8 điều mừng từ "cơn mưa điểm 10" tốt nghiệp môn Giáo dục công dân

06/08/2021 07:00
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điểm trung bình học bạ môn Giáo dục công dân cả nước là 8,182, điểm trung bình là 8,372 điểm, điểm thi trung bình cao hơn điểm học bạ 0,19 điểm.

Theo số liệu thống kê, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019 có tất cả 1270 điểm 10, môn Giáo dục công dân có 784 bài thi điểm 10; điểm trung bình môn thi Giáo dục công dân là 7,37.

Năm 2020, cả nước có 5.812 điểm 10, môn Giáo dục công dân có 4.163 thí sinh đạt điểm 10; điểm trung bình là 8,14 điểm;

Đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua, cả nước có 24.318 điểm 10, môn Giáo dục công dân có 18.680 điểm 10.

Ngoài số lượng điểm 10, môn Giáo dục công dân năm nay còn có 40.169 bài thi đạt 9,75 điểm; 50.343 bài thi có đạt 9,5 điểm; điểm trung bình là 8,372.

Ảnh minh hoạ: P.L

Ảnh minh hoạ: P.L

Những tín hiệu đáng mừng từ điểm thi tốt nghiệp của môn Giáo dục công dân

Để biết điểm môn Giáo dục công dân “đẹp” đáng lo hay đáng mừng, chúng ta phải lắng nghe ý kiến của người trong cuộc, từ giáo viên và học sinh, cùng với đó là “tiếng nói” của những thông số thống kê “không biết nói dối”.

Phần lớn các ý kiến của giáo viên đang dạy môn Giáo dục công dân cho rằng, đề thi sát với kiến thức cơ bản, bám sát thực tế cuộc sống, đặc biệt mang tính thực tế với việc dạy và học ở trường phổ thông.

Điểm mừng thứ nhất, đề thi môn Giáo dục công dân phù hợp thực tế, thực tiễn dạy học ở tất cả vùng miền cả nước, đề thi không mang tính thách đố.

Điểm trung bình học bạ môn Giáo dục công dân cả nước là 8,182, điểm trung bình là 8,372 điểm, điểm thi trung bình cao hơn điểm học bạ 0,19 điểm.

Điểm mừng thứ hai, giáo viên môn Giáo dục công dân tổng kết đánh giá thật; giáo viên môn Giáo dục công dân đã thực hiện đúng trách nhiệm công dân, là tấm gương thực hiện pháp luật của học sinh và đồng nghiệp.

“Nội dung kiến thức môn học hiện nay khá ngắn gọn, súc tích. Kiến thức gắn liền với đời sống, nên thí sinh dễ dàng trả lời được các câu hỏi gắn với thực tiễn”.

Điểm mừng thứ ba, kiến thức của môn Giáo dục công dân được giáo viên truyền thụ không mang tính hàn lâm, gắn với thực tế, thực tiễn, áp dụng thật sự cho cuộc sống.

“Phương pháp dạy của thầy cô môn Giáo dục công dân ngày càng thực tế hơn, dẫn tới học sinh yêu thích môn học này, ôn tập bám sát đề tham khảo của Bộ, học sinh ham học nên quá quen với các dạng bài, dẫn tới kết quả thi tốt”.

Điểm mừng thứ tư, đổi mới phương pháp dạy học gắn với thực tế, thực tiễn cuộc sống nên học sinh hứng thú, kết quả học tập tốt, dễ nhớ, dễ thuộc; đây là bài học cho tất cả các môn học khác.

Môn Giáo dục công dân làm bài thi hình thức trắc nghiệm, chấm điểm bằng máy, kết quả mang tính khách quan, minh bạch.

Điểm mừng thứ năm, kết quả môn Giáo dục công dân phản ánh đúng tinh thần học thật, thi thật, ngành giáo dục đã và đang thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

“Đề thi năm nay đã đưa vào được các nội dung rất hay, ví dụ: Các nội dung gần gũi như dịch bệnh Covid-19, ủng hộ tiêm vacxin, hoặc nội dung về an toàn giao thông, các mối quan hệ xoay quanh gia đình, thầy cô… tất cả những điều này tôi đánh giá nó rất gần gũi với thực tế cuộc sống.

Mà khi đã gần gũi, học sinh đọc đề thi cũng dễ hình dung được ngay, đâu là đúng, và đâu là vi phạm pháp luật, chính vì thế mà việc chọn đáp án cũng dễ dàng hơn”.

“Để đạt được điểm cao thì học sinh cần phải có sự hiểu biết về pháp luật, có kĩ năng giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Trên nhiều diễn đàn xã hội, khá nhiều ý kiến đánh giá đề thi năm nay có những câu “xoắn não” hoặc có ý kiến nói rằng “dã man” như trong phim, như vậy không thể nói là đề thi quá dễ được”.

Điểm mừng thứ sáu, đề thi môn Giáo dục công dân của Bộ năm nay mang tính giáo dục; cũng là bài học kinh nghiệm cho các ban ra đề môn khác, ngoài chức năng kiểm tra đánh giá, đề thi phải mang thông điệp, hơi thở cuộc sống hiện tại; mang tính giáo dục.

Muốn có kết quả tốt, giáo viên phải dám tổng kết đánh giá thật; kiến thức truyền thụ cho học sinh phải gắn với thực tế cuộc sống, áp dụng vào cuộc sống; đề thi, kiểm tra đánh giá phải mang tính thực tế, mang thông điệp, hơi thở cuộc sống hiện tại và có tính giáo dục.

Điểm mừng thứ bảy, môn Giáo dục công dân là môn học tuyệt đối không xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Để có được kết quả tốt trong kỳ thi, chỉ có thể khẳng định giáo viên đã dạy thật, học sinh đã học thật.

Điểm mừng thứ tám, môn Giáo dục công dân được coi là “môn phụ”, nhưng thực tế, nó là môn cực kì quan trọng trong việc giáo dục học sinh biết sai, biết đúng để điều chỉnh hành vi, tuân thủ pháp luật, làm người tử tế.

Học sinh đã và đang học tốt môn Giáo dục công dân, chúng ta có quyền tin tin tưởng, xã hội sẽ có thế hệ lao động biết tôn trọng pháp luật.

Các môn học khác trong trường phổ thông làm được như môn Giáo dục công dân, chắc chắn nền giáo dục nước nhà sẽ khởi sắc; đừng lo lắng khi học sinh làm bài tốt, điểm thi cao hơn điểm học bạ.

Cơn “mưa điểm 10” của môn Giáo dục công dân trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua là “điềm lành”; rất cần những cơn mưa điểm 10 khách quan, minh bạch như thế, góp phần xóa mờ bệnh thành tích trong giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/diem-10-tot-nghiep-mon-giao-duc-cong-dan-tang-chong-mat-chuyen-gi-dang-xay-ra-post219851.gd

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-ly-giai-vi-sao-giao-duc-cong-dan-nhieu-diem-10-nhat-trong-cac-mon-thi-post219772.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến