8 vấn đề của giáo dục gửi đến email của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

07/08/2013 09:59
TS Lương Hoài Nam
(GDVN) - "Từng là 'sản phẩm' của nền giáo dục Việt Nam khi còn là học sinh cắp sách đến trường, là 'khách hàng' của giáo dục Việt Nam khi bỏ công sức, tiền bạc cho việc học hành của các con (và tới đây là các cháu), tôi đánh giá cao việc Bộ trưởng công bố địa chỉ email với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho ngành giáo dục nước nhà mà Bộ trưởng phụ trách. Cá nhân tôi xin hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng bằng chính lá thư ngỏ này gửi đến Bộ trưởng". TS Lương Hoài Nam bày tỏ.
Như báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam” được Ủy ban TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nêu ý kiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%, chỉ duy nhất một năm thực hiện cuộc vận động “hai không” là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10 - 20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu “thắt” thì phải thắt khâu quản lý, “thắt” quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này. Quan điểm của Phó Chủ tịch nước một lần nữa đưa vấn đề tranh luận giữa các nhà khoa học, các nhà sư phạm: Nên bỏ hay tiếp tục duy trì thi tốt nghiệp THPT? Ngày 15/7, hưởng ứng lời kêu gọi góp ý cho nền giáo dục Việt Nam của ông Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, TS Lương Hoài Nam có gửi một bức Thư ngỏ cho ông Bộ trưởng (qua email ông Bộ trưởng công bố trên báo chí). Trong thư, TS Nam đã phân tích, kiến nghị về 8 vấn đề của giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của một người dân - khách hàng của giáo dục Việt Nam.
"Có thể do công việc bận bịu, ông Bộ trưởng GD-ĐT chưa có thời gian nghiên cứu, phản hồi?!" TS Lương Hoài Nam cho hay.

Với mong muốn đóng góp ý kiến cho ngành giáo dục nước nhà, và nhất là hiến kế trong công cuộc "Chấn hưng nền giáo dục" mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kêu gọi. Trong bức thư của TS Lương Hoài Nam cũng đề cập và nhìn nhận một cách toàn diện về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không.
Nhận thấy các vấn đề của giáo dục Việt Nam đã và đang được lãnh đạo Nhà nước, giới chuyên môn và đông đảo người dân quan tâm, TS Lương Hoài Nam đã gửi bức Thư ngỏ này mong muốn báo Giáo dục Việt Nam đăng tải đến độc giả của báo Giáo dục Việt Nam. Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung bức thư đến với độc giả. (Do nội dung của bức thư này khá dài nên chúng tôi sẽ đăng tải liên tục nhiều kỳ để quý vị tiện theo dõi):
TS Lương Hoài Nam
TS Lương Hoài Nam
Thưa Bộ trưởng, những bất cập của nền giáo dục Việt Nam đã được rất nhiều chuyên gia giáo dục và đông đảo người dân nêu ra liên tục trong hàng chục năm qua. Hiếm có một nước nào mà mỗi năm các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học lại trở thành các sự kiện đặc biệt, thu hút sự quan tâm rộng rãi của báo chí, người dân như ở Việt Nam. Các con của chúng tôi may mắn có điều kiện học trung học, dự bị đại học và đại học tại Singapore và Anh. Điều khác biệt rất dễ nhận thấy là ở các nước này nhà trường chẳng bao giờ tổ chức lễ khai giảng;đến kỳ thi hết cấp học, vào đại học báo chí của họ cũng chẳng đưa tin. Học sinh cứ đến ngày đến giờ thì tới trường nhận sách giáo khoa, thời khoá biểu, làm quen với thầy cô, bạn bè cùng lớp rồi bắt đầu năm học mới. Việc lựa chọn, đăng ký trường, ngành, thông báo kết quả thi, các cơ hội học thay thế nếu lựa chọn ưu tiên không đạt... đều được thực hiện qua internet.Có cảm giác là nền giáo dục và chuyện thi cử ở các nước này đã đạt độ ổn định đến mức chẳng có gì để nói, để bàn, để tranh luận nữa. Quả thực, cái gì mà năm nào cũng thế, "đến hẹn lại lên", “cứ thế mà làm” thì cũng không có gì để xã hội phải đặc biệt quan tâm nữa thật. Trong khi đó ở Việt Nam, hàng năm Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp PTTH, mỗi năm một kiểu, quanh quẩn mãi mà vẫn chưa ổn định được việc này. Ngay đến môn thi tốt nghiệp là những môn nào học sinh cũng không được biết trước, hằng năm phải chờ quyết định của Bộ. Cách làm này dẫn đến sự cố hằng trăm học sinh Trường PTTH Nguyễn Hiền ở TP Hồ Chí Minh xé đề cương môn Lịch sử ném tung tóe khi họ biếtkhông phải thi tốt nghiệp môn học này trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi. Ở nước ta, chuyện giáo dục được quan tâm quanh năm và từ năm này qua năm khác. Nghĩ theo hướng tích cực, điều đó là vì người Việt Nam và cả xã hội rất quan tâm đến việc học hành của trẻ em. Nhưng cũng cần nhìn nhận dưới  cả góc độ khác: phải chăng sự “quan tâm” đó thật ra là sự bận tâm do những bất cập của chuyện học hành, thi cử trong một nền giáo dục chưa tạo được sự yên tâm, tin tưởng của cả giới chuyên môn lẫn người dân? Nếu như sự quan tâm đến giáo dục là tích cực thì sự bận tâm lại mang tính tiêu cực, nếu không phải bận tâm hoặc bớt phải bận tâm thì tốt hơn. Nhưng sự thật là cả giới chuyên môn và người dân nước ta không thể không bận tâm được. Và dưới góc nhìn nhất định, những buổi lễ khai giảng đầy cờ hoa, khẩu hiệu, các bài phát biểu dõng dạc không hẳn thể hiện sự thoả mãn, hài lòng với thực trạng nền giáo dục, mà là để thêm một lần hạ quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học. Năm nào cũng như vậy, nhưng chưa thay đổi được bao nhiêu nên vẫn phải tiếp tục hạ quyết tâm. Nếu góc nhìn trên của tôi là chưa chính xác thì mong Bộ trưởng lượng thứ, nhưng tôi xin được trình bày một số điều mà nền giáo dục Việt Nam, theo tôi, đã và đang tạo ra sự bận tâm cho cả giới chuyên môn và người dân, như sau:
1. Kết cấu chương trình giáo dục phổ thông.
Chương trình học phổ thông của ta quá nặng các môn tự nhiên (toán, lý, hoá), nhẹ các môn xã hội, giáo dục kỹ năng sống và làm việc (văn, sử, địa, ngoại ngữ, giáo dục giới tính, giáo dục công dân, kiến thức pháp luật, kỹ năng thuyết trình,  làm việc theo nhóm, thể dục thể thao, v.v.). Nếu như việc học nặng các môn tự nhiên chỉ bổ ích cho những người chọn các ngành khoa học tự nhiên khi vào Đại học và ra làm việc, thì các môn học xã hội, kỹ năng sống và làm việc bổ ích cho cả đời người của mọi người, kể cả người theo các ngành khoa học tự nhiên. Kiến thức về các lĩnh vực đó không bao giờ thừa, thường là thiếu hoặc rất thiếu. Không ít người có một vài bằng đại học nhưng soạn một văn bản tiếng Việt đơn giản cũng không đạt. Không ít người khi tiếp xúc với đối tác nước ngoài, ngoài các vấn đề công việc ra chẳng biết chuyện trò gì.Không ít người không thể thuyết trình hiệu quả trước đông người, kể cả về các vấn đề chuyên môn mà mình nắm vững. Không ít người biết chuyên môn, nhưng không thể đóng góp hiệu quả cho các hoạt động, đề án tập thể đòi hỏi sự chia sẻ, phối hợp, cộng hưởng. Không ít người thiếu hẳn những chuẩn mực đạo đức, văn hoá ứng xử, hiểu biết pháp luật tối thiểu sau khi ra trường. Theo một số thông tin đăng tải gần đây, 37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm do thiếu hụt kỹ năng thực hành, 83% sinh viên ra trường bị các nhà tuyển dụng đánh giá thiếu kỹ năng sống. Đã phỏng vấn tuyển dụng hàng nghìn người trong 20 năm qua, tôi nghĩ những con số này có cơ sở và rất đáng lo ngại. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp sau khi tuyển dụng sinh viên ra trường phải tổ chức đào tạo cho họ các kiến thức, kỹ năng cơ bản mà lẽ ra họ đã phải được chuẩn bị tốt trong những năm học đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
2. Sự cào bằng, áp đặt, thiếu tính hướng nghiệp của chương trình giáo dục. Sự cố video clip "Kẻ lười biếng" gần đây là một sự "nổi loạn", báo động về tình trạng học sinh mất niềm tin vào nền giáo dục Việt Nam. Tôi nghĩ rằng "Kẻ lười biếng" không phải là học sinh duy nhất mất niềm tin, chỉ có điều em này có khả năng và mức độ mạnh dạn để công khai trình bày suy nghĩ, đánh giá của mình về nền giáo dục. Nhiều điều "Kẻ lười biếng" nói đáng để các nhà quản lý giáo dục xem xét nghiêm túc thay vì bác bỏ cho qua chuyện. Cách đây gần 10 năm, khi đang là học sinh lớp 10 chuyên toán của một trường chuyên tại Hà Nội, con trai chúng tôi cũng thể hiện sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục Việt Nam bằng một bài cháu viết gửi đăng trên báo Thanh Niên. Thay vì mừng về sự "chín chắn", biểu hiện "ông cụ non" của một đứa trẻ, vợ chồng chúng tôi tin rằng cần phải đưa cháu trở lại làm người học sinh chăm chỉ, đam mê học hành. Nhưng vì cháu đã mất niềm tin vào cách dạy và học ở Việt Nam qua trải nghiệm của chính cháu và bạn bè, chúng tôi nghĩ, cách tốt nhất là để cháu trở thành học sinh của một nền giáo dục khác mà cháu tin tưởng và có đam mê học tập mạnh mẽ. Một khi chúng ta mất niềm tin vào một thứ, rất khó để chúng ta tiếp thu nó một cách hiệu quả. Điều này rất nguy hiểm cho học sinh với nhiệm vụ chính là học. Phải chăng cái làm cho học sinhmất niềm tin vào hệ thống giáo dục và chán học là sự cào bằng, tính áp đặt trong chương trình giáo dục và cách dạy? Mỗi đứa trẻ có những mặt mạnh, mặt yếu, thiên hướng, năng khiếu riêng, nhưng trong hệ giáo dục hiện nay, với chương trình học giống nhau suốt cả 12 năm, các em có rất ít cơ hội lựa chọn để học tốt hơn những môn học các em có năng khiếu và đỡ phải mất công, khổ sở với những môn học các em không thể tiếp thu tốt vì các tố chất cá nhân (hoặc nhiều khi chỉ đơn giản làcác em không thích các môn học đó). Kiến thức là vô tận, do vậy, yêu cầu phát triển toàn diện con người không đồng nghĩa với việc bắt học sinh phải học những môn học phổ thông mà khả năng tiếp thu của các em rất hạn chế. Nhớ lại, khi học cấp 3 chúng tôi được (phải?) học môn nhạc. Đối với tôi, đó là một cực hình, tôi không thể nào phân biệt được nốt nhạc này với nốt nhạc kia.  Ở lứa tuổi đó, năng khiếu âm nhạc nếu có thì đã có rồi, nếu đã không có thì cũng không thể tạo ra được, vậy thì bắt tôi học nhạc để làm gì?Nếu được lựa chọn, tôi đã sử dụng thời gian học nhạc để học môn khác nhiều hơn. Khi so sánh với một số hệ giáo dục khác mà học sinh có quyền lựa chọn môn học (sẽ nêu dưới đây), tính hướng nghiệp cho học sinh trong chương trình phổ thông của ta quá ít, làm cho các em phải học nhiều thứ không cần thiết, học ít các thứ cần thiết (cho nghiệp sẽ chọn). Con gái chúng tôi học xong lớp 8 ở Việt Nam thì đi Singapore học tiếp trung học với chỉ 7 môn học, trong khi các bạn của cháu học lớp 9 ở Việt Nam với 12-13 môn. Con trai chúng tôi đang học giữa lớp 10 thì được nhận vào học dự bị đại học ở Anh với 6 môn học (do cháu tự chọn), chỉ bằng một nửa số môn cháu học ở Việt Nam. Chương trình phổ thông giống nhau cho tất cả học sinh trong cả 12 năm học là sự lãng phí thời gian, sức học cho học sinh, lãng phí công sức, tiền bạc cho các gia đình và toàn xã hội. Theo tôi được biết, có rất ít nước trên thế giới còn theo hệ thống giáo dục phổ thông kiểu như vậy.
Còn nữa...
Tiến sĩ Lương Hoài Nam:

- Sinh ngày 05/10/1963 tại Nghệ An.
- Tốt nghiệp Trường chuyên Phan Bội Châu, Vinh, Nghệ An (năm 1980).
- Học viên Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự).
- Tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Hàng không Riga, Lat-via, Liên-xô (cũ) (năm 1986).
- Bảo vệ luận án Tiến sỹ năm 1990 tại Liên-xô (năm 1990).
- Nguyên là Giám đốc Điều hành Hãng hàng không Air Mekong.

Các vị trí công tác trước đây:

- Trưởng ban Kế hoạch Thị trường, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines.
- Tổng biên tập Tạp chí Heritage - Vietnam Airlines.
- Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Airlines.
- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Nam Long.
- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
TS Lương Hoài Nam