Giám sát sửa chữa trường lớp dịp hè – giám sát cái gì?

04/07/2017 07:11
Thanh An
(GDVN) - Cuộc họp Hội đồng sư phạm của đơn vị chúng tôi bỗng trở nên gay gắt giữa cô Hiệu trưởng và thầy Phó Hiệu trưởng nhà trường về chuyện sửa chữa hè.

LTS: Phán ánh vấn đề sửa chữa trường lớp dịp hè, thầy giáo Thanh An cho rằng việc này cần đảm bảo tính minh bạch, hướng tới chất lượng thực tế chứ không nên làm kiểu hình thức lấy lệ gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuộc họp Hội đồng sư phạm của đơn vị chúng tôi bỗng trở nên gay gắt giữa cô Hiệu trưởng và thầy Phó Hiệu trưởng nhà trường về chuyện sửa chữa hè.

Vị nào cũng bảo vệ ý kiến của mình, không bên nào nhượng bộ bên nào. Vì thế, nhiều giáo viên ngán ngẩm bỏ ra ngoài để không phải nghe những lời tranh luận gay gắt đã xảy ra như cơm bữa trong bất kì cuộc họp nào.

Năm học vừa kết thúc được vài ngày là nhà trường bắt đầu thuê thợ vào để sửa chữa lại các phòng học.

Nào là sơn cửa, sơn tường, nào là phá tan mái ngói để lợp lại bằng mái tôn. Rồi xây lại tường rào, cột cờ… Rất nhiều hạng mục như vậy nên trường lớp ngổn ngang.

Sửa chữa trường lớp cần đảm bảo minh bạch về kế hoạch, thiết kế và công khai tài chính. (Ảnh: Baolamdong.vn)
Sửa chữa trường lớp cần đảm bảo minh bạch về kế hoạch, thiết kế và công khai tài chính. (Ảnh: Baolamdong.vn)

Tuy nhiên, vì trường có việc đột xuất nên Ban giám hiệu triệu tập họp Hội đồng sư phạm. Rất nhiều các hoạt động được Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng thông qua.

Thế rồi, cô Hiệu trưởng thông báo quyết định thành lập Hội đồng giám sát sửa chữa hè.

Hiệu trưởng vừa đọc quyết định xong, vị Phó Hiệu trưởng đứng phắt dậy… nêu ý kiến. Đầu tiên, Phó Hiệu trưởng nêu ý kiến về việc vì sao việc sửa chữa hè đã diễn ra được mấy tuần rồi mới thông báo quyết định giám sát?

Nhiều anh em trong đơn vị tỏ ý bằng lòng với ý kiến của vị Hiệu phó.

Và, vị này nêu tiếp: Hiệu trưởng có quyết định một số thành viên trong đơn vị làm giám sát, sửa chữa hè thì Hiệu trưởng phải cho chúng tôi xem Kế hoạch, Bản thiết kế một số hạng mục xây dựng, cho biết kinh phí sửa chữa và cả hợp đồng thuê thợ sửa chữa.

Nếu không cho biết những điều mà tôi vừa nêu thì giám sát cái gì, biết gì mà giám sát, chẳng lẽ hàng ngày vào xem thợ làm rồi về?

Trước những phản biện sắc sảo và gay gắt của vị Phó Hiệu trưởng nhà trường và những ánh mắt nghi ngại của giáo viên trong đơn vị nên cô Hiệu trưởng tìm cách chống chế là Phòng giáo dục đã đồng ý cho phép sửa chữa và xây dựng mới một số hạng mục mới thì nhà trường mới tiến hành làm.

Giám sát sửa chữa trường lớp dịp hè – giám sát cái gì? ảnh 2

Tỉnh Cà Mau chi 50 tỷ đồng sửa chữa trường lớp phục vụ năm học mới

Nhưng, Phó Hiệu trưởng tiếp tục đòi công khai Bản đề nghị và Bản thiết kế một số hạng mục xây mới cũng như hợp đồng sửa chữa đối với đơn vị thi công.

Trước tình thế như vậy, cô Hiệu trưởng đành miễn cưỡng yêu cầu kế toán nhà trường cho xem bản thiết kế hạng mục xây dựng mới.

Và, một sự thật tréo ngoe là giữa bản thiết kế và công trình đang thi công hoàn toàn khác xa nhau.

Hàng rào trong bản thiết kế có móng bê tông và đổ cột bê tông nhưng nhìn vào công trình đang thi công thì không có.

Không còn đường nào khác, cô Hiệu trưởng đành phải miễn cưỡng xin lỗi toàn Hội đồng nhà trường và hứa sẽ phá những hạng mục sai để làm lại theo đúng bản thiết kế.

Có lẽ, suốt gần hai nhiệm kì kể từ ngày về làm lãnh đạo nhà trường thì đây là lần xin lỗi đầu tiên của cô Hiệu trưởng.

Có thể tất cả các giáo viên trong trường đều ngầm hiểu rằng lời xin lỗi đó không xuất phát từ thiện ý của Hiệu trưởng mà chỉ là cách xin lỗi để khuây khỏa sự bức xúc của đơn vị.

Nhưng dù sao thì sự thật cũng đã được phơi bày một cách công khai trước toàn đơn vị.

Chúng ta đều biết rằng sau mỗi năm học, một số cơ sở vật chất của nhà trường bị hư hao và xuống cấp, việc sửa chữa lại là điều cần thiết của mỗi đơn vị trường học.

Song, có nhiều trường học năm nào cũng xin kinh phí để tu sửa hè làm những việc chưa cần làm thì là một điều vô cùng lãng phí cho ngân sách nhà nước, nhất là trong lúc ngân sách của chúng ta còn nhiều khó khăn.

Nhiều nơi, như đã thành thông lệ, cứ đến hè là các Hiệu trưởng và kế toán nhà trường lại dự trù kinh phí và làm đơn đề nghị xin kinh phí để sửa chữa hè.

Có những cái hư hao như bàn ghế, máy móc thì sửa đã đành nhưng có những trường năm nào cũng thấy sơn sửa bên ngoài những bức tường của các phòng học, sơn lại cửa chính, cửa sổ phòng học nhưng không bao giờ cho cạo đi vết sơn cũ, thậm chí những vết bụi phủ dày cũng chỉ được quét sơ sài… thì sơn để làm gì?

Giám sát sửa chữa trường lớp dịp hè – giám sát cái gì? ảnh 3

Tỉnh Cà Mau yêu cầu làm rõ phản ánh thu chi ở Trường Phan Bội Châu

Những công việc sửa chữa, nếu làm có lương tâm, trách nhiệm thì không ai làm như thế bao giờ.

Tuy nhiên, nhiều Hiệu trưởng và kế toán nhà trường họ làm có dụng ý, có mục đích rõ ràng cho riêng họ.

Vì thế, những lớp sơn quét vội vàng, cẩu thả năm nào cũng quét nhưng cứ làm một thời gian ngắn lại thấy bong chóc!

Hiện nay, ở một số các đơn vị trường học thấy lãng phí rất nhiều tài sản chung.

Nhất là khi thay đổi Ban giám hiệu. Hình như mỗi khi thay đổi Ban giám hiệu là họ lại muốn thay đổi một diện mạo mới.

Có điều, khi muốn làm một cái gì, xây dựng hay sửa chữa cái gì thì một số lãnh đạo không bao giờ thông qua chi bộ hay Hội đồng nhà trường.

Chỉ khi nào làm xong họ mới thông báo công trình đó hết bao nhiêu tiền, tiền lấy từ đâu để đầu tư mà thôi.

Sự độc đoán có phần không tuân theo một nguyên tắc nào đang được nhiều Ban lãnh đạo áp dụng.

Sự phân công Ban giám sát hè họ đều làm nhưng gần như những thành viên được phân công không biết mà chỉ khi gần xong, thậm chí là xong họ mới thông báo.

Vậy, thành lập để làm gì nếu không phải vì chỉ làm để hợp thức hóa thủ tục đối phó với cấp trên?

Chuyện lãng phí của công chúng ta đã thấy nói nhiều, nói mãi. Đất nước còn nghèo, còn khó khăn, đòi hỏi các đơn vị công lập phải cần tiết kiệm, tránh những lãng phí không cần thiết.

Nhất là đối với vai trò của Hiệu trưởng trong một đơn vị nhà trường. Muốn đơn vị đi lên, đoàn kết, muốn đơn vị không dị nghị thì điều cốt lõi nhất là phải công khai tài chính trước nhà trường.

Nếu không, chuyện mất đoàn kết nội bộ, chuyện dị nghị trong đơn vị sẽ luôn xảy ra.

Thanh An