Giảm điểm ưu tiên có lọc được thí sinh tốt hay chỉ xoa dịu việc lạm phát điểm?

10/12/2022 06:59
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường đại học tiếp nhận lứa sinh viên “chất lượng vàng” (điểm cao ngất ngưởng) nhưng một phần các em có trình độ chưa thực sự tương ứng với điểm đầu vào.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên khi xét tuyển đại học sẽ không được cộng tối đa điểm ưu tiên, những thí sinh đạt 30 điểm sẽ không được cộng điểm ưu tiên nào.

Có hai diện ưu tiên trong xét tuyển đại học đó là: ưu tiên khu vực (cộng thêm 0,25-0,75 điểm) và ưu tiên đối tượng chính sách (1-2 điểm). Một thí sinh có thể được cộng tối đa 2,75 điểm ưu tiên.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Bàn về vấn đề này, theo ý kiến của một số chuyên gia làm công tác tuyển sinh đại học cho rằng, việc thay đổi chính sách ưu tiên cũng làm biến động số lượng thí sinh trúng tuyển.

Theo đó, điều chỉnh chính sách điểm ưu tiên sẽ tạo ra tác động khá mạnh mẽ đến công tác tuyển sinh của các trường đại học.

Chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Bùi Thị Nga- giảng viên Trường Đại học Đại Nam cho rằng: “Cộng điểm ưu tiên theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chính sách phù hợp, nhất là tránh được chuyện thí sinh đạt 29, 30 điểm mà vẫn trượt đại học.

Với giảng viên chúng tôi, điều quan tâm nhiều nhất là chất lượng học tập của sinh viên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là suất mà các thí sinh giỏi, chất lượng xứng đáng được “ngồi” vào thì có khả năng sẽ dành cho thí sinh điểm trần ít hơn nhưng nhờ điểm cộng lại được nâng điểm tổng lên.

Theo tôi, phân hoá điểm và giảm điểm ưu tiên sẽ áp dụng nhiều hơn với các trường top đầu đào tạo ngành hot, ví dụ về khối ngành sức khoẻ, lực lượng vũ trang...”.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, một giảng viên khác hiện đang công tác tại trường đại học cho rằng, với quy định trên, những đối tượng chịu tác động nhiều nhất là thí sinh có tổng điểm trên mức 22,5 điểm.

“Từ năm 2023, đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên/3 môn thì điểm ưu tiên sẽ càng giảm và sẽ không có thí sinh nào có điểm xét đại học quá 30.

Tôi nghĩ, thực hiện quy định này thì đối tượng chịu tác động nhiều nhất là những thí sinh có tổng điểm trên mức quy định vì càng có điểm thi cao thì điểm ưu tiên sẽ càng giảm, thậm chí các em không có điểm ưu tiên. Sẽ nảy sinh trường hợp: những thí sinh nỗ lực học tốt, điểm thi cao nhưng lại giảm dần điểm ưu tiên sẽ tạo bất cập, thiếu công bằng.

Còn dĩ nhiên là những thí sinh chưa đến mức điểm quy định sẽ được hưởng chính sách điểm ưu tiên đầy đủ, tối đa”, vị giảng viên này chia sẻ.

Phân tích những ưu điểm và hạn chế của quy định, vị này cho biết, về mặt ưu điểm, cách tính này nhằm điều chỉnh để hướng tới sự công bằng và cân đối giữa các nhóm thí sinh thuộc khu vực và đối tượng khác nhau. Áp dụng quy chế này, chắc chắn, điểm đầu vào “ngất ngưởng” như hiện nay sẽ được thắt chặt.

Tuy nhiên, cũng có một hạn chế là vô tình tạo ra những điểm cộng cho những thí sinh có chất lượng học tập chưa cao nhưng vì nằm trong các khu vực được ưu tiên nên được hưởng.

Một vấn đề đặt ra đó là: có những thí sinh, nếu dùng điểm trần để xét tuyển thì không đỗ đại học nhưng nhờ điểm cộng sẽ lại đỗ, việc này liệu có ảnh hưởng đến chất lượng học tập sau này?

Dưới góc độ là giảng viên trường đại học, từng dạy nhiều đối tượng sinh viên khác nhau, giảng viên này đã có những nhận xét cơ bản về chất lượng học tập của các sinh viên.

“Thực tiễn trong quá trình đứng lớp, tôi nhận thấy, trong phạm vi một lớp học, những sinh viên nhờ có điểm cộng ưu tiên mới đỗ đại học luôn có chất lượng học tập thấp hơn, ít bứt phá để xoá mác đỗ đại học nhờ điểm cộng. Chưa kể, sinh viên là người dân tộc thiểu số, vùng núi phần lớn vẫn có mặt bằng về trình độ kiến thức khác với sinh viên ở các khu vực thành phố (dẫu không phải là tất cả).

Xét đến cùng, việc thực hiện chính sách ưu tiên là nhằm tạo tính công bằng trong toàn hệ thống giáo dục đại học, góp phần hạn chế điểm số cao đến kịch trần 30 nhưng vẫn trượt đại học, mấp mé trúng tuyển.

Tuy nhiên, giảm dần điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học là cách xử lý vẫn chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Câu chuyện gốc rễ ở đây là việc đánh giá chất lượng của thí sinh qua các kỳ thi như thế nào? Giảm điểm ưu tiên có thực sự lọc được thí sinh học tốt không? Hay chỉ dừng lại ở việc xoa dịu dư luận bằng việc tránh lạm phát điểm, không để xuất hiện 29, 30 điểm vẫn trượt.

"Trong trường đại học, chúng tôi đang tiếp nhận những lứa sinh viên được ca tụng là “chất lượng vàng” (ý chỉ điểm cao tuyệt đối hoặc tiệm cận 30), nhưng qua quá trình thực tế học trên giảng đường, tôi nhận thấy, nhận thức, trình độ thực tế của các em sinh viên này chưa tương xứng với điểm số đầu vào", giảng viên này nhận xét.

Trao đổi với phóng viên, em N.N.H, sinh viên năm nhất một trường đào tạo sư phạm về nghệ thuật chia sẻ: “Năm 2022, điểm thi đại học của em cao hơn điểm trúng tuyển 1 điểm, em không có điểm cộng. Trong lớp đại học, có những bạn điểm thi bằng em nhưng nhờ điểm cộng nên tổng điểm đầu vào cao hơn em. Hay cũng có những bạn điểm thi không đỗ nhưng khi cộng điểm ưu tiên thì lại "thừa đỗ".

Ở vai trò người học, em mong muốn có những quy định phù hợp để lọc được những thí sinh thật sự chất lượng, công bằng cho học sinh khi tham gia tuyển sinh đại học, cũng chính là đảm bảo chất lượng cho các sinh viên sau này”.

Ngọc Mai