó có thể thấy được quyết định cuối cùng.

Nhà sản xuất xe tăng Trung Quốc không chỉ một lần cho biết, T-90 là đối thủ cạnh tranh chính của xe tăng xuất khẩu của họ. Hiện nay, tại Peru, xe tăng T-90 đang chứng minh nó thực sự ưu thế hơn xe tăng Trung Quốc.



Đông Bình