1 năm chùm thông tư xếp hạng: lương giáo viên vẫn thế, tốn thêm tiền chứng chỉ

28/03/2022 06:46
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các địa phương, các nhà trường cũng lên kế hoạch bổ nhiệm, xếp lương viên chức theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 nhưng đến bây giờ tất cả mới chỉ nằm trên giấy.

Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập và chùm thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.

Như vậy, kể từ ngày chùm thông tư này có hiệu lực cho đến nay đã hơn một năm trời nhưng mọi thứ gần như vẫn không có gì thay đổi so với trước đây. Giáo viên ở các nhà trường vẫn ở hạng cũ, lương cũ nhưng hơn 1 năm qua có nhiều thầy cô đã lo lắng để đi học thêm một số chứng chỉ cho đầy đủ theo hướng dẫn.

Các địa phương, các nhà trường cũng lên kế hoạch bổ nhiệm, xếp lương viên chức theo chùm thông tư này nhưng đến bây giờ tất cả mới chỉ nằm trên giấy vì Bộ đang tiến hành sửa đổi lại. Hạng giáo viên và lương giáo viên thì vẫn như cũ nhưng đã gây ra sự hoang mang, chán nản cho nhiều thầy cô giáo trên cả nước.

Hạng và lương giáo viên vẫn không có gì thay đổi sau 1 năm chùm Thông tư 01, 02, 03 ,04 có hiệu lực (Ảnh minh họa: Nhandan.vn)

Hạng và lương giáo viên vẫn không có gì thay đổi sau 1 năm

chùm Thông tư 01, 02, 03 ,04 có hiệu lực (Ảnh minh họa: Nhandan.vn)

Chùm Thông tư gây ra nhiều sóng gió ngay từ khi mới ban hành

Chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT gây ra nhiều ý kiến trái chiều ngay từ khi Bộ mới ban hành bởi lẽ nó gắn liền đến quyền lợi của đội ngũ nhà giáo trên cả nước với hàng triệu con người ở 4 cấp học.

Ngay sau khi chùm Thông tư này ra đời, nhiều bài báo phản ánh, đưa tin lương giáo viên lên đến mười mấy triệu đồng vì những người viết bài căn cứ và hệ số lương trong các Thông tư này mà nhân lên.

Trên các diễn đàn của giáo viên nhiều thầy cô giáo bàn tán xôn xao về cách xếp hạng, xếp lương mới.

Bởi vì có nhiều người cảm thấy thiệt thòi vì theo cách xếp hạng, xếp lương mới thì những giáo viên trẻ có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ và các tiêu chí sẽ được hưởng mức lương cao hơn hiện hành, còn nhiều thầy cô có thâm niên công tác nhưng không đủ chuẩn, thiếu chứng chỉ, thành tích thì phải ngậm ngùi xuống hạng.

Những tháng đầu khi Bộ ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT thì Ban biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hàng ngày đã nhận được rất nhiều thư từ của bạn đọc từ mọi miền đất nước nhờ tư vấn về cách xếp hạng, xếp lương mới và hỏi có cần phải đi học thêm các chứng chỉ hay không.

Lúc đó, nhiều thầy cô giáo thấy mình chưa đủ chuẩn trình độ, chưa có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đành phải đăng ký đi học để hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ nhằm đáp ứng các tiêu chí mà chùm thông tư này đã hướng dẫn, yêu cầu khi xếp hạng mới.

Vậy nên, nhiều trường sư phạm cũng nhân cơ hội này mở ra nhiều hình thức đào tạo chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kể cả hình thức trực tiếp, trực tuyến và tiếp cận đến tất cả các nhà trường.

Cộng thêm, các trường học triển khai việc xếp hạng, xếp lương mới mà những thầy cô có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì đa phần được xếp ở hạng II mới.

Những thầy cô chưa có chứng chỉ này thì xếp ở hạng III nên đa số những giáo viên trong trường phải đăng ký học chứng chỉ.

Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều trường đại học sư phạm đã liên tục mở lớp bồi dưỡng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở khắp mọi nơi và cơ bản đã “bồi dưỡng” xong cho giáo viên một cách gọn gàng, nhanh chóng và hợp pháp.

Tuy nhiên, đến ngày 23/11/2021 vừa qua, Bộ ban hành Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo “Cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP”.

Nhưng, không biết thời điểm đó còn “cân nhắc” để làm gì khi mà đa số giáo viên các cấp học đã có chứng chỉ rồi.

Chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT đến giờ chẳng giúp được gì cho giáo viên mà có lẽ nó chỉ thực sự có ích cho nhiều trường đại học sư phạm có cơ hội vươn mình đi khắp nơi để đào tạo chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà thôi.

Mỗi chứng chỉ có giá từ 2 triệu đến 2,7 triệu đồng, cả nước có khoảng trên 1,3 triệu giáo viên nên các trường đại học sư phạm được Bộ cho phép đào tạo đã thu được bộn tiền mà không phải tốn quá nhiều công sức.

Chùm thông tư không thực tế và gây hoang mang cho giáo viên

Đến lúc này, có lẽ đội ngũ nhà giáo trên cả nước đã có cái nhìn toàn diện về chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT một cách rõ ràng và chân thực nhất.

Bởi thông thường, khi văn bản có hiệu lực thì ắt phải được triển khai, thực hiện ở dưới cơ sở nhưng đến giờ, hơn 1 năm rồi nhưng mọi thứ cũng chưa có gì rõ ràng.

Nhiều địa phương, nhà trường đã tiến hàng xếp hạng, xếp lương mới cho giáo viên nhưng nó đang nằm trên giấy mà chưa thể áp dụng. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì gần như chưa có địa phương nào trả lương cho giáo viên theo chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT.

Bởi, thực tế thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành chỉnh sửa chùm văn bản này theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đề nghị từ Bộ Nội vụ vì nó có nhiều tiêu chí chưa thực sự hợp lý.

Vậy nên, chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT không thiết thực, không còn giá trị thực tiễn và nó cũng chẳng giải quyết được gì suốt hơn 1 năm qua- kể từ ngày chùm thông tư này có hiệu lực.

4 Thông tư cho 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông đã được Bộ xây dựng, nghiệm thu và ban hành nhưng cuối cùng không sử dụng được mà nó còn tạo ra những dư luận trái chiều suốt hơn 1 năm qua.

Hy vọng, từ chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT thì Bộ cần thận trọng khi ban hành văn bản, nhất là những văn bản có liên quan đến quyền lợi, chế độ lương, phụ cấp của giáo viên các cấp.

Tránh tình trạng văn bản đã ban hành nhưng giáo viên phản đối, thắc mắc rồi lại phải bắt tay vào chỉnh sửa, bổ sung như chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT thì mệt lắm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH