3 việc thầy Phùng Xuân Nhạ, thầy Nguyễn Kim Sơn đã, đang gỡ khó cho nhà giáo

25/06/2021 06:10
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuy công việc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vô cùng vất vả nhưng những vấn đề giáo viên quan tâm, những bất cập về giáo dục đã được chỉ đạo kịp thời

Trong 2 năm qua, cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Luật Giáo dục mới, các vấn đề xếp lương giáo viên,... tuy các công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải triển khai khá bộn bề, nhưng những vấn đề giáo viên quan tâm, những bất cập về giáo dục mà thầy cô phản ánh trên truyền thông đã được Bộ trưởng lắng nghe và luôn có chỉ đạo kịp thời.

Nhiệm kỳ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tiếng nói của nhà giáo phản ánh bất cập qua truyền thông đã được Bộ trưởng lắng nghe và có phương án giải quyết. Sang nhiệm kỳ mới, tinh thần cầu thị và sát sao với thực tiễn được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục duy trì và phát triển.

Những văn bản mới ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua được dư luận đồng tình hoan nghênh. Những vấn đề nhận được ý kiến chưa đồng tình được Bộ Giáo dục và Đào tạo cầu thị, tiếp thu, đã, đang và sẽ có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Lào Cai, ảnh minh họa: moet.gov.vn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Lào Cai, ảnh minh họa: moet.gov.vn.

Với những chỉ đạo sát sao, cụ thể, kịp thời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từ khi nhậm chức đến nay, cá nhân người viết tin rằng trong thời gian tới Bộ sẽ có những đổi thay mạnh mẽ, đúng hướng và sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Những vấn đề bức xúc của giáo viên đều được lắng nghe và giải quyết hợp tình, hợp lý.

Trong bài viết này xin được nêu lại những chỉ đạo, những văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và được giáo viên đồng tình, hoan nghênh trong thời gian gần đây.

Bỏ chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học và giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Việc các chứng chỉ “hành” giáo viên đã được phản ánh về bất cập của nó trong một thời gian rất dài thì đến thời điểm này mới gần như chính thức được bãi bỏ đối với chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học ở các chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Đó là điều rất đáng mừng của việc chạy theo các chứng chỉ, bằng cấp, giáo viên không phải bằng mọi giá để có chứng chỉ làm đẹp hồ sơ, cũng như dẹp nạn “chợ” chứng chỉ,...

Tuy nhiên, khi đánh giá chuẩn nghề nghiệp, làm hồ sơ chuyển xếp lương hiện nay các cơ sở vẫn còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học để làm minh chứng cho việc các tiêu chí biết sử dụng ngoại ngữ, tin học. Rất mong Bộ có công văn nêu rõ điều này.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tham mưu để Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn 2499/BNV-CCVC, theo đó, Bộ Nội vụ có đề xuất việc cắt giảm một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức trong đó có giảng viên, giáo viên.[1]

Trong nhiệm kỳ trước Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất nỗ lực giảm tải hồ sơ sổ sách cho giáo viên, đồng thời kiến nghị bãi bỏ các giấy phép con giúp nhà giáo. Công việc này đang được người kế nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục theo đuổi. Ảnh minh họa: moet.gov.vn.

Trong nhiệm kỳ trước Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất nỗ lực giảm tải hồ sơ sổ sách cho giáo viên, đồng thời kiến nghị bãi bỏ các giấy phép con giúp nhà giáo. Công việc này đang được người kế nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục theo đuổi. Ảnh minh họa: moet.gov.vn.

Theo đó, dự kiến mỗi cấp học, bậc học chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp duy nhất (hiện nay mỗi giáo viên muốn lên hạng I có thể phải có đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp).

Từ Công văn 2499 của Bộ Nội vụ trên, sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.

Đây là một nỗ lực trường kỳ và liên tục, kéo dài từ nhiệm kỳ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sang nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và công việc bỏ các giấy phép con hành giáo viên vẫn đang tiếp tục. Lực cản của "nồi cơm chứng chỉ" càng lớn, Bộ trưởng càng vất vả, nhưng không vì thế mà Bộ trưởng bỏ cuộc.

Vấn đề chia hạng giáo viên, chia hạng đạo đức giáo viên đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều, đa số đều không đồng tình với việc chia hạng, chia hạng đạo đức giáo viên.

Ở lần sửa đổi này, rất mong Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ nghiên cứu và dừng việc chia hạng giáo viên quá bất cập như hiện nay.

Dừng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp từ năm học 2020-2021

Vấn đề tiếp theo dù có chậm nhưng vẫn được giáo viên vô cùng hoan nghênh, ủng hộ đó chính là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2440/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 11/6/2021 về việc hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn năm học 2020-2021.

Trong công văn trên yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tạm dừng việc đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo chuẩn cho tới khi có quy định mới được ban hành, nhằm đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Đã có nhiều ý kiến phản ánh về bất cập của việc mỗi năm xếp chuẩn giáo viên một lần, đánh giá xong phải kèm từ trên 15 minh chứng cho 15 tiêu chí, sau đó phải đánh giá và tải lên phần mềm Temis vô cùng phức tạp và quan trọng là không mang ý nghĩa gì về việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

Có giáo viên là tổ trưởng chuyên môn ở tiểu học, có bằng cao đẳng sư phạm (trước 01/7/2020 là trên chuẩn), nhưng đánh giá ở năm 2021 là chưa đạt chuẩn, vô cùng bất cập.

Và quan trọng và việc đánh giá rất nhiều tiêu chí lại không đúng ý nghĩa của việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp, chuẩn thì chỉ cần loại đạt hoặc chưa đạt, không cần phải rắc rối và thêm nhiều minh chứng như trên.

"Không một văn bằng, chứng chỉ, minh chứng,... nào bằng vị trí người thầy trong mắt đồng nghiệp, trong trái tim người học".

Nên văn bản tạm dừng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên từ năm 2020 – 2021 là vô cùng phù hợp, hợp lý.

Năm học 2020 – 2021 đã đánh giá rồi thì cũng phải được hủy bỏ, không có tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới mà phải bị xếp loại không đạt chuẩn (vì họ còn trong lộ trình học nâng chuẩn).

Rõ ràng văn bản Bộ ban hành tuy có chậm nhưng rất hợp lý, coi như kịp thời, giải tỏa bớt ấm ức, áp lực cho giáo viên năm học này và những năm tiếp theo.

Xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng việc đánh giá đến thời điểm 31/12/2030 (thời điểm hết lộ trình chuẩn giáo viên theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).

Khi đó việc đánh giá chỉ nên đánh giá đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn, tránh hình thức, vì giáo viên thực hiện nhiệm vụ đã được đánh giá phân loại viên chức hàng năm, còn về thi đua thì đã thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng.

Giải thích rõ cho các địa phương: mẫu giáo án 5512 tham khảo cho lớp 6, không áp dụng cho các lớp 7-12

Đây là điều giáo viên vui và chờ đợi nhất sau khi có một loạt bài phản ánh về những bất cập của Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mới nhất ngày ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 2613 /BGDDT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. [2]

Văn bản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành nêu rõ: "Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)".

Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12, khi vẫn thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo: "Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước)".

Như vậy, với hướng dẫn trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn 5512 chỉ áp dụng với chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể là với lớp 6 từ năm học 2021-2022. Từ lớp 7 đến lớp 12 theo "chương trình cũ" vẫn thực hiện theo các văn bản ban hành trước đó.

Như vậy với quy định trên thì kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên dạy các lớp từ lớp 7 đến lớp 12 được thực hiện theo chương trình hiện hành.

Đây là thông tin rất vui đối với giáo viên từ các lớp 7 đến lớp 12, giáo viên có thể sử dụng mẫu giáo án hiện hành hoặc được phép sử dụng lại giáo án cũ của năm học 2020 – 2021 hoặc các năm trước (có thể có chỉnh sửa, bổ sung) để sử dụng.

Điều này cũng tránh lãng phí khi giáo viên phải soạn giáo án theo chương trình cũ mà giáo án theo mẫu mới, ví dụ năm học 2021 - 2022 giáo án lớp 7, 10 nếu soạn lại mới hoàn toàn, thì năm học 2022 - 2023 cũng phải bỏ vì phải soạn lại theo sách giáo khoa và chương trình mới.

Cũng rất mong trong thời gian tới, Bộ sẽ có chỉ đạo rõ hơn về việc soạn giáo án theo công văn 5512 trên theo hướng tinh hơn, gọn hơn để các giáo viên tập trung vào nghiên cứu bài mà không tốn quá nhiều thời gian phải soạn và in giáo án tốn thời gian, chi phí.

Xin cảm ơn nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã rất cầu thị và lắng nghe ý kiến của nhiều giáo viên về Công văn 5512, về các chứng chỉ và về việc tạm dừng đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] Công văn 2499/BNV-CCVC

[2] Văn bản Số 2613 /BGDDT-GDTrH

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM