28 tuổi lấy bằng TS tại ĐH Tokyo, 9X khao khát đóng góp cho ngành chăn nuôi VN

17/04/2022 06:52
Trần Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sỹ Ngành thú y lấy bằng khi mới 28 tuổi, khát khao đóng góp cho lĩnh vực chăn nuôi cho chăn nuôi Việt Nam.

Với ước mơ được làm bác sỹ từ nhỏ, Lê Thị Dung (sinh năm 1994) đã luôn phấn đấu, nỗ lực để đạt được ước mơ của mình. Hiện tại chị đang làm việc cho Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO).

Tiến sĩ Lê Thị Dung sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh lấy bằng tiến sĩ khi mới 28 tuổi tại trường Đại học Tokyo (Nhật Bản).

Chị Lê Thị Dung lấy bằng tiến sĩ khi mới 28 tuổi (ảnh:NVCC)

Chị Lê Thị Dung lấy bằng tiến sĩ khi mới 28 tuổi (ảnh:NVCC)

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chị Lê Thị Dung để hiểu rõ hơn về hành trình chinh phục tấm bằng Tiến sĩ khi còn rất trẻ ở một ngôi trường hàng đầu của Nhật Bản và cũng là ngôi trường luôn nằm trong top 30 các trường đại học hàng đầu thế giới về chất lượng đào tạo, trường có số người đạt giải Nobel nhiều nhất Nhật Bản.

Tham gia nghiên cứu từ năm 2 đại học để tăng cơ hội đạt học bổng

Chia sẻ hành trình đến với lĩnh vực thú y đó chính là niềm đam mê, ước mơ được ấp ủ ngay từ khi còn nhỏ, chị Lê Thị Dung bộc bạch: “Lớn lên trong trang trại của gia đình, với rất nhiều các loại vật nuôi, nên từ nhỏ, tôi đã sẵn có trong mình tình yêu đối với các loài động vật.

Chứng kiến những vất vả mà bố mẹ gặp phải để chăm sóc đàn vật nuôi, những đau đớn mà động vật gặp phải mỗi khi chúng bị bệnh, cũng như những thiệt hại mà dịch bệnh gây ra cho trang trại của gia đình. Vậy nên trở thành một bác sĩ thú y là một lựa chọn, một ước mơ mà tôi đã ấp ủ từ những ngày còn bé..”

Khát khao đó đã thôi thúc Dung thi vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau khi đỗ, chị dành hết thời gian để tập trung học tập, nghiên cứu tìm tòi.

Chị Dung chia sẻ: “Tôi khá may mắn khi trong thời gian này, bạn bè loay hoay kiếm tiền để trang trải tiền học, còn bản thân thì được học bổng nên dành toàn bộ thời gian cho việc học.”

Ngay từ năm 2 đại học Lê Thị Dung đã tham gia nghiên cứu khoa học, quá trình đó đã giúp nữ sinh nhiều kinh nghiệm và kiến thức quý báu. Đây cũng là những tiền đề quan trọng không chỉ giúp Dung giành được nhiều học bổng, trở thành động lực không những yên tâm học tập mà còn mở ra cơ hội làm việc tại các cơ quan, tổ chức quốc tế.

“Tham gia làm nghiên cứu khoa học giúp tôi có cơ hội được thực hành nhiều hơn, tiếp cận với những kĩ thuật mới và hiện đại, cũng như có cơ hội được làm việc dưới sự hướng dẫn của những thầy, cô giáo với nhiều kinh nghiệm và chuyên môn.

Những cơ hội trên khiến tôi say mê, có định hướng và mục tiêu rõ ràng hơn, có nhiều động lực và tình yêu với ngành Thú y hơn. Đồng thời, những kinh nghiệm làm việc trong các phòng thí nghiệm, kinh nghiệm thu mẫu ngoài thực địa, cũng như kĩ năng làm việc nhóm, trình bày, báo cáo mà tôi được học và rèn luyện trong quá trình làm nghiên cứu khoa học là những gạch đầu dòng đầu tiên trong hồ sơ ứng tuyển vào những cơ quan, tổ chức liên quan đến lĩnh vực thú y và là những thông tin cần thiết để các đơn vị trên tham khảo, cất nhắc mình cho những vị trí mà tôi ứng tuyển.”

Với sự chăm chỉ, năng động, phấn đấu không ngừng trong những năm đại học, Lê Thị Dung đã tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với danh hiệu thủ khoa.

Ngay sau khi tốt nghiệp Dung đã không vội vàng nộp đơn xin học bổng mà dành thời gian để đi làm và trải nghiệm.

Chia sẻ lí do không nộp đơn ngay khi tốt nghiệp, chị Lê Thị Dung cho biết: “Ai đã từng nộp hồ sơ xin học bổng hoặc đạt được những học bổng du học nước ngoài, chắc chắn đều đồng ý với tôi rằng xin học bổng không phải là một việc đơn giản và một sớm một chiều, càng có sự chuẩn bị tốt và kĩ càng, khả năng bạn nhận được học bổng nào đó càng cao.

Bạn cần chuẩn bị rất nhiều thứ cho hồ sơ xin học bổng của mình. Chứng chỉ tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm việc, thư giới thiệu từ những thầy cô giáo uy tín, kế hoạch nghiên cứu mạnh, thành tích học tập đủ tốt luôn là điểm cộng cho hồ sơ của bạn. Quá trình xin học bổng có thể mất tới vài năm để chuẩn bị hồ sơ và tích lũy kinh nghiệm. Lựa chọn làm việc cho một công ty nước ngoài cũng là cách để bản thân tích lũy thêm kinh nghiệm, học hỏi thêm những kĩ thuật mới, áp dụng những gì học được trong môi trường công nghiệp.”

Bí quyết đạt thành công là luôn biết đặt kế hoạch và cân bằng

Để có được tấm bằng Tiến sĩ của một ngôi trường danh giá tại đất nước mặt trời mọc không hề đơn giản. Lê Thị Dung đã trải qua rất nhiều những thử thách, khó khăn tại nơi đất khách quê người, nhưng nhờ sự nỗ lực vươn lên Dung đã vượt qua tất cả và có được thành tích đáng ngưỡng mộ.

Dung chia sẻ để được cái gật đầu từ trường Đại học Tokyo thì việc chuẩn bị là cực kỳ quan trọng. Hành trình này nên được xác định ngay từ năm nhất đại học.

“Kể cả khi vừa bước chân vào trường đại học, tôi nghĩ rằng bạn cũng nên có sự định hướng thật tốt, nghĩ về những gì mình cần làm, những gì mình cần đạt được để chuẩn bị thật tốt cho bộ hồ sơ của mình.”

Dung tin rằng khi đã cố gắng hết sức, thì may mắn sẽ mỉm cười: “Mình đã gửi hồ sơ đi nhiều nước, nhiều trường, tới nhiều giáo sư. Mình cũng đã nhận rất nhiều lời từ chối từ các đơn vị khác trước khi nhận được cái gật đầu từ giáo sư của mình tại Đại học Tokyo, Nhật Bản. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên dang tay chào đón và trao cho mình cơ hội được học tập sâu hơn trong lĩnh vực thú y.”

Nhận được học bổng Tiến sĩ vừa học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản, Lê Thị Dung xem đó là cơ hội cũng là thách thức vì thực tế khi đó bản thân cô có ít thời gian để chuẩn bị và tích lũy kinh nghiệm hơn so với học khóa thạc sĩ và tiến sĩ riêng biệt.

“Và khó khăn còn nhân lên, khi sau khi kết hôn và chào đón thiên thần đầu tiên tại Nhật. Vừa làm nghiên cứu, vừa làm mẹ, khó khăn đối với tôi nhân lên gấp nhiều lần. Rất nhiều đêm, tôi đã làm thí nghiệm với sự đồng hành của em bé trong bụng, hay những lần bé sốt mọc răng mà vẫn còn deadline chưa hoàn thành.”

Tiến sĩ Lê Thị Dung hiện đang làm việc cho Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Lê Thị Dung hiện đang làm việc cho Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) (Ảnh: NVCC)

Nhìn lại hành trình đã trải qua, chị Lê Thị Dung giãi bày: “Đến giờ, khi khó khăn đã đi qua, tôi nhận ra rằng mình rất may mắn vì có thầy hướng dẫn tận tình tạo điều kiện, có gia đình luôn ở bên, động viên và hỗ trợ.”

Vừa làm mẹ vừa nghiên cứu để hoàn thành chương trình học, Dung chia sẻ bí quyết để đạt được thành quả đó là biết lập kế hoạch và cân bằng.

“Tôi nghĩ không chỉ nghiên cứu viên trong lĩnh vực thú y hay bất cứ ngành nghề nào, việc lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn và việc quyết tâm hoàn thành những kế hoạch mà mình đặt ra rất quan trọng. Bản thân luôn nghĩ về việc mình cần làm gì trong ngày/tuần/tháng/năm, những gì mình mong muốn đạt được và cố gắng hoàn thành nó. Tuy nhiên cũng phải nghĩ rằng việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi rất quan trọng. Ngoài việc học tập và làm việc, tôi dành khá nhiều thời gian để làm những điều khác mà bản thân yêu thích để giữ vững được tinh thần và “refresh” bản thân trước khi quay lại với nghiên cứu.”

Chị Dung đánh giá, một yếu tố quan trọng nữa của người làm nghiên cứu thành công là mục tiêu rõ ràng.

“Nếu không có một mục tiêu rõ ràng, bạn dù có giỏi nhưng cũng chỉ như bơi giữa đại dương mà không biết phải bơi hướng nào, bơi về đâu. Rất nhiều người làm nghiên cứu với tình yêu, niềm đam mê nhưng không đủ quyết tâm để duy trì đam mê ấy, hay không thể đi đến cùng vì áp lực của cơm áo gạo tiền của cuộc sống. Vậy nên, trước khi bắt đầu nghiên cứu, bạn hãy xác định cho mình một mục tiêu rõ ràng để có thể đặt cược và “sống chết” cùng nó.”

Mặc dù có được tấm bằng Tiến sĩ ngay từ khi còn rất trẻ nhưng chị Dung luôn đề cao tinh thần “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Đó chính là câu slogan của chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup mà Dung rất tâm đắc và xem đó là kim chỉ nam cho sự nghiệp của mình.

Chính vì thế, ngay sau khi hoàn thành chương trình học, thay vì nhận lời mời của một công ty nước ngoài với mức lương cao, điều kiện nghiên cứu tốt thì Dung đã quay trở lại Việt Nam và cống hiến cho quê hương, đúng như khát khao đã thôi thúc Dung suốt những năm tháng ở nước ngoài.

Công việc hiện tại của Dung là làm việc tại Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO).

Dung luôn xem đó là một cơ hội tuyệt vời, khi có cơ hội hợp tác và làm việc cùng với các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế của lĩnh vực thú y. Tiến sĩ 9X đang nỗ lực hàng ngày để có thể đóng góp phần nào trong sự phát triển bền vững cho chăn nuôi Việt Nam trong tương lai.

Trần Hoa