Giá xăng giảm, cước vận tải vẫn cao: Các doanh nghiệp... "chống" lệnh?

11/11/2014 07:45
Phong Nguyên
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế không thể nào lý giải nổi vì sao các cơ quan chức năng lại im lặng để mặc cước vận tải, taxi, giá hàng hóa thả nổi như hiện nay...

Đã 4 ngày trôi qua kể từ khi xăng giảm giá ở mức kỷ lục, nhiều doanh nghiệp vận tải, taxi vẫn án binh bất động, thậm chí chưa biết phải “chạy” theo giá xăng thế nào. Không chỉ thế, giá nhiều loại thực phẩm cũng chưa giảm theo giá xăng, dầu.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, tính đến hết ngày 9/11 – 2 ngày sau khi xăng giảm giá kỷ lục, mới chỉ có Hiệp hội taxi TP.Đà Nẵng tuyên bố giảm giá cước từ 500 – 800 đồng/km bắt đầu từ ngày 10/11.

Đến ngày 10/11, Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng (Đà Nẵng) là đơn vị taxi đầu tiên thực hiện việc giảm giá cước cho tất cả các dòng xe, với mức giảm bình quân từ 700 đồng đến 1.500 đồng/km.

Nhiều hãng taxi vẫn chưa giảm giá cước dù xăng đã giảm ở mức kỷ lục từ 7/11 (Ảnh minh họa, nguồn: internet).
Nhiều hãng taxi vẫn chưa giảm giá cước dù xăng đã giảm ở mức kỷ lục từ 7/11 (Ảnh minh họa, nguồn: internet).

Chiều cùng ngày 10/11, hãng taxi Asia ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) cũng đã họp báo công bố giảm giá cước taxi, bắt đầu từ 1h ngày 12/11. Mức giảm giá cước taxi từ 8.00 đồng đến 2.000 đồng/km (tương ứng 5,5% đến 17%), tùy theo dòng xe. Đây là hãng taxi đầu tiên tại Khánh Hòa giảm giá cước sau đợt giảm giá xăng vừa qua. Được biết, hiện hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải ở Khánh Hòa đều đang rà soát lại chi phí và dự kiến sẽ giảm giá cước trong vài ngày tới.

Tại Hà Nội, trong đợt giảm giá xăng trước ngày 7/11 vừa qua, hãng Taxi Group đã giảm giá 300 đồng/km cho 30 km đầu tiên. Còn hiện tại, mới chỉ có một số hãng taxi như taxi Dầu khí, taxi Mai Linh tuyên bố sắp giảm giá cước.

Tại TP.HCM, nói về lý do chưa giảm giá cước, trao đổi với báo chí, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPH.CM, kiêm Phó TGĐ Hãng Taxi VinaSun - cho biết, các doanh nghiệp taxi hiện đang “dòm ngó” lẫn nhau trước khi đưa ra các quyết định về giá cước, do vậy cước taxi tại TP.HCM đến ngày 9/11 vẫn chưa thay đổi.

Giới chức im lặng “bất thường”…

Ngày 10/11, trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc xăng đã giảm giá ở mức kỷ lục mà giá hàng hóa vẫn cao, đặc biệt là cước taxi, vận tải là điều hết sức vô lý, bất bình thường.

Theo ông Doanh, không khó để nhận thấy trong những lần xăng tăng giá trước đây, các hãng taxi, vận tải rủ nhau tăng giá ngay, còn giờ xăng đã giảm giá tới lần thứ 9 trong năm mà họ vẫn chưa có động thái gì. Ông Doanh lấy ví dụ, 2 ngày sau khi xăng giảm giá ở mức kỷ lục, ông đi taxi Nội Bài họ vẫn lấy 350.000 đồng chặng từ sân bay Nội Bài về nội thành.

“Đó là điều hết sức phi lý. Nhưng có lẽ điều khiến tôi thấy ngạc nhiên hơn cả là sự im lặng bất thường của các cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính, Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương hay cơ quan của Bộ Giao thông vận tải… Tôi chưa thấy họ lên tiếng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay có ý kiến gì đáng chú ý về việc này cả.

Tôi không thể lý giải nổi vì sao họ lại im lặng. Chẳng lẽ họ không thấy trách nhiệm của mình trong việc này hay sao? Sự chậm trễ, trì trệ trong việc đưa ra phản ứng của họ thật đáng lo ngại bởi nó gây thiệt thòi rất nhiều cho người dân”, ông Doanh nhấn mạnh.

Như một lẽ tất yếu, nếu cước phí vận tải giảm, giá các loại hàng hóa từ mớ rau cho đến quả trứng cũng sẽ giảm đi và điều này sẽ tác động tích cực tới chỉ số lạm phát.

Do vậy, chuyên gia kinh tế này đề nghị các cơ quan nhà nước phải lên tiếng, tạo áp lực để các công ty vận tải hành khách hay hàng hóa, các hãng taxi… phải giảm giá cước.

… hay doanh nghiệp vận tải, taxi chống lệnh?

Doanh nghiệp vận tải, taxi phớt lờ "lệnh" giảm giá cước của các cơ quan chức năng? (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp vận tải, taxi phớt lờ "lệnh" giảm giá cước của các cơ quan chức năng? (Ảnh minh họa)

Để làm rõ có hay không chuyện giới chức “im lặng bất thường” trước việc giá hàng hóa vẫn cao dù giá xăng đã giảm, phóng viên đã tổng hợp lại phản ứng của các Bộ, ngành liên quan tới việc này.

Cách đây không lâu, trước áp lực của dư luận về việc này, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu.

Quyết liệt hơn, Bộ Tài chính lại vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân các địa phương đề nghị tăng cường quản lý về giá, yêu cầu làm rõ việc giá xăng đã giảm liên tục, nhưng vì sao cước vận tải vẫn giữ nguyên.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Hồng Trường cho biết, đối với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ quản lý, giá cước giảm rất mạnh như vận tải đường sắt, hàng không. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Hiệp hội vận tải Việt Nam đàm phán giảm giá cước khi giá xăng giảm.

“Các hiệp hội hứa trong tháng 10 này có báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải về giảm giá cước đối với đường bộ. Tôi tin tưởng rằng nếu xăng tiếp tục giữ ổn định thì chắc chắn giá cước phải xuống”, ông Trường nói thêm. 

Tại buổi họp báo Bộ Công thương chiều 3/11 vừa qua, Thứ trưởng Đỗ Thẳng Hải cũng đã đề nghị các nhà báo cùng góp tiếng nói tạo sức ép để doanh nghiệp giảm giá sản phẩm. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công thương không có trách nhiệm quản lý giá, nhưng “những gì ngành công thương làm được, Bộ sẽ cố gắng hết sức”.

Thế nhưng, có thể thấy đến nay, lời hứa giảm giá cước vận tải đường bộ của Hiệp hội vận tải ô tô vẫn chưa được thực hiện mặc dù giá xăng tiếp tục giảm. Trong khi chờ sự phối hợp của các cơ quan chức năng, thì hàng ngày hàng giờ, khách hàng sử dụng các phương tiện vận tải vẫn phải chịu một mức giá bất hợp lý.

Bình luận về phản ứng của cơ quan quản lý trước nghịch lý trên, ông Lê Đăng Doanh nói: “Tôi hoan nghênh thái độ bức xúc của Thứ trưởng Bộ Công thương trước việc giá xăng giảm, giá hàng hóa vẫn cao, nhưng tôi nghĩ ông Đỗ Thắng Hải là đại diện của cơ quan nhà nước chứ không phải một người dân bình thường nên ông ấy không nên chỉ bày tỏ sự bức xúc.

Ông ấy nên dùng các công cụ quản lý nhà nước có trong tay để chứng minh việc giá hàng hóa vẫn cao là phi lý và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước”.

“Nước xuống còn thuyền vẫn mắc cạn?!”

Các hãng taxi lấy cớ giá xăng còn nhiều biến động nên chưa chịu giảm giá cước (Ảnh minh họa)
Các hãng taxi lấy cớ giá xăng còn nhiều biến động nên chưa chịu giảm giá cước (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm với TS Doanh, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng khi giá xăng, dầu tăng thì cước vận tải và hàng loạt giá cả hàng hóa khác tăng theo, nay giá xăng, dầu giảm tới 9 lần từ đầu năm đến nay mà cước vận tải hàng hóa, cước vận tải hành khách và giá cả hàng hóa vẫn không giảm là điều vô lý.

Ông Hùng phân tích, khi tăng giá thì người tiêu dùng được nghe giải thích theo cơ chế thị trường “nước lên thuyền lên”. Nghe thật có lý, vì ai cũng biết xăng, dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Thậm chí nghe giải thích chiếm đến 40% - 50% chi phí vận tải, do vậy cước phải lên. Đến lượt hàng hóa khác cũng phải tăng giá, vì phải qua vận tải.

“Nay vẫn cơ chế thị trường, nước xuống, thuyền lại không xuống. Có người khôi hài:  có lẽ thuyền mắc cạn?! Người tiêu dùng lại được nghe những lời giải thích với đủ lý do”, ông Hùng nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hùng, có lẽ cái cần lúc này là hành động cụ thể trong việc giảm giá cước và những mặt hàng liên quan chứ không phải những lời giải thích tiền, hậu bất nhất.

“Hãy nghĩ đến hàng triệu người tiêu dùng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong việc “gồng mình” chia sẻ mỗi khi xăng, dầu tăng giá. Tôi tin rằng, doanh nghiệp nào đó tiên phong trong việc giảm giá sẽ nhanh chóng chiếm được thiện cảm và lòng tin của người tiêu dùng hơn những lời quảng cáo không đi đôi với việc làm”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Phong Nguyên