Á khoa khối C Hà Tĩnh: điểm 10 Lịch sử đền đáp những kỳ vọng của cô giáo

05/08/2021 07:07
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nếu không có gia đình động viên và cô giáo cùng chia sẻ, năm học lớp 11 em đã bỏ học đi làm”, Ngô Đức Lượng chia sẻ.

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, Ngô Đức Lượng, (sinh năm 2002) - cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh) là á khoa khối C của tỉnh Hà Tĩnh với tổng số điểm 28,5. Trong đó, Lượng đạt điểm 10 môn Lịch sử; 9,75 điểm môn Địa lý và 8,75 điểm Ngữ văn.

Năm ngoái, nam sinh đạt 24 điểm khối C, nhưng với điểm số này, Lượng không trúng tuyển vào ngôi trường yêu thích. Chính vì vậy, chàng trai quyết định thi lại một năm để theo đuổi ước mơ của mình.

Ngô Đức Lượng - cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh) là á khoa khối C của tỉnh Hà Tĩnh với tổng số điểm 28,5. (Ảnh: NVCC)

Ngô Đức Lượng - cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh) là á khoa khối C của tỉnh Hà Tĩnh với tổng số điểm 28,5. (Ảnh: NVCC)

Yêu Lịch sử từ sự quan tâm và những kỳ vọng của cô giáo

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, từ lúc Lượng học lớp 2, mẹ đã phải vào Nam làm công nhân để có tiền lo cho các con ăn học, bố ở nhà lo công việc đồng áng.

Lên học cấp ba, anh chị của Lượng đều đã vào đại học, gia đình càng thêm nhiều gánh nặng lo toan, mẹ em vẫn phải chấp nhận cuộc sống xa chồng, xa con, miệt mài làm việc nơi phố thị.

Từ nhỏ đã không có mẹ cạnh bên, rồi đến khi lớn lên cũng chỉ có hai cha con trong căn nhà nhỏ, Lượng ngày càng giữ lối sống khép kín hơn.

Mang nỗi mặc cảm về hoàn cảnh của mình, chàng trai càng cố thu mình lại, không thể hòa nhập cùng bạn bè, thầy cô. Dẫu trong thâm tâm là khát khao được sẻ chia nhưng Lượng vẫn không thể tìm kiếm được tiếng nói chung từ bạn bè.

Năm học lớp 10, khi bước vào môi trường mới, Ngô Đức Lượng như bị lạc lõng, tách biệt, em khát khao được như mọi người, có mẹ cạnh bên yêu thương, được cùng bạn bè vui chơi chia sẻ.

Nhưng không biết sẻ chia cùng ai, em lại tự cuộn tròn mình lại trong những suy nghĩ tiêu cực, việc học ngày càng sa sút, lên lớp 11 Lượng không theo lớp khối ôn thi đại học nữa.

“Thời gian đó, em rơi vào khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng, em chỉ muốn bỏ học, chạy trốn khỏi những bế tắc. Thậm chí khi không kiềm chế được, em đã tự xé sách vở, em né tránh gặp tất cả mọi người.

May mắn gia đình đã động viên em, đặc biệt, cô giáo dạy môn Lịch sử đã giúp em vực dậy tinh thần, đưa em trở lại trường, trở lại với những trang sách và bắt đầu tình yêu với môn Lịch sử.

Dù là giáo viên bộ môn nhưng cô Bùi Thị Hòa đã quan tâm em, cô chú ý đến em và hiểu được những tâm tư, suy nghĩ trong lòng em. Ngoại trừ gia đình, cô là người đầu tiên giúp em mở lòng mình để chia sẻ, cô cho em thấy mình được yêu thương, được quan tâm, dù em chỉ là một học sinh với học lực bình thường.

Em sẽ không bao giờ quên thời gian đó, trong lúc em bế tắc và muốn bỏ cuộc, bàn tay cô đã nâng đỡ em đứng lên, cô nói với em về những tấm gương anh chị khóa trước, hoàn cảnh còn khó khăn hơn em rất nhiều nhưng vẫn kiên trì theo đuổi con đường học tập.

Em nói với cô về ước mơ ‘màu xanh áo lính’ của mình, cô đã chia sẻ và gửi gắm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để em vững vàng bước tiếp”, Đức Lượng tâm sự.

Cũng từ đó, Ngô Đức Lượng xin quay trở về lớp khối ôn thi đại học để tiếp tục ước mơ, thực hiện những kỳ vọng, niềm tin mà cô giáo đã gửi gắm.

Cũng chính sự quan tâm, tình yêu thương của cô giáo đã mở lối tình yêu cho nam sinh đến với môn Lịch sử. Năm 2020, trong kỳ thi tốt nghiệp, Lượng đạt 9.75 điểm cho môn học này. Và trong kỳ thi năm nay, chàng trai đã đạt được số điểm tuyệt đối môn Lịch sử.

Điểm 10 không chỉ là thành công của một bài thi mà đó chính là trái ngọt từ những nỗ lực, cố gắng của Đức Lượng cùng niềm tin mà cô giáo đã gửi gắm ở em.

Kiên trì với ước mơ “màu xanh áo lính”

Từng có ý định bỏ học, từng không đỗ vào ngôi trường mình mong muốn nhưng từ khi mở lòng chia sẻ, từ khi được mọi người gửi gắm niềm tin, chàng nam sinh năm nào đã mạnh mẽ hơn, kiên trì và nỗ lực, quyết không từ bỏ ước mơ của mình.

Ngô Đức Lượng (hàng đầu tiên bên trái) cùng thầy giáo và bạn bè chụp hình lưu giữ kỷ niệm tuổi học trò. (Ảnh: NVCC)

Ngô Đức Lượng (hàng đầu tiên bên trái) cùng thầy giáo và bạn bè chụp hình lưu giữ kỷ niệm tuổi học trò. (Ảnh: NVCC)

“Năm học lớp 12, em đã cố gắng học tập nhưng em chưa cân đối việc học ở cả ba môn, do đó, dù điểm môn Lịch sử khá cao nhưng kết quả em chỉ đạt 24 điểm, em không đỗ vào Trường Sĩ quan chính trị.

Từ nhỏ, em đã yêu màu xanh áo lính, em luôn muốn trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, được đóng góp công sức của mình cho tổ quốc. Chính vì vậy, em đã quyết định ôn thi lại mà không chọn đại một trường đại học để học tập”, Đức Lượng chia sẻ.

Nói về về kinh nghiệm ôn thi, Đức Lượng cho biết, đối với môn Lịch sử, em sẽ học theo từng giai đoạn, mỗi ngày đặt ra mục tiêu từng bài và làm các đề liên quan đến bài học.

Nam sinh cho biết, quan trọng nhất trong việc học môn Lịch sử là phải có tư duy về sự kiện, phải biết móc nối những sự kiện liên quan với nhau. Theo các này, việc ghi nhớ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Môn Địa lý cần phải biết tận dụng Át lát và ôn tập theo từng phần kiến thức trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, việc học kiến thức bổ sung qua các nguồn học liệu khác cũng vô cùng quan trọng.

Đối với môn Ngữ Văn, Lượng cho biết, em ôn thi theo từng tác phẩm văn học và làm đề cho từng tác phẩm.

“Trong quá trình học tập, em nghĩ các bạn không nên cố nhồi nhét kiến thức một cách miễn cưỡng, hãy tìm nguồn cảm hứng học tập để có thể say mê với từng trang sách.

Khi thực sự nhập tâm bằng tình yêu với môn học thì việc học sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, mọi kiến thức tự nhiên được mình hiểu một cách cặn kẽ. Đó là những gì em đúc rút được từ kinh nghiệm ôn tập của mình”, Ngô Đức Lượng chia sẻ.

Từng trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý, từng đứng dậy sau những cú ngã trên chặng đường học tập, cho đến bây giờ, điều Đức Lượng học được chính là sự trưởng thành sau những thử thách.

Với số điểm 28,5, Đức Lượng hi vọng sẽ thực hiện được ước mơ vào Trường Sĩ quan chính trị, trở thành một học viên và sống hết mình với những lý tưởng, hoài bão của mình.

Chia sẻ về cậu học trò của mình, cô Bùi Thị Hòa, giáo viên môn Lịch sử bày tỏ: "Lượng là một học sinh ngoan, có ý chí nhưng do những mặc cảm về hoàn cảnh gia đình nên nhiêu lúc em có những suy nghĩ khá cực đoan so với lứa tuổi. Chính vì thế, khi trực tiếp giảng dạy tôi đã chú ý hơn đến em và hay tâm sự, chia sẻ với em, cùng em vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Những ngày tháng ôn thi cùng em là những ngày tháng đáng nhớ và thực sự tôi nhìn thấy được sự nỗ lực của em ấy trong từng khảnh khắc. Khi nghe em ấy báo điểm, tôi vô cùng hạnh phúc, phải kiểm tra đáp án của Bộ 3 lần, Lượng mới dám chắc chắn mình được 10 điểm Lịch Sử để báo cho cô giáo, điều đó đủ để thấy em ấy vui đến nhường nào.

Tôi luôn hy vọng, chặng đường tiếp theo của mình, Lượng vẫn giữ được nhiệt huyết, ý chí kiên trì bền bỉ để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ ở ngôi trường mới".

Phạm Minh