Giải đáp thắc mắc về việc hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do COVID-19

18/08/2021 10:06
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời các câu hỏi thường gặp liên quan đến chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động

Câu 1: Theo quy định thì một trong các điều kiện để người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Vậy trường hợp doanh nghiệp đã đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho một số lao động từ đủ 12 tháng trở lên, nhưng có một số lao động mới tham gia, đóng Bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng thì những lao động này có được lập vào Danh sách người lao động tham gia đào tạo hay không?

Trả lời:

Căn cứ khoản 3 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, một trong các điều kiện để người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp đã đóng đủ Bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên và có một số lao động mới tham gia, đóng Bảo hiểm thất nghiệp (dưới 12 tháng) thì những lao động này vẫn được lập vào Danh sách người lao động tham gia đào tạo.

Câu 2: Trong thời gian bao nhiêu ngày, Đơn vị tôi (Đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động) được cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg?

Trả lời:

Để kịp thời chi hỗ trợ cho đơn vị sử dụng lao động trong thời gian sớm nhất, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 2218/BHXH-TST ngày 26/7/2021 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố rút ngắn thời gian thực hiện; theo đó, trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh phải thực hiện chuyển một lần toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động.

Câu 3: Về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề đối với người sử dụng lao động, để hoàn thiện hồ sơ, giúp đơn vị sử dụng lao động gửi Phương án đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt, phía cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thủ tục hỗ trợ như thế nào?

Trả lời:

Đơn vị sử dụng lao động lập Danh sách người lao động tham gia đào tạo theo Phụ lục 1 kèm theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang quản lý thu bảo hiểm xã hội đối với đơn vị qua giao dịch điện tử hoặc Cổng dịch vụ công của bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trường hợp đơn vị chưa thực hiện được giao dịch điện tử thì gửi hồ sơ giấy (gửi trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích). Cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết trong thời gian không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

(Ảnh minh hoạ: Dangcongsan.vn)

(Ảnh minh hoạ: Dangcongsan.vn)

Xác nhận các Danh sách người lao động: Mẫu số 05, Mẫu số 06, Mẫu số 13a, Mẫu số 13b, Mẫu số 13c ban hành kèm theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Câu 1: Thời gian nghỉ không lương quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg từ 15 ngày liên tục trở lên. Trường hợp người lao động nghỉ không lương từ 19/7 đến 10/8 nhưng tháng 7 và tháng 8/2021 vẫn đóng bảo hiểm xã hội. Vậy người lao động có đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Mẫu 05 hay không?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 85, khoản 4 Điều 86 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.

Vì vậy, trường hợp người lao động nghỉ việc không hưởng tiền lương từ ngày 19/7/2021 đến ngày 10/8/2021 thì tháng 7/2021 và tháng 8/2021 người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương dưới 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, do đó cả người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội tháng 7/2021 và tháng 8/2021; người lao động này nghỉ việc không hưởng tiền lượng từ 15 ngày liên tục trở lên thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Câu 2: Đơn vị chúng tôi là Chi nhánh Công ty (thuộc vùng 4) không cùng địa bàn với trụ sở Công ty chính (vùng 2). Vậy khi kê khai các Mẫu số 13a, 13b, 13c ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì đơn vị thực hiện ghi mức lương tối thiểu vùng như thế nào?

Trả lời:

Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định: “Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó”.

Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị đơn vị kê khai mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trụ sở Chi nhánh Công ty đóng (vùng 4) tại các Mẫu số 13a, 13b, 13c ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Các câu hỏi thuộc lĩnh vực giao dịch điện tử liên quan đến chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg

Câu 1: Để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, người lao động, đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ trực tuyến không? Nếu được thì nộp ở đâu?

Trả lời:

Người lao động và đơn vị sử dụng lao động có thể nộp trực tuyến hồ sơ đề nghị hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (tại địa chỉ: https://ncovi.dichvucong.gov.vn/). Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ gửi hồ sơ sang cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết (đối với dịch vụ công "Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất") và xác nhận (đối với các dịch vụ công khác).

Đồng thời, để hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ để Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận theo quy định tại Chương I, II, III của Quyết định số 23/QĐ-TTg trên Cổng Dịch vụ công bảo hiểm xã hội Việt Nam (tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/) hoặc trên phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ kê khai bảo hiểm xã hội điện tử (I-VAN).

Câu 2: Trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hiện có bao nhiêu dịch vụ công hỗ trợ người lao động, đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội? Gồm những dịch vụ công nào?

Trả lời:

Hiện nay, trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia có 05 dịch vụ công hỗ trợ người lao động, đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bao gồm:

1. Dành cho đơn vị sử dụng lao động:

- Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

- Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất

- Hỗ trợ người lao động ngừng việc

- Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

2. Dành cho người lao động: Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Câu 3: Để có thể thực hiện các dịch vụ công hỗ trợ người lao động và đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, người lao động và đơn vị sử dụng lao động cần phải làm gì?

Trả lời:

Để có thể thực hiện các dịch vụ công nói chung và các dịch vụ công hỗ trợ người lao động và đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nói riêng trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, người lao động và đơn vị sử dụng lao động cần phải có tài khoản đăng nhập Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Xem chi tiết hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại đây: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-huong-dan-cong-dan-doanh-nghiep.html.

Thu Giang