19 năm gắn bó với nghề, cô giáo mầm non viết hàng trăm bài thơ dạy trẻ

25/04/2021 06:00
Tuệ Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Là người dễ rung cảm với mọi thứ xung quanh, cô Trần Thị Yến đã viết nên hàng trăm bài thơ dành cho trẻ mầm non, có lần đang đi chợ, cũng dừng lại để viết thơ.

Thừa hưởng sự rung cảm từ bố

Trong một năm trở lại đây, cô giáo Trần Thị Yến (sinh năm 1981, giáo viên trường mầm non Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã viết rất nhiều bài thơ mang hơi thở cuộc sống, để dạy cho học sinh của mình. Điểm chung của những bài thơ ấy là vần thơ trong trẻo, gần gũi, mà trẻ mầm non dễ đọc, dễ nhớ.

Cô Yến luôn muốn mang đến những giờ học gần gũi với thiên nhiên cho học sinh.

Cô Yến luôn muốn mang đến những giờ học gần gũi với thiên nhiên cho học sinh.

Không chỉ khiến học sinh lớp mình hào hứng, những bài thơ của cô Yến dược ban giám hiệu và bạn bè đồng nghiệp hưởng ứng, lan tỏa trong toàn trường, nhiều phụ huynh bất ngờ khi thấy con mình còn nhỏ mà đã thuộc làu những đoạn thơ, bài thơ ý nghĩa.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê bình yên tại Bắc Ninh, lại được thừa hưởng sự rung cảm tinh tế từ người bố vốn say mê làn điệu quan họ, ngay từ nhỏ, cô Yến đã sớm yêu thích những vần thơ. “Ngay từ tấm bé, tôi đã được nghe bố hát cho nghe những làn điệu quan họ của quê hương.

Thậm chí, có những lúc, bố bảo mẹ tôi đi nấu cơm để tôi có thể ngồi học hát quan họ cùng bố. Có lẽ, trong tôi cũng thấm dần chất thơ, chất nhạc, và dần biết yêu những vần thơ. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in bài thơ đầu tiên của mình hồi lớp 6, viết về ruộng ngô của gia đình. Dù chỉ là những dòng ngây ngô nhưng tôi rất nhớ, rất yêu” - cô Yến nhớ lại.

Vốn rất yêu trẻ nhỏ, nên sau khi rời ghế nhà trường, cô Yến đã chọn trở thành một cô giáo mầm non. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương I, cô đã trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau và sau đó, quyết định gắn bó với trường mầm non Dịch Vọng Hậu từ năm 2011. Điều khiến cô luôn tự hào chính là, sau 19 gắn bó với công việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ mầm non, gia đình và bạn bè vẫn luôn tấm tắc rằng cô đã chọn đúng nghề.

Là một người tràn đầy năng lượng, cô Yến luôn được học trò yêu mến. Nhiều trẻ sau khi rời lớp của cô vài năm, vẫn luôn gọi “mẹ Yến”, thậm chí, viết thiệp và tặng những món quà handmade đong đầy tình cảm. Điều đó trở thành một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong sự nghiệp ươm mầm trẻ thơ của cô giáo Yến.

Yêu thơ ca từ nhỏ, nhưng trước đây, cô Yến cũng chưa dành nhiều thời gian cho đam mê này, chỉ nhân dịp nào đặc biệt mới trổ tài một vài bài. Tuy nhiên, từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, cô Yến nảy ra ý tưởng sáng tác những bài thơ dành riêng cho học trò.

Cô chia sẻ: “Trong chương trình giáo dục mầm non của các bé, có những chủ đề, chủ điểm rất khó sưu tầm các bài thơ, câu chuyện trên sách báo hay của các tác giả khác. Chính vì vậy, tôi quyết định tự sáng tác để phù hợp dạy cho các con, về trường lớp, thiên nhiên hoặc những bài học đạo đức... Tôi muốn các con sẽ có thêm nhiều bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ, mà cũng rất bất ngờ khi không chỉ các con hào hứng với thơ của cô Yến mà phụ huynh cũng đón nhận nhiệt tình”.

Chị Lê Thị Hà (phụ huynh có con học tại trường mầm non Dịch Vọng Hậu) chia sẻ: “Hôm trước, hai bé nhà tôi, khi bố mẹ vừa bảo con đọc thử một bài thơ, là các con đọc vanh vách bài mà cô Yến gửi. Tôi thấy những bài thơ ấy rất dễ thuộc, dễ nhớ mà các con đọc xong bài thơ là hiểu ngay mình phải làm gì. Tức là rất gần gũi với thực tế”.

“Tôi cũng hy vọng, những bài thơ của mình sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, đồng nghiệp trên cả nước đều có thể dạy thêm cho học sinh. Bên cạnh đó, tôi cũng mong sẽ lan tỏa được cảm hứng cho những người đồng nghiệp, cùng nảy ra những ý tưởng mới trong giáo dục hoặc sáng tác những bài thơ, mẩu truyện mới mẻ, gần gũi cho trẻ” - cô giáo Trần Thị Yến bày tỏ.

Học sinh hào hứng trong các giờ học.

Học sinh hào hứng trong các giờ học.

Đang đi chợ cũng dừng lại để... viết thơ

Những bài thơ của cô Trần Thị Yến hiện được rất nhiều đồng nghiệp trong trường yêu thích, có những bài được ban giám hiệu chọn để in ra giấy, làm thông điệp dán ở khuôn viên. Chẳng hạn, nhà trường đã in một đoạn thơ về bảo vệ môi trường của cô Yến, để nhắc trẻ biết bỏ rác đúng nơi quy định.

Cô Chu Thị Lan Anh (Phó Hiệu trưởng trường mầm non Dịch Vọng Hậu) cho biết: “Hầu hết tất cả các bài thơ được cô Yến sáng tác rất nhanh. Có những đợt, tham gia hưởng ứng phong trào của cuộc thi “An toàn giao thông” và chương trình “Chung tay bảo vệ môi trường và sự biến đổi khí hậu”, cô Yến viết một lèo trong ba ngày, được một chùm thơ cả chục bài. Thơ của cô Yến có rất nhiều chủ đề, chủ điểm, mỗi chủ đề, chủ điểm lại là một chùm thơ có thể lên đến hơn chục bài.

Những bài thơ đó rất mộc mạc, mang hơi thở của cuộc sống thực tiễn, nên cũng phổ biến cho giáo viên toàn trường. Tuy chưa được đưa vào giờ dạy chính thức, nhưng các cô thường dạy các con đọc vào những giờ vui chơi, hoạt động trải nghiệm, hoặc những giờ sinh hoạt khác. Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường phát động cuộc thi cho bé quay clip chúc Tết, nhiều bé đã đọc các bài thơ khác nhau do cô Yến sáng tác, rất hào hứng và tự tin”.

Cô Yến cùng học sinh nhận xét những bức tranh triển lãm Tết.

Cô Yến cùng học sinh nhận xét những bức tranh triển lãm Tết.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng viết nên những bài thơ khiến trẻ thích thú, cô giáo Yến bỗng nhiên bật cười: “Thơ đến với tôi bằng nguồn cảm hứng kỳ lạ! Chính những điều đơn giản trong cuộc sống xung quanh đã khiến tôi rung động mà viết thành thơ. Chỉ cần một giờ học cho học sinh ra vườn trường quan sát ốc sên bò lên cây, tôi cũng có thể viết được một bài thơ cho các bé.

Hay khi đọc báo, thấy những tai nạn thương tâm do lái xe sau khi uống rượu bia, tôi cũng viết nên bài “Bố ơi, đừng uống rượu”. Học sinh của tôi rất thích bài đó, có bạn vừa đến lớp đã ghé tai cô thủ thỉ: “Cô ơi, tối qua bố con định uống rượu, thế là con đã đọc bài thơ cho bố nghe để bố không uống nữa”… nghe vậy, tôi rất vui vì các con có thể nhớ được bài thơ trong tình huống thực của cuộc sống.

Mà nhớ nhất, có lẽ là trong một lần đi chợ, tôi đang mua thịt thì chợt nảy ra một ý thơ. Vốn là người hay quên, sợ mạch thơ trôi đi mất thì tiếc lắm, thế là tôi vội vàng bảo bác hàng thịt là từ từ hãy cân, rồi bỏ điện thoại ra ghi ghi chép chép lại một cách cẩn thận. Những lúc như vậy, mọi người lại nhìn tôi với vẻ rất kỳ lạ”.

Trong thời gian áp dụng dạy học online, cô Yến vừa sáng tác thơ, vừa quay lại clip để đăng lên kênh Youtube cho học sinh cùng nghe. Cô tự nhận mình viết thơ thì có thể làm một lèo là xong mấy bài, nhưng quay clip thì phải làm đi làm lại nhiều lần vì ngại: “Tôi có thể làm thơ một cách nhẹ nhàng, thậm chí, trong giấc ngủ tôi cũng có thể nảy ra thơ. Có hôm, tôi đã lên giường ngủ rồi, nhưng trong đầu vẫn vang lên từng vần nhịp, thế là nhanh chóng bật dậy, viết xong bài thơ lúc nửa đêm rồi mới yên tâm ngủ tiếp.

Thế nhưng, quay clip thì không suôn sẻ như vậy. Tôi không có điện thoại “xịn”, nên mỗi lần phải quay clip, tôi lại chạy qua hàng xóm để mượn điện thoại. Có những hôm quay đi quay lại cả chục lần mà tôi vẫn còn căng thẳng, clip vẫn chưa được như mong muốn. Không biết vì sao mình lại ngại thế?!”.

Chia sẻ về dự định sắp tới, cô Yến bật mí: “Tôi rất muốn xuất bản một tập thơ dành cho trẻ mầm non và xây dựng một kênh Youtube để chia sẻ những vần thơ của mình đến đông đảo giáo viên và học sinh”.

Tuệ Minh