Giảm thời gian công tác thêm sau nghỉ hưu khiến PGS mất động lực để xét lên GS

20/10/2022 06:56
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "NĐ 50 “cào bằng” thời gian công tác thêm tối đa sau tuổi nghỉ hưu của GS, PGS đều là 5 năm, tôi cảm thấy hụt hẫng và không còn động lực”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư là 0,89%, tỷ lệ giảng viên có chức danh phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21% (tính đến tháng 12/2021). Tỷ lệ này được đánh giá là thấp và giảm so với năm 2010.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một phó giáo sư đang công tác tại một sơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư giảm là do triển khai Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Cụ thể, yêu cầu xét duyệt cao hơn và đang dần tiệm cận với chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, từ năm 2018 đến nay, số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hàng năm có xu hướng giảm.

Vị này đánh giá, việc xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư như hiện nay là cần thiết, không quá khắt khe. Trong đó, tiêu chí xét duyệt giáo sư, phó giáo sư bắt buộc phải có công bố quốc tế là xu hướng của khoa học thế giới. Việt Nam muốn hội nhập và phát triển thì không thể đứng ngoài “sân chơi” này để trở về với “ao làng” theo Quyết định 174/2008/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư giảm trong khi quy mô các trường đại học ngày một tăng lên cũng sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo và nghiên cứu của đại học.

Cụ thể, theo Luật Giáo dục 2019, để giảng dạy trình độ đại học chỉ cần giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Do vậy, đối với các trường đại học thuần túy chỉ tuyển sinh đại học, không tuyển cao học và nghiên cứu sinh; không phải đại học định hướng nghiên cứu thì việc số lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư thấp không gây ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, đối với các trường đại học định hướng nghiên cứu, ít giáo sư, phó giáo sư hoặc không có lực lượng giảng viên này sẽ ảnh hưởng đến việc mở ngành mới, khó hợp tác quốc tế, không thành lập được nhóm nghiên cứu mạnh, không thu hút được học viên cao học và nghiên cứu sinh đến học.

Đặc biệt, xếp hạng đại học theo chuẩn quốc tế sẽ bị giảm trên bản đồ đại học thế giới.

Bên cạnh đó, cũng theo vị phó giáo sư này, thực tế, có nhiều tiến sĩ không muốn nâng chức danh lên phó giáo sư, giáo sư vì một số “ràng buộc” tới từ các nghị định, thông tư liên quan.

Ảnh minh họa: nguồn Bộ Khoa học và Công nghệ

Ảnh minh họa: nguồn Bộ Khoa học và Công nghệ

Ở một khía cạnh khác, Nghị định số 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập" có nêu, viên chức được công tác thêm tối đa 5 năm, tính từ thời điểm nghỉ hưu (quy định trước đây về thời gian kéo dài công tác tối đa là 10 năm). Như vậy, việc giảm thời gian kéo dài công tác sau khi đến tuổi nghỉ hưu đối với viên chức là giáo sư, phó giáo sư sẽ khiến tỷ lệ này vốn ít lại càng ít hơn. Đồng thời cũng khiến một số tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cảm thấy hụt hẫng.

“Đơn cử như trường hợp của tôi, là phó giáo sư từ năm 2009, năm nay 64 tuổi, dự định năm sau 2023 làm hồ sơ giáo sư để được kéo dài thời gian công tác, có thêm thời gian đóng góp cho khoa học. Tuy nhiên, Nghị định 50/2022/NĐ-CP “cào bằng” thời gian công tác thêm tối đa sau tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đều là 5 năm. Và hiện tại, tính theo Bộ luật Lao động và thời gian tối đa được công tác thêm, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đều nghỉ hưu ở tuổi 65 (là tối đa). Vì vậy, tôi cảm thấy hụt hẫng và không có động lực”, vị phó giáo sư này bày tỏ.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luyện kim cho biết, yêu cầu về chất lượng cao hơn, dần tiệm cận với quốc tế nên so với năm 2010 tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư hiện nay giảm cũng là điều bình thường.

Nhà nước cũng đã có rất nhiều chính sách khuyến khích những giảng viên, nhà khoa học trình độ cao như về mức lương cơ bản tăng thêm rất nhiều. Tuy nhiên, nhà nước và đặc biệt là cơ sở giáo dục cũng nên đặt ra tỷ lệ để phấn đấu, nâng cao con số này lên. Điều quan trọng là bản thân các giảng viên cũng phải xác định được hướng đi của mình, phấn đấu vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luyện kim cũng cho biết, năm nay, ngành luyện kim chỉ có 1 ứng viên được Hội đồng ngành đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2022.

So với mọi năm, con số này là rất ít. Có năm nhiều thì khoảng 10 ứng viên cả giáo sư và phó giáo sư. Số lượng ứng viên tham gia xét học hàm giáo sư, phó giáo sư phụ thuộc vào sự phấn đấu của các cá nhân, thời điểm cảm thấy bản thân đã đủ đáp ứng xét duyệt chưa. Chính vì vậy, số lượng năm nay ít nhưng có thể năm sau nhiều, biến động, không theo xu hướng tăng, giảm cố định.

"Tôi mong rằng có thể mở rộng Hội đồng giáo sư ngành Luyện kim vì hiện nay, ngành này đang đứng riêng nên hơi hẹp, có thể đưa thành ngành chung là khoa học và kỹ thuật vật liệu. Bản chất vật liệu cũng bao gồm nhiều dạng như polyme, gốm, vật liệu bán dẫn...", Giáo sư Nguyễn Hoàng Hải nói.

Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư là “tinh hoa” và là “đầu tàu” trong nghiên cứu khoa học và đào tạo ở các trường đại học. Chính vì vậy, dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng nếu họ vẫn đủ sức khỏe và muốn cống hiến thì nên tạo điều kiện cho họ tiếp tục công tác.

Anh Trang