Giám đốc Đại học Huế "điểm mặt" những vướng mắc trong hoạt động khởi nghiệp

26/03/2023 08:13
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trên bước đường của sự khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đại học Huế cũng như tất cả các cơ sở giáo dục đại học khác đang gặp một số vướng mắc về chính sách.

Ngày 25/3, tại “ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V” với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Giáo sư Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế đã có nhiều kiến nghị để hoạt động khởi nghiệp được triển khai có hiệu quả.

Thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo thầy Phương, là cái nôi của trung tâm văn hoá tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hoạt động đổi mới sáng tạo tại Đại học Huế luôn là sự quan tâm, là tiêu chí tiên quyết thể hiện sức mạnh của sự cạnh tranh, hội nhập trong suốt chiều dài phát triển của nhà trường.

Phó Giáo sư Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế đã nêu nhiều kiến nghị với Thủ tướng để hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học được triển khai hiệu quả. Ảnh: AN

Phó Giáo sư Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế đã nêu nhiều kiến nghị với Thủ tướng để hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học được triển khai hiệu quả. Ảnh: AN

Từ năm 2013 Đại học Huế đã thành lập Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ - Đại học Huế. Tiếp đó là sự ra đời của Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo vào tháng 7/2018.

“Năm 2018, sau khi Chính phủ phê duyệt đề án “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” và đề án “hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Đại học Huế được tiếp thêm sức mạnh để củng cố, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Tháng 7/2019, Đại học Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học, cùng với Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là một chỉ dấu đáng kể để từ đây Đại học Huế nối tiếp lối đi đã thành đường trong việc xây dựng thành công một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cơ bản, với đầy đủ các cấu phần sau 4 năm”.

Thầy Phương chia sẻ thêm, hiện nay, Đại học Huế đã có không gian làm việc chung, có chương trình ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, ươm tạo thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, gắn đời sống với khoa học công nghệ.

Từ đó đã chuyển giao được các sản phẩm khoa học công nghệ thành sự hợp tác với các bên liên quan, khẳng định sức mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp trong xã hội.

Đồng thời, Đại học Huế đã thiết lập được mạng lưới chuyên gia, các nhà đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp có uy tín trong hệ sinh thái khởi nghiệp của mình.

Kiến nghị tháo gỡ những khó khăn

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Lê Anh Phương cho rằng, trên bước đường của sự khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đòi hỏi những quyết tâm, những sự đột phá, dấn thân, dám làm, dám chịu, cùng với những kết quả đạt được, Đại học Huế cũng như tất cả cơ sở giáo dục đại học khác đang gặp một số vướng mắc về chính sách.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chia sẻ về sản phẩm nghiên cứu của nhóm. Ảnh: AN

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chia sẻ về sản phẩm nghiên cứu của nhóm. Ảnh: AN

Lãnh đạo Đại học Huế đã thẳng thắn nêu ra một số đề xuất với Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành nhằm có giải pháp tháo gỡ như:

Thứ nhất: Chính phủ cũng như các địa phương đang có rất nhiều chính sách dành cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp.

Các Trung tâm khởi nghiệp với các vườn ươm, không gian làm việc chung hiện tại có chức năng như một cổng phân phối chính sách từ nguồn lực nhà nước đến với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên thủ tục để các vườn ươm hay không gian làm việc chung… được công nhận bởi chính quyền vẫn còn nhiều vướng mắc.

Do đó, đề nghị lãnh đạo các Bộ, Ngành liên quan có những hướng dẫn cụ thể để các cơ quan có chức năng thực hiện việc công nhận.

Thứ hai: Hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng còn gặp nhiều vướng mắc. Thủ tục giao quyền sở hữu hay sử dụng kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước do trường đại học chủ trì – điều kiện cần để chuyển giao công nghệ - còn phức tạp, mất nhiều thời gian.

Một số công nghệ mới được nghiên cứu phát triển, sau thời gian đợi cấp phép bảo hộ thì đã trở nên lạc hậu, không còn cơ hội cạnh tranh để ra thị trường.

Hay việc định giá công nghệ hiện tại rất khó thực hiện. Mức giá chuyển giao theo quy định phải cao hơn nguồn ngân sách nghiên cứu, dẫn đến doanh nghiệp từ chối nhận chuyển giao.

Các quy định về khảo nghiệm, giấy phép lưu hành sản phẩm (mã số lưu hành), giấy phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh… gây khó cho việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba: Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chủ trương đầu tư xây dựng 3 khu kỹ thuật và ươm tạo doanh nghiệp cho 3 đơn vị được giao thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học gồm:

Đại học Huế, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh với các phòng thí nghiệm hay không gian chế tạo hiện đại.

Đây là nguồn lực cơ sở vật chất rất cần thiết. Trong điều kiện hiện nay, tất cả các trường đại học đều mong muốn được hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở các hình thức khác nhau, với mục tiêu duy nhất là thúc đẩy, tạo động lực cho hoạt động này phát triển, dẫn dắt sự phát triển nói chung của nhà trường.

Vậy ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, các nhà trường rất mong muốn được hỗ trợ bởi các nguồn kinh phí tài trợ cho các dự án có tính khả thi cao từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mong muốn được tiếp cận, được thể hiện và được đầu tư, được hợp tác để cùng phát triển.

“Chúng tôi tin rằng, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm hơn nữa, được thể hiện cụ thể bằng các chủ trương chính sách thiết thực;

Được đặt vào trong những bài toán thực tiễn gắn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sẽ là cơ hội tốt cho các cơ sở giáo dục đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các giảng viên, sinh viên phát huy tư duy sáng tạo của mình, tạo ra thêm nhiều kết quả tốt để phát triển cùng đất nước”, thầy Phương nói.

AN NGUYÊN