Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Xót xa thiếu phụ có thân hình giống tượng, cứ thấy người là bỏ chạy

11/01/2013 07:09
Trọng Trinh - Nguyễn Huệ
(GDVN) - “Cái tai không to nhưng gương mặt nhìn vào là người ta nghĩ ngay tới bức tượng được thờ ở các miếu mạo, đền chùa”, mỗi lần có ai hỏi về hình dạng kì lạ của em gái mình, ông Nguyễn Công Ái lại thở dài.

Trời đã vào trưa nhưng cái lạnh vẫn bao trùm mọi ngóc ngách nơi làng quê Ứng Hòa, Hà Nội. Chợ Xà Kiều chỉ còn trơ lại những bàn ghế kê trong các gian hàng, đống phế liệu chất ngổn ngang 1 góc… và bà Nguyễn Thị Dính - một thiếu phụ hơn 50 năm sống với hình hài giống tượng vẫn ngồi thu lu bên cạnh đống rác thải, phế liệu ấy.

“Cái tai không to nhưng gương mặt nhìn vào là người ta nghĩ ngay tới bức tượng được thờ ở các miếu mạo, đền chùa”, mỗi lần có ai hỏi về hình dạng kì lạ của em gái mình, ông Nguyễn Công Ái lại thở dài. Tứ chi của bà Dính đều có 4 ngón dính liền nhau, chỉ có ngón cái choãi ra. Vì vậy việc đi lại, hay mọi sinh hoạt cá nhân nếu người bình thường làm được 10 thì bà chỉ làm được 5 – 6 phần. Trời mưa, trơn, đôi chân dính ngón của bà Dính không thể bám xuống đất để đi.

Câu chuyện về bà Dính đã thu hút sự chú ý của không ít người. Nhưng lúc nào bà cũng đeo găng tay, tất chân, khăn bịt mặt để che đi những khiếm khuyết của cơ thể.

Mang thân hình giống tượng, bà Nguyễn Thị Dính thường xuyên mang găng tay, tất chân, khăn bịt mặt để che đi những phần khiếm khuyết của cơ thể.

Mang thân hình giống tượng, bà Nguyễn Thị Dính thường xuyên mang găng tay, tất chân, khăn bịt mặt để che đi những phần khiếm khuyết của cơ thể.

Bà Nguyễn Thị Dính (sinh năm 1969) hiện trú tại xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội. Từ khi sinh ra bà đã mang hình hài giống pho tượng. Hiện tại bà được hưởng chế độ mỗi tháng 500.000 đồng. Do bị ảnh hưởng thần kinh từ nhỏ nên ngày nào bà cũng đi lang thang khắp các ngóc ngách trong làng, rồi lại về chợ Xà Kiều (Ứng Hòa) xin ăn.

Không khó để chúng tôi tìm thấy nhà bà vì bà Dính nổi tiếng không chỉ ở khu chợ mà ở cả xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) nơi bà sinh ra và lớn lên. Nhưng lại rất khó để tiếp cận và lại gần vì bà… sợ người mặc dù bà ngồi đây cũng để xin tiền. Không ai lý giải được bà đang sợ điều gì chỉ biết từ khi sinh ra, bà đã bị ảnh hưởng thần kinh. Lủi thủi một mình ở chợ, không khi nào cất lên thành tiếng nhưng có lẽ trong bà vẫn có những cảm xúc.

Căn nhà của bà Dính nằm sâu trong ngõ, anh chị và các cháu của bà vẫn ngày ngày mong bà quay trở về. Vì suốt nhiều năm nay, bà cứ đi lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm ở chợ. Bà tự đi và gặp thứ gì cũng ăn. Tiền người ta cho nhiều khi bị người khác lừa lấy hết. Trời lạnh nhưng bà vẫn “màn trời chiếu đất” sống như cảnh không gia đình. Lên 5 tuổi bà mồ côi cha, 17 tuổi người mẹ cũng rời bỏ bà ra đi. Mọi tình thương và sự quan tâm giờ chỉ còn anh em ruột thịt.

Đã có không ít những lời độc địa phủ lên cuộc sống của bà suốt nhiều năm tháng qua. Xóm làng không phải ai cũng cảm thông, nhiều người còn gán ghép cho gia đình bà những câu chuyện mang màu sắc mê tín. Người ta cho rằng, bà Dính có hình hài giống tượng đó là sự… “quả báo”. Vì ngày trước khi có mang bà, mẹ bà đã tự ý dựng quán nước chè ngay trước cổng chùa. Và người dân cho rằng, có lẽ sống ở gần chùa nên “âm khí” quá lớn, khiến thai nhi biến dạng hình thể.

Cứ có người lạ tới là bà lại bỏ chạy.

Cứ có người lạ tới là bà lại bỏ chạy.

“Thế mà có báo lại viết gia đình tôi đuổi cô ấy đi. Rồi mẹ tôi khi sinh ra thấy cô ấy dị dạng như thế thì ruồng bỏ, nhưng sự thật có phải như thế đâu”, ông Ái trần tình khi thấy chúng tôi ghé qua nhà hỏi thăm về người em gái mang thân hình kì dị.

Ông Ái cho biết, ngày mẹ ông sinh ra bà Dính, thấy hình hài con như thế, tất nhiên người làm cha làm mẹ ai cũng buồn. Nhưng con cái càng ốm yếu, bệnh tật thì càng thương, thậm chí dành tình cảm cho bà Dính nhiều hơn những người con khác chứ không có chuyện ruồng bỏ như báo chí đã đăng. “Ngày đó cũng có người mách nước bảo đưa cô Dính vào trại trẻ mồ côi, nhưng mẹ tôi nhất quyết không đồng ý. Bà bảo, con bà dù có như thế nào vẫn là con của bà nên bà sẽ nuôi”, anh trai bà Dính chia sẻ.

Đầu năm 2012, khi đang lang thang trên đường lớn, bà Dính bị xe ô tô đâm phải và bị chảy máu não. Nhưng có lẽ, chuỗi ngày sống lủi thủi nơi đầu đường xó chợ với bà chưa kết thúc nên khi qua cơn nguy kịch, bà lại đi lang thang. "Cứ bắt cô ấy ở nhà là cô ấy lại gầm gào. Để cô ấy đi lang thang, sống dặt dẹo ở các nghĩa trang, góc đường rồi các xó chợ thì cô ấy mới yên", ông Ái thở dài nói.

Góc chợ Xà Kiều, nơi bà Dính "an cư".

Góc chợ Xà Kiều, nơi bà Dính "an cư".

Mỗi lần nghĩ tới em gái, anh trai bà Dính không khỏi xót xa khi nhìn em gái co ro trong giá lạnh mà không làm gì được. “Các con tôi bán hàng ở ngay chợ, cũng chủ động nấu cơm, đun nước tắm cho cô Dính nhưng nhiều khi cô cũng bỏ chạy không đồng ý. Chỉ khi cô ấy ốm quá mới chịu về nhà nghỉ ngơi một vài hôm. Nhưng hễ khỏe là cô ấy lại tiếp tục bỏ đi lang thang. Không ai cản được, đụng vào có khi cô ấy còn mắng, còn đánh mình. Thương cho cô ấy lắm, cũng là một kiếp người”, anh trai bà Dính tiếp tục trải lòng.

Giữa cái lạnh mùa đông, bà Dính vẫn ngồi bám riết trong khu chợ Xà Kiều. Có ai đó hảo tâm, muốn giúp đỡ là bà lại bỏ trốn. Phải vất vả lắm, những người xung quanh chợ mới tìm được bà về. Bà vẫn sống lặng lẽ như thế suốt nhiều năm nay.

“Nếu bà vào được một trung tâm bảo trợ xã hội nào đó thì tốt quá, cho bà đỡ khổ. Chứ cứ thế này… trời rét rồi trời lại mưa, chẳng ai nói trước được điều gì”, nhiều người dân từng nghe chuyện của người thiếu phụ hơn 50 năm mang hình hài giống tượng mong mỏi.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Trọng Trinh - Nguyễn Huệ