Giải đáp thắc mắc chế độ thai sản của giáo viên, Bảo hiểm y tế với sinh viên

20/09/2019 13:39
Nhật Minh
(GDVN) - Nhiều câu hỏi về Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, chế độ thai sản của giáo viên đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp.

Nhằm kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin, giải đáp thắc mắc của các tổ chức, cá nhân trên cả nước về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, ngày 18/9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với bạn đọc về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Khách mời tham gia Chương trình giao lưu là đại diện lãnh đạo và các chuyên gia đến từ các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế; Ban Thu; Ban Sổ - Thẻ...

Các câu hỏi của người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế được Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp.
Các câu hỏi của người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế được Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp. 

Sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế tốt nghiệp xong, cách tính Bảo hiểm y tế liên tục thế nào?

Bạn đọc có địa chỉ email 14480...@hcmut.edu.vn hỏi: Trước đây tôi có tham gia Bảo hiểm y tế tại trường. Hiện tại tôi tốt nghiệp về quê và tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình. Vậy cách tính Bảo hiểm y tế của tôi theo 5 năm liên tục như thế nào? Và tra quá trình tham gia Bảo hiểm y tế ở đâu?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì thời gian tham gia Bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ Bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước, trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

- Trường hợp Bạn tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ Bảo hiểm y tế học sinh hoặc gián đoạn tối đa không quá 03 tháng sẽ được tính là thời gian tham gia Bảo hiểm y tế 05 năm liên tục.

- Trường hợp tham gia Bảo hiểm y tế gián đoạn trên 03 tháng sẽ không được tính là thời gian tham gia Bảo hiểm y tế 05 năm liên tục.

Để tra cứu quá trình tham gia Bảo hiểm y tế, đề nghị Bạn đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ để được cung cấp thông tin hoặc gọi điện đến số điện thoại Tổng đài chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 19009068 để được hỗ trợ tra cứu.

Bạn đọc Phạm Đại hỏi: Em tham gia Bảo hiểm y tế theo diện sinh viên, thẻ của em hết hạn vào ngày 31/7/2019, giờ em muốn gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế thì phải làm thế nào?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Theo như bạn hỏi, trường hợp bạn là sinh viên năm cuối, sau khi kết thúc khóa học. Bạn không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1,2,3,4 Luật Bảo hiểm y tế thì bạn tham gia Bảo hiểm y tế theo đối tượng hộ gia đình.

Khi đăng ký tham gia Bảo hiểm y tế bạn cung cấp mã số Bảo hiểm xã hội (mã thẻ Bảo hiểm y tế) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc Đại lý thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, đóng tiền mua thẻ Bảo hiểm y tế để được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định.

Bạn đọc có địa chỉ email hang.bui.hv..@gmail.com hỏi: Đến ngày 01/10/2019, em có đủ 5 năm liên tục tham gia đóng Bảo hiểm y tế. Hiện, em đang là sinh viên năm cuối nên thẻ Bảo hiểm y tế của em đến 30/6/2019 là hết hạn.

Vậy giờ em muốn tham gia Bảo hiểm y tế đến ngày 01/10/2019 có được không? Nếu được thì em tham gia ở đâu?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Trường hợp bạn tốt nghiệp và không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1,2,3,4 Luật Bảo hiểm y tế thì bạn tham gia Bảo hiểm y tế theo đối tượng hộ gia đình.

Khi đăng ký tham gia Bảo hiểm y tế bạn cung cấp mã số Bảo hiểm xã hội (mã thẻ Bảo hiểm y tế) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc Đại lý thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, đóng tiền mua thẻ Bảo hiểm y tế để được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định.

Bạn đọc có địa chỉ email minhnguyen.nt177@gmail.com hỏi: Tôi hiện là sinh viên đại học, khoá học của tôi trong vòng 4 năm. Tôi hiện đang tham gia Bảo hiểm y tế tại trường, về thời hạn tích luỹ 5 năm liên tục, thì khi kết thúc 4 năm học, tôi sẽ không thể tham gia Bảo hiểm y tế tại trường, tức mã thẻ sẽ thay đổi.

Vậy, tôi tham gia Bảo hiểm y tế ở đối tượng khác thì có thể tích luỹ để tính 5 năm liên tục không? Hay phải tích luỹ lại từ đầu với thẻ mới?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CƠ của Chính phủ, trường hợp của bạn nếu sau khi ra trường tiếp tục tham gia theo đối tượng khác (nếu gián đoạn không quá 03 tháng) thì thời gian tham gia Bảo hiểm y tế ở trường đại học được nối với thời gian tham gia sau này để được tính là thời gian tham gia Bảo hiểm y tế liên tục.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên phối hợp với các trường đại học tổ chức các tọa đàm về Bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên phối hợp với các trường đại học tổ chức các tọa đàm về Bảo hiểm y tế. 

Giáo viên trong thời gian nghỉ hè có được hưởng chế độ sẩy thai, ốm, dưỡng sứ phục hồi sức khỏe?

Bạn đọc có địa chỉ email hnglong...@gmail.com hỏi: Giáo viên trong thời gian nghỉ hè có được hưởng chế độ sẩy thai, ốm, dưỡng sức phục hồi sức khỏe không?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 09/6/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo thời gian nghỉ hè là thời gian nghỉ phép hàng năm, thời gian này giáo viên được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

Điểm c Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau: Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điểm 1.2 Khoản I Công văn số 4831/LĐTBXH-Bảo hiểm xã hội ngày 17/11/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn: Trong thời gian người lao động nghỉ phép hàng năm không giải quyết chế độ thai sản khi khám thai, sẩy nạo, hút thai, phá thai bệnh lý hoặc thai chết lưu và chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Căn cứ quy định nêu trên giáo viên trong thời gian nghỉ hè không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản khi khám thai, sẩy nạo, hút thai, phá thai bệnh lý hoặc thai chết lưu và chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Bạn đọc có địa chỉ email nongtuananh1...@gmail.com hỏi: Vợ em không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, vì là giáo viên hợp đồng, nên thời gian tham gia bảo hiểm bị ngắt quãng bởi 3 tháng hè.

Tuy nhiên, em tham gia Bảo hiểm xã hội được 2 năm 9 tháng và đóng đều liên tục. Vợ em dự kiến sinh vào tháng 11/2019, vậy em có được hưởng chế độ thai sản không? Và nếu được thì em được hưởng những gì?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Điểm e Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam là: “Lao động nam đang đóng Bảo hiểm xã hội có vợ sinh con”

Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội và khoản c Điểm 2 Công văn số 3432/LĐTBXH-Bảo hiểm xã hội ngày 08/9/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về việc thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia Bảo hiểm xã hội hoặc mẹ tham gia Bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia Bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng Bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu tại thời điểm vợ Bạn sinh con Bạn đang đóng Bảo hiểm xã hội thì Bạn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội như sau: “05 ngày làm việc; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc”.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Trường hợp vợ bạn tham gia Bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì Bạn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

Nhật Minh