6 vấn đề trầm kha của giáo dục, thầy Bùi Nam hiến kế giải quyết

17/07/2021 06:47
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời đại kinh tế thị trường, trường học nên chỉ là nơi để giảng dạy và giáo dục, hãy bỏ việc lạm thu và mua bán trong trường học.

Bài viết “Thầy Bùi Nam: 6 việc hình thức đang gây hại cho giáo dục, Bộ nên bãi bỏ” được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc.

Bài viết được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội, diễn đàn liên quan giáo dục.

Đa số ý kiến đồng tình tới tác giả về những điều hình thức rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo về những hình thức đang tồn tại mà người viết trình bày về: Giáo án theo công văn 5512; vấn đề dự giờ; giảm các hội thi giáo viên và học sinh; giảm các minh chứng không cần thiết trong việc đánh giá trường chuẩn, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, khen thưởng; nhận xét học sinh trong học bạ, phần mềm; về vấn đề đồng phục thì có nhiều ý kiến đồng ý bỏ các đồng phục nón, đồng phục khối lớp, giày dép,… còn trang phục thì nên quy định đơn giản, phụ huynh tùy vào điều kiện kinh tế tự mua.

Đa số ý kiến của bạn đọc đều cho rằng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu áp dụng dần dần những điều trên thì giáo viên sẽ tập trung trí lực và sức lực vào giảng dạy thật, tránh hình thức, rườm rà không cần thiết, để hướng tới dạy thật, học thật.

Trong phạm vi bài viết này, ngoài những vấn đề hình thức trên người viết xin được nêu một số vấn đề theo quan điểm người viết nhận thấy còn tồn tại, hạn chế cần phải có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.

Thứ nhất, xử lý nghiêm tình trạng lạm thu trong nhà trường

Năm học nào Bộ cũng có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc thu chi, xử lý nghiêm việc lạm thu.

Tuy nhiên hình như không có năm nào mà không có tình trạng lạm thu xảy ra: Lạm thu quỹ cha mẹ học sinh; lạm thu sách tham khảo, các trường liên kết với các các cơ sở bán sách để bán sách cho học sinh hưởng hoa hồng; lạm thu trang thiết bị, dụng cụ học tập thậm chí mua, bán viết thước; lạm thu việc bắt cha mẹ học sinh mua dụng cụ cho trường như ti vi, máy chiếu, sơn sửa trường, chi phí lao công, bảo vệ,…

Do xử lý chưa nghiêm và lợi nhuận quá lớn mà các cơ sở bất chấp, đa số các trường hợp khi báo chí, phụ huynh lên tiếng chỉ bị nhắc nhở, nghiêm túc rút kinh nghiệm nên năm nào đầu năm cũng lại xuất hiện vấn đề lạm thu.

Dù thời đại kinh tế thị trường, thì trường học vẫn nên chỉ là nơi để giảng dạy và giáo dục, hãy bỏ việc lạm thu và mua bán trong trường học.

Cách duy nhất và đơn giản là cách chức hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu vì hiệu trưởng là người đề ra mức thu, hiệu trưởng không dám làm trái thì không thể có lạm thu.

(Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)

(Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)

Thứ hai, chỉ đạo xử lý nghiêm dạy thêm trái phép

Việc dạy thêm hiện nay đã biến tướng méo mó gây bức xúc trong dư luận và bào mòn niềm tin của nhân dân về giáo dục.

Đã có nhiều bài viết bức xúc về dạy thêm, tuy nhiên khi chuyển từ kiểu quản lý này qua kiểu quản lý khác thì việc dạy thêm, o ép học sinh học thêm để thu tiền ngày càng diễn biến phức tạp hơn, thách thức dư luận hơn, công khai hơn, chỉ có học sinh, phụ huynh là thiệt thòi.

Giáo dục phải hướng đến sự công bằng, bình đẳng, giáo viên dạy thêm thì đa số làm điều ngược lại.

Việc dạy thêm bất chấp, cố tình dạy thêm thu tiền trái quy định ở trường học từ tiểu học đến trung học phổ thông hiện nay đã khiến môi trường giáo dục méo mó, quan hệ thầy trò méo mó, quan hệ đồng nghiệp méo mó, bất công, bất bình đẳng, mất đoàn kết tăng lên.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản chặt chẽ để tránh việc lạm dụng dạy thêm thu tiền, dạy thêm trái phép như hiện nay.

Thứ ba, giảm sĩ số học sinh

Hiện nay, sĩ số học sinh tại các lớp học tại các cơ sở giáo dục công lập ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp là khá đông, có nhiều lớp trên 50 học sinh/lớp.

Tại thông tư điều lệ trường tiểu học vừa mới ban hành thì ở bậc tiểu học số lượng học sinh trên lớp tối đa 35 học sinh.

Còn tại bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông tối đa 45 học sinh.

Văn bản, điều lệ là vậy tuy nhiên khi thực hiện lại đi kèm với Đề án về tinh giản biên chế nên các cơ sở giáo dục đa số đều làm trái điều lệ trường học. Nhiều nơi, có lớp tiểu học 45, 50 thậm chí 60 học sinh là điều khó có thể chấp nhận. Bên cạnh đó, việc khối trung học cơ sở, trung học phổ thông quy định tối đa đến 45 học sinh mỗi lớp theo tôi là cao.

Tôi cho rằng, giảm sĩ số phải là mục tiêu đầu tiên để nâng cao chất lượng thật, việc giảm biên chế sẽ tìm những giải pháp khác, giai đoạn hiện nay Bộ nên sửa quy định, mỗi lớp trung học cơ sở, trung học phổ thông tối đa không quá 40 học sinh, khối tiểu học quy định lớp 1, 2 tối đa không quá 30 học sinh để có thời gian rèn giũa, quan tâm các em, lớp 3, 4, 5 quy định không quá 35 học sinh thì có thể chấp nhận được.

Để giảm áp lực sĩ số trường công lập ở các đô thị mà không làm tăng biên chế, thì cách đơn giản, hiệu quả và bền vững nhất là có chính sách phát triển các trường tư thục.

Thứ tư, tiếp tục sáp nhập trường và giảm biên chế

Tôi cho rằng việc sáp nhập các trường học hiện nay chưa đạt hiệu quả cao, chưa quyết liệt dẫn đến sáp nhập cơ học, chưa giảm được biên chế.

Hãy mạnh dạn sáp nhập các trường ở gần nhau, những trường có ít lớp, sáp nhập trường nhiều cấp học,… quyết liệt hơn.

Bên cạnh đó, việc giảm biên chế cũng không hiệu quả, giảm biên chế hiện nay chủ yếu là những người mất sức khỏe hoặc những người còn 1,2 năm về hưu, việc đó không thể gọi là tinh giản biên chế.

Tinh giản là tinh gọn và giảm những người làm việc không hiệu quả, để mọi người đều cố gắng làm việc tốt nhất.

Muốn tinh giản phải lựa chọn ra lực lượng giáo viên không đáp ứng yêu cầu, làm việc không hiệu quả để tinh giản.

Muốn vậy Bộ nên ban hành quy định đánh giá giáo viên chi tiết và hợp lý hơn.

Thứ năm, chấm dứt tình trạng áp đặt chỉ tiêu thành tích phi thực tế trong giáo dục

Tình trạng áp đặt chỉ tiêu thành tích phi thực tế dẫn đến giả dối trong giáo dục ngày càng diễn biến phức tạp hơn, các báo cáo ngày càng “láo” hơn, chất lượng ảo ngày càng tăng lên.

Mới đây nhất, một nhóm khảo sát, nghiên cứu của nhóm Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam về “Bệnh thành tích” trong giáo dục đã thực hiện ở 8 trường trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố đã cho ra kết quả 97,7% người khẳng định có “bệnh thành tích” trong giáo dục.

Theo tôi thực tế do khảo sát có các vị cán bộ quản lý nên họ cũng chưa thật lòng, chứ nếu thật lòng phải có đến 100% khẳng định có bệnh thành tích trong giáo dục. Đó là sự thật không thể chối cãi.

12 năm thực hiện phong trào nói không với tiêu cực thi cử và thành tích trong giáo dục song mục tiêu vẫn chưa thể thực hiện được thậm chí còn tinh vi, phức tạp và khó lường hơn.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết liệt hơn.

Thứ sáu, cải thiện môi trường làm việc và chế độ cho giáo viên

Đây chắc chắn là vấn đề rất được giáo viên, phụ huynh và học sinh quan tâm, hiện nay do chưa cải thiện được môi trường làm việc thì sẽ khó thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm, giáo viên không có quyền xử lý học sinh hay xử lý qua loa hời hợt, ban giám hiệu khó xử lý giáo viên,..

Môi trường giáo dục hiện nay xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, nhiều vụ vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức người học, môi trường mua, bán chứng chỉ, bằng cấp, mua bán kiến thức,…

Nói chung là môi trường giáo dục hiện nay chưa an toàn, chưa an tâm với cả giáo viên, phụ huynh và cả học sinh.

Lương, thưởng, chế độ cho giáo viên cứ mãi là vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi”, trong khi ngành giáo dục là ngành đặc thù, tiếng là "lương cao" nhưng tổng thu nhập vẫn nằm ở "vùng trũng”, một số ngành nghề khác trong khi lương thì không cao nhưng tổng thu nhập đủ sống, các khoản thưởng dịp lễ, tết nhất là tết âm lịch có thể trang trải cuộc sống.

Kính mong Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là tư lệnh ngành hãy vì giáo viên vì học sinh tìm ra các giải pháp quyết liệt hơn trong năm học này và những năm tiếp theo để nền giáo dục phát triển bền vững hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM