Xử lý thế nào khi điều tra viên dùng nhục hình với ông Chấn đã chết?

12/09/2014 15:32
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Theo ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nếu điều tra viên đó đã chết thì gần như là mọi việc đã “chấm hết”.

Ngày 10/9, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã báo cáo về việc thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung nhục hình tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức. Tại đây, Viện này cho biết, điều tra viên đã có sử dụng nhục hình với ông Nguyễn Thanh Chấn - người đã chịu án oan 10 năm.

Ông Nguyễn Thanh Chấn và vợ miệt mài trên con đường đi tìm công lý
Ông Nguyễn Thanh Chấn và vợ miệt mài trên con đường đi tìm công lý

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn chưa phát hiện bức cung nhưng phát hiện điều tra viên phạm tội dùng nhục hình theo điều 298 Bộ Luật Hình sự.

“Tuy nhiên, điều tra viên trong vụ án ông Chấn là Nguyễn Hữu Tân đã chết nên không xử lý được” – ông Phong nói.

Cùng nói về vụ án ông Chấn, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn điều tra viên có thiếu sót lớn trong thu thập và đánh giá chứng cứ.

Về việc điều tra viên có hành vi nhục hình với ông Chấn nhưng đã chết, nhiều người băn khoăn rằng với những trường hợp như vậy thì xử lí thế nào? 

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “vậy thì hết”.

Theo ông Khiển, người phạm tội bức cung nhục hình đã chết rồi thì thôi. Lí do đây là tội phạm cá nhân, ai làm thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh VIẾT CƯỜNG
Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh VIẾT CƯỜNG

Về liên đới của cấp trên (lãnh đạo của điều tra viên đã chết) khi buông lỏng quản lý, để cấp dưới dùng nhục hình với bị can, nghi phạm, cụ thể ở đây là ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Vũ Đức Khiển cho rằng cũng có thể xem xét trách nhiệm đó.

“Tuy nhiên phải xem ông Chấn có gửi đơn tố cáo lên cấp trên không, cấp trên có xem xét không và trả lời như thế nào…? Hơn nữa, hệ thống trại giam thuộc cơ quan điều tra nên khó điều tra được việc này” – ông Khiển nêu ý kiến.

Ông Vũ Đức Khiển là người mà mới đây có những phát biểu mạnh mẽ trên báo chí về vấn đề chống bức cung, nhục hình với nghi can, nghi phạm trong quá trình điều tra.

Theo quan điểm của ông Khiển, cũng là chủ trương nhiều lần được các cơ quan chức năng đem ra bàn luận thì không nên để cơ quan điều tra quản lý nhà tạm giam, tạm giữ nữa. Việc này có thể giao cho Bộ Tư pháp. Làm được như thế sẽ giải quyết được mối nguy hại công an "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Trước đó, trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Đức Khiển tỏ rõ thái độ quan ngại trước nạn ép cung, nhục hình ngày càng có xu hướng gia tăng ở Việt Nam.

Ông Khiển cho hay, có rất nhiều trường hợp khi ra tòa, bị cáo nói rằng bị ép cung cho nên buộc phải nhận bừa để chờ ra tòa khai lại, nhưng tòa lại nói “không thành khẩn, chối tội, ngoan cố”.

“Vậy là đằng nào họ cũng không thoát. Bi hài là ở chỗ ấy! Thực tế, khi bị tạm giam thì chỉ có công an với bị can, làm gì thì không ai biết. Theo luật, sẽ có luật sư được chứng kiến, ngồi dự những lần hỏi cung bị can, nhưng thực tế việc này cũng rất ít khi được thực hiện. Vì thế, nếu bị can không nhận thì rất dễ bị ép cung” -  ông Khiển nói.

Cũng theo ông Khiển, chúng ta cũng đã đi xem kinh nghiệm của các nước mãi rồi, nhưng chỉ xem thôi chứ không học. Cứ nhìn sang nước gần nhất là Thái Lan, nơi tạm giam bị can là phòng kính, đi lại nhìn thấy hết, không có gì là bí mật, không tù mù như ở ta là chỉ có mấy anh công an với bị can.

Ông Khiển dẫn chứng thêm, nhiều trường hợp khi bị can kiên quyết chối tội thì điều tra viên thường hỏi lại rằng: “Thế không phải ông thì là ai?”.

Theo ông Khiển, chuyện đó khá phổ biến trong quá trình lấy cung các nghi phạm ở Việt Nam. Làm vậy là cơ quan điều tra đang bắt nghi can, nghi phạm phải chứng minh ai là người phạm tội. Điều này là hết sức vô lí vì theo luật quy định thì bị can có quyền không phải chứng minh rằng mình phạm tội hay là người khác. Trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền.

VIẾT CƯỜNG