Giải pháp nào ngăn chặn những hành vi giả dối đang hủy hoại nền giáo dục?

27/09/2021 06:45
Kiến Văn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Trâm: “Nếu như không ngăn chặn và đẩy lùi được sự giả dối thì nó sẽ trở thành phổ biến và gây ảnh hưởng rất xấu tới thế hệ trẻ”.

Xung quanh vấn đề “học thật, thi thật, nhân tài thật” mà Thủ tướng đặt ra với ngành giáo dục, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Trâm – Giảng viên Khoa Lý luận Chính trị Trường Đại học Mỏ Địa chất (Hà Nội) đặt vấn đề, cần nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu trên trong đó phải dẹp bỏ ngay vấn nạn “sùng bái thành tích”.

Tiêu cực, gian dối trong giáo dục rất trầm trọng

Để xác định được những vấn đề tiêu cực phải xử lý triệt để, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Trâm ngược dòng thời gian trở lại năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 33/2006/ CT-TTg “Về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”; Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 3859/QĐ-BGDĐT ban hành kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Ngày 28 tháng 12 năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 6122/BGDĐT-TĐKT “Về việc khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”. Nhưng đáng tiếc là chỉ hơn một năm sau lại xảy ra vụ tiêu cực điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia ở nhiều địa phương như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, và nhiều cán bộ trong ngành giáo dục đã phải chịu án tù.

Trong 15 năm qua, đã có nhiều bài viết trên các diễn đàn, hội thảo, các công trình nghiên cứu khoa học chia sẻ các câu chuyện về thực trạng, quan điểm, đề xuất các giải pháp chữa “bệnh thành tích” và những tiêu cực trong giáo dục của các nhà giáo, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân. Song các hiện tượng tiêu cực vẫn chưa thấy có dấu hiệu giảm xuống!

“Bệnh thành tích vẫn còn tồn tại phổ biến, không ít cá nhân hoặc tập thể trong tổ chức, đơn vị vì động cơ, mục đích vụ lợi để có được những kết quả ảo, gây ra những cuộc đua thành tích nhưng không thực chất. Các hành vi gian lận rất đa dạng, trong đó có chuyện cố gắng làm nổi bật thương hiệu bằng cách nâng tỉ lệ học sinh khá giỏi, sửa điểm để đẩy học sinh kém lên lớp để giảm bớt tỉ lệ lưu ban…

Ở bậc đại học, các trường đại học tham gia kiểm định chất lượng nhưng liệu rằng các số liệu trong đó đã thực chất?”, cô Trâm nêu vấn đề.

Nhiều cán bộ trong các cơ quan giáo dục tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã phải chịu án tù sau vụ tiêu cực thi tốt nghiệp THPT năm 2019. Ảnh: GDVN.

Nhiều cán bộ trong các cơ quan giáo dục tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã phải chịu án tù sau vụ tiêu cực thi tốt nghiệp THPT năm 2019. Ảnh: GDVN.

Cũng theo Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Trâm, đối với giáo viên, có biểu hiện không trung thực trong đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp mình dạy/ chủ nhiệm để được nhà trường công nhận danh hiệu thi đua bằng nhiều cách; thiếu trung thực trong báo cáo kết quả công tác của mình để được nhận danh hiệu thi đua cao hơn thực tế; hoặc dung túng, bao che lỗi của học sinh do sợ ảnh hưởng thi đua của lớp.

Cô Trâm chỉ rõ: “Ở bậc cao hơn, cũng có những hiện tượng tiêu cực như xin điểm, chạy chứng chỉ, giấy khen, giải thưởng… để có hồ sơ học tập đẹp, để có thành tích cao hơn thực lực. Học sinh, sinh viên quá chú trọng các kỳ thi để lấy điểm số cao mà không chú tâm tới kiến thức mình thu nạp được.

Đối với cấp lãnh đạo nhà trường, việc chỉ đạo xếp loại học lực, hạnh kiểm học sinh vào cuối kỳ, cuối năm cao hơn thực tế; báo cáo thiếu trung thực với cấp trên và cha mẹ học sinh; dung túng, tạo điều kiện cho cấp dưới thổi phồng, ngụy tạo thành tích; lấp liếm những yếu kém, hạn chế của cá nhân cũng như của nhà trường để đạt danh hiệu thi đua và bản thân được khen thưởng hoặc tạo cơ sở để được đề bạt, cất nhắc.

Chính quyền địa phương ở một số nơi cũng đặt ra chỉ tiêu để khẳng định thành tích, điều này lại gây áp lực cho các trường”.

Câu hỏi đặt ra là vì sao đã có Chỉ thị của Thủ tướng, có quyết định của Bộ Giáo dục và cả những cuộc thi đua nhưng 15 năm qua vẫn xảy ra nhiều tiêu cực trong ngành giáo dục, thậm chí mức độ của vấn nạn còn trầm trọng hơn?

Theo Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Trâm, để giải quyết được “sùng bái thành tích”, “hoang tưởng thành tích” thì không phải chỉ ngành giáo dục làm được, mà cần phải nghiên cứu, tính đến cả các yếu tố xây dựng văn hóa để tìm ra căn tính, giải quyết tận gốc.

Nếu giả dối, gian lận không được ngăn chặn, đẩy lùi trong thời gian tới thì tình trạng này rất dễ trở thành thói xấu phổ biến. Một xã hội mà thói giả dối phổ biến thì luôn đi liền với thói háo danh, vụ lợi, hám lợi, thích phô trương, trọng hình thức, khoái khen thưởng.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam đã chỉ ra 4 động cơ của những hành vi gian lận, giả dối trong giáo dục như sau: “Muốn được đề bạt, cất nhắc”; “Hám danh, sính thành tích”; “Muốn khẳng định tài năng của mình trước bạn bè, đồng nghiệp”; “Muốn được thưởng, tiền, vật chất, danh hiệu”.

Những động cơ này không chỉ là hệ quả của tâm lý ích kỷ, hạn hẹp mà sâu thẳm bên trong chính là sự hạn chế trong năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy, bản lĩnh của một số thầy, cô giáo, lực lượng trực tiếp giảng dạy đưa đến chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Ngoài những nguyên nhân trên thì “tư duy nhiệm kỳ” theo hướng tiêu cực trong quản lý nhà nước ở mọi lĩnh vực, trong đó bao gồm cả giáo dục – đào tạo đang “thúc đẩy nhanh từ sự suy thoái đạo đức, lối sống đến suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo nên sự giả dối, mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm, giữa phát biểu trong cuộc họp và đời sống hàng ngày.

Khi điều này trở thành lối sống, ý chí của người lãnh đạo, yêu cầu toàn bộ cấp dưới phải thực hiện thì tạo nên một đội ngũ cán bộ theo xu hướng nhất thời, biết mà không nói, nghĩ khác, nói khác, làm khác dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

“Dưới góc độ vĩ mô, thể chế nói chung, thể chế giáo dục nói riêng chưa hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ trên các phương diện; chất lượng còn hạn chế chưa theo kịp với thực tiễn là yếu tố chủ yếu đưa đến những tồn tại, khiếm khuyết của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Sự bất cập của các quy định về việc đánh giá, tuyển dụng, sắp xếp, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ; quy định về khen thưởng, thi đua trong bộ máy cơ quan nhà nước, chủ yếu dựa trên tiêu chí bằng cấp, chứng chỉ hoặc những chỉ tiêu số lượng xơ cứng mà không có những công cụ để kiểm tra, đánh giá năng lực, kỹ năng của cán bộ, giáo viên; sự thiếu hụt quy chế bảo vệ người đấu tranh, chống tiêu cực… là những nguyên nhân trực tiếp tác động theo chiều hướng tiêu cực đến tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình giáo dục – đào tạo.

Sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức; sự hạn chế và lệch lạc trong nhận thức, tư duy; sự thiếu hụt về năng lực, bản lĩnh của một bộ phận cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh đã tạo ra muôn hình vạn trạng biểu hiện của sự gian lận, giả dối, mà mỗi chủ thể trong cỗ máy giáo dục đó tùy vị trí của mình mà có biểu hiện khác nhau”, cô Trâm chia sẻ.

Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Trâm: Để giải quyết được “sùng bái thành tích”, “hoang tưởng thành tích” thì không phải chỉ ngành giáo dục làm được, mà cần phải nghiên cứu, tính đến cả các yếu tố xây dựng văn hóa để tìm ra căn tính, giải quyết tận gốc.

Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Trâm: Để giải quyết được “sùng bái thành tích”, “hoang tưởng thành tích” thì không phải chỉ ngành giáo dục làm được, mà cần phải nghiên cứu, tính đến cả các yếu tố xây dựng văn hóa để tìm ra căn tính, giải quyết tận gốc.

Cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp, quan trọng là lãnh đạo phải nêu gương

Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Trâm cho biết,để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này phải phối hợp đồng thời nhiều giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế để phát huy những khuynh hướng tốt của giáo dục, chống lại khuynh hướng sử dụng thành tích để hợp pháp hóa những mặt lạc hậu. Khi thể chế tạo ra hai năng lực song song như vậy thì xã hội tự khắc phục những sai lầm, cá nhân tự khắc phục những mặt cực đoan của mình và phát triển lành mạnh.

Trong 30 năm đổi mới, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn rất nhiều những tồn tại, yếu kém liên quan tới các văn bản luật pháp, thông tư, hướng dẫn liên quan đến dạy và học, đánh giá chất lượng người học, người dạy, tổ chức thi cử, chế độ khen thưởng, thi đua, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường; cơ chế kiểm tra, giám sát… cần phải được xây dựng, hoàn thiện cho phù hợp với hoàn cảnh khi nền giáo dục hội nhập.

Ở cấp độ vĩ mô, việc hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, đề bạt, bồi dưỡng, bố trí cán bộ phải dựa trên năng lực, chứ không phải dựa trên tiêu chí bằng cấp, chứng chỉ; hoàn thiện luật định xử lý các hành động gian lận, giả dối và cơ chế bảo vệ, khen thưởng người đấu tranh với các hiện tượng giả dối, gian lận trong giáo dục, tránh để hiện tượng “hoa thường héo, cỏ thường tươi”.

Thứ hai, người lãnh đạo phải thực hiện nêu gương. Đây là những người giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm thành công của đổi mới/ cải cách giáo dục, trong đó có việc phải ngăn chặn, đẩy lùi những gian lận đang lan tràn trong toàn bộ bộ máy giáo dục. Viện nghiên cứu của McKinsey (Mỹ) từng công bố khảo sát cho thấy tất cả 20 hệ thống giáo dục thành công đều gắn liền với những nhà lãnh đạo nhiệt huyết, bền bỉ và tài giỏi.

Vì thế, sự nêu gương của những người đứng đầu trong ngành giáo dục có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giai đoạn đẩy mạnh đổi mới giáo dục, xây dựng nền giáo dục thực học, thực tài.

Không chỉ bộ máy lãnh đạo ngành, mà ở các cơ sở giáo dục, tất cả các chủ thể như lực lượng quản lý, giáo viên đều có trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng bản thân, trong đó vai trò nêu gương của hiệu trưởng là quan trọng nhất. Không thể yêu cầu học sinh, sinh viên, giáo viên phải tuân theo những chuẩn mực đạo đức, trung thực, thẳng thắn mà hiệu trưởng không làm gương trước. Khi nhân cách con người bị méo mó từ chính “máy cái” thì sẽ là thảm họa cho tương lai đất nước.

Và dĩ nhiên, sẽ thật là thiếu sót nếu không đề cập tới vai trò của phụ huynh, bởi thầy cô và cha mẹ luôn là chuẩn mực đạo đức đối với con cái.

Thứ ba, thực hiện biện pháp giáo dục, truyền thông, để tất cả các chủ thể tham gia vào guồng máy giáo dục thống nhất nhận thức đúng, đầy đủ, thí dụ như “Thi đua dạy tốt - học tốt” về mục đích là một chủ trương đúng đắn, nhưng không thể biến nó thành thước đo định lượng; lệ thuộc vào con số, vào những chỉ tiêu như tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ học sinh khá giỏi và nhầm lẫn những chỉ số là mục tiêu là một sai lầm nghiêm trọng.

Việc xây dựng được các chế độ và phương pháp nhận biết để khen thưởng các trường tốt, hiệu trưởng giỏi và giáo viên giỏi cũng như xây dựng chế độ nhận biết và xử phạt những người vô trách nhiệm trong dạy học và quản lý, khi cần thiết phải khai trừ là hết sức cần thiết.

Chúng ta phải truyền thông cho các bậc phụ huynh về quyền lợi mà con cái họ được tiếp nhận nền giáo dục tốt nhất trong khả năng của đất nước mình, cố gắng nỗ lực đạt được kết quả tốt nhất theo khả năng và định hướng con cái theo những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, luôn trung thực.

Còn về học sinh, sinh viên, phải liên tục khơi dậy những tấm gương đẹp, sự nỗ lực vươn lên để khích lệ các em có khát vọng mạnh mẽ dốc sức học tập để có tương lai tốt đẹp cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng dân tộc hùng cường.

Cô Trâm nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, với sự nhận diện thẳng thắn như vậy, đồng thời có sự dũng cảm, quyết tâm của tất cả các chủ thể trong hệ thống chính trị mà trực tiếp là trong bộ máy giáo dục – đào tạo thì sẽ xây dựng được nền giáo dục thực học, thực tài, thực nghiệp”.

Kiến Văn