"Xem xong clip quảng cáo Vim, chắc chắn tôi sẽ không mua sản phẩm này"

29/08/2012 10:24
Thành Chung
(GDVN) - "Đây là quảng cáo hết sức phản cảm, gây ra sự ác cảm, vô tác dụng đối với người tiêu dùng. Như cá nhân tôi, sau khi xem, chắc chắn tôi sẽ không mua sản phẩm này vì nhìn thấy quảng cáo và nghĩ đến sản phẩm này, tôi rất ghét...", ông Đỗ Gia Phan nhấn mạnh.
Xung quanh đoạn clip quảng cáo của nhãn hàng nước tẩy rửa bồn cầu Vim với hình ảnh đang được nhiều người cho rằng khá phản cảm. Để chứng minh cho chất lượng tẩy rửa của Vim, nhà quảng cáo đã cho nhân vật chính quẹt tay xuống bồn cầu vì…không còn phải lo đến vi khuẩn xâm hại?  Hình ảnh trên bị dư luận “để ý” bởi nó gây cho người xem thấy “ghê ghê” vì quảng cáo này thường phát vào đúng những lúc bữa cơm đang ngon lành, đó là buổi trưa và buổi tối. Nhan nhản quảng cáo lừa khách hàng Trao đổi với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, khi nhắc đến quảng cáo truyền hình hiện nay, ông Đỗ Gia Phan, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bày tỏ sự bức xúc trước những cách làm quảng cáo sai lệch, thiếu tính thông tin hiện nay.
Ông Đỗ Gia Phan, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Ông Đỗ Gia Phan, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

"Bản chất của quảng cáo là thông tin, tức là cung cấp thông tin để làm sao hướng cho người tiêu dùng đến sự lựa chọn đúng sản phẩm. Tuy nhiên thực tế hiện nay, có vô số quảng cáo lại chỉ cốt làm sao sử dụng những hình ảnh để gây ấn tượng, làm cho người tiêu dùng nhớ đến sản phẩm của mình chứ không hề có chút thông tin nào.
Điều này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, thậm chí là mất phương hương để lựa chọn sản phẩm. Đây rõ ràng là sự vi phạm vào quyền được thông tin của người tiêu dùng", ông Phan cho biết. Theo ông Phan, trên thực tế, quảng cáo hiện nay không chỉ đang “sao hóa” giống như những người mẫu, ngôi sao cố tình gây sacndal để người ta phải nhớ mình mà không ít quảng cáo rất vụng, rất phản cảm vẫn thường xuyên xuất hiện. "Nhà tôi, lúc nào đến quảng cáo là chuyển sang xem kênh khác chứ không xem quảng cáo. Quảng cáo cứ lặp đi lặp lại mãi. Nội dung và các hình ảnh được sử dụng trong các quảng cáo hầu hết là nói vống lên, những quảng cáo theo kiểu gần như nói dối khách hàng thì ngày càng nhiều, nhưng có một thực tế rất tệ hại, đó là ở chỗ, nếu nói dối nhiều thì sẽ không ít người tin và mua sản phẩm. Những quảng cáo hiện nay, thực sự chỉ mang lại cho người ta cái bức xúc, bực tức. Quảng cáo nhiều người xem nhất vẫn là quảng cáo trên truyền hình. Tuy chưa có một thống kê cụ thể về thời lượng quảng cáo nhưng các quảng cáo trong không ít chương trình hiện nay thực sự là chiếm dung lượng quá nhiều, khiến khán giả ác cảm", ông Phan cho hay. Ông Phan cũng cho rằng: "Thiện chí của các chương trình quảng cáo hiện nay mà nhà sản xuất nhắm đến chỉ là cốt để bán được hàng, chạy theo lợi nhuận còn không quan tâm đến uy tín, quyền lợi của người tiêu dùng".
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Quảng cáo Vim: vi phạm quyền được thông tin của người tiêu dùng Liên quan đến đoạn quảng cáo Vim, ông Phan bày tỏ, đây cũng là một đoạn quảng cáo đi theo hướng "tâng bốc", "sao hóa" sản phẩm lên nhằm tạo ấn tượng đối với người tiêu dùng, để bán hàng. "Như chúng ta đã biết, bồn cầu là nơi để làm gì rồi, nó chẳng đẹp đẽ cho lắm nên việc họ chiếu bồn cầu một cách lộ liễu như vậy là quá phản cảm.
Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip

Đó là chưa kể đến hình ảnh người phụ nữ còn cho tay quẹt xuống bồn cầu như vậy thì thực sự quá ghê sợ. Cho dù nước tẩy Vim này có tẩy sạch đến cỡ nào đi chăng nữa thì việc cho tay vào như vậy thực sự là quá phản cảm. Việc đưa những hình ảnh này, thực chất, nhà sản xuất chỉ là muốn để tạo được dấu ấn hay nói cách khác gây sốc về sản phẩm này đối với khách hàng khi xem, nhằm bán hàng, chứ thực chất không hề cung cấp bất cứ thông tin hữu dụng về sản phẩm cho khách hàng. Đây rõ ràng cho thấy là sự vi phạm quyền được thông tin của người tiêu dùng", ông Phan nhấn mạnh. Ông Phan cũng đưa ra sự lo lắng : "Việc chiều quảng cáo này vào các giờ nhạy cảm, ăn cơm buổi trưa hay buổi tối không chỉ gây sự ác cảm đối với người tiêu dùng mà hơn thế, việc những em nhỏ khi xem quảng cáo này, chắc chắn sẽ bắt chước, làm theo. Điều này là rất tệ hại". Cũng theo ông Phan, việc để một quảng cáo phản cảm như quảng cáo Vim này xuất hiện còn có lỗi của bên thứ ba. "Ở đây, ngoài trách nhiệm của nhà sản xuất thì trách nhiệm của đơn vị đăng tải đoạn clip này cũng cần phải nói tới, tại sao lại đưa một quảng cáo phản cảm như vậy đến với công chúng", ông Phan nói. Đứng trên phương diện một người tiêu dùng, ông Phan khẳng định: "Như cá nhân tôi, sau khi xem  đoạn clip quảng cáo Vim này chắc chắn tôi sẽ không mua sản phẩm bởi vì nhìn thấy quảng cáo và nghĩ đến sản phẩm này tôi đã thấy phản cảm và rất ghét rồi...". Ông Phan cũng nhấn mạnh, để giảm được những quảng cáo phản cảm như của Vim, trước tiên phải nâng cao được nhận thức của người tiêu dùng không tin và nên tẩy chay các quảng cáo này, đồng thời với đó là sự vào cuộc, kiểm tra, nhằm thực thi thật tốt các luật hiện hành có liên quan của các cơ quan chức năng. Một phần với đó là sự lên tiếng kịp thời, mạnh mẽ của báo chí...
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Thành Chung