Ấn tượng sâu đậm của một giáo viên về thầy hiệu trưởng

25/07/2021 07:04
Bài, ảnh: NGUYỄN TÚ TÂM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ấm lòng biết mấy, khi một người lãnh đạo biết gác bỏ quyền lợi cá nhân để vì tập thể, để dành cho giáo viên và học sinh.

Trường tôi được thành lập từ năm 1989 nhưng qua bao lần thay đổi, trường có những tên gọi khác nhau. Đến tháng 8 năm 2013, sau khi có Quyết định sáp nhập trường thì tên trường là Trường Tiểu học Thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh), Hiệu trưởng trường là thầy giáo Hồ Xuân Thông.

Hơn hai mươi lăm năm gắn bó với nghề, thêm một lần nữa, kỷ niệm đẹp đẽ tại nơi này lại khắc sâu trong trái tim tôi: Ấn tượng về một người thầy!

Thầy giáo Hồ Xuân Thông sinh năm 1976, vào ngành đã được hai mươi ba năm. Thầy được chuyển công tác về mái trường này vào năm 2013. Đây là thời điểm nhập trường, có thể nói “vạn sự khởi đầu nan”, với hai điểm trường, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều hạng mục xuống cấp, phải bổ sung hoặc làm mới.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh rất đông, việc quản lý trên một nghìn con người không thể nói là dễ được.

Thế nhưng, với vai trò là người đứng đầu, thầy đã nỗ lực hết sức mình, nhanh chóng đưa tập thể nhà trường đi vào quỹ đạo mới.

Thầy giáo Hồ Xuân Thông - Hiệu trưởng nhà trường trong Lễ khai giảng năm học mới

Thầy giáo Hồ Xuân Thông - Hiệu trưởng nhà trường trong Lễ khai giảng năm học mới

Theo lời dạy của Bác, “đoàn kết là sức mạnh vô địch”, việc đầu tiên và thường xuyên nhất mà thầy thực hiện đó là xây dựng một tập thể đoàn kết, thống nhất, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn.

Tôi nhớ, năm đầu tiên thực hiện Chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, dư luận bàn tán rất nhiều, có không ít người dân tỏ ra không đồng tình. Thế rồi, chính thầy đã trực tiếp vào vai giáo viên dạy lớp Một, cùng dạy, cùng dự giờ, cùng nghiên cứu để tháo gỡ vướng mắc.

Không lâu sau đó, thầy đã triệu tập một cuộc họp cha mẹ học sinh của bảy lớp Một. Hôm ấy, nhằm trời mưa gió nhưng vẫn rất ít ai vắng mặt. Họ lắng nghe từng câu, từng chữ của thầy.

Với phương châm “có đi ắt sẽ đến”, thầy đã khéo léo dẫn dắt hơn hai trăm phụ huynh cùng đóng vai con, cùng học với con.

Cứ thế, mỗi ngày lại có thêm nhiều niềm vui mới. Rất nhiều phụ huynh không ngại gặp cô cuối mỗi buổi học, không quên gọi điện cho cô mỗi khi ngồi vào bàn học cùng con để nghe cô tư vấn, giúp đỡ.

Nhiều phụ huynh cùng nhau lập nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, thường xuyên nắm bắt thông tin. Ngày ngày, cô quên cả giờ về vì ngồi lại cùng nhau để trao đổi, trò thì càng tiến bộ.

Cuối cùng, phụ huynh cũng hiểu và đồng tình ủng hộ. Qua đó, họ cũng biết thêm rằng, chương trình nào cũng có mặt ưu điểm và tồn tại nhất định, vấn đề là phải thấm nhuần tư tưởng và phải có phương pháp phù hợp, đặc biệt là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.

Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với sự tham gia của giáo viên, phụ huynh và lãnh đạo địa phương.
Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với sự tham gia của giáo viên, phụ huynh và lãnh đạo địa phương.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, được đưa vào áp dụng trong năm học 2020 - 2021 cho học sinh lớp Một.

Triển khai chưa được bao lâu thì có vài dư luận trái chiều về những “hạt sạn nhỏ” trong sách giáo khoa.

Tôi thật sự tâm đắc với kết luận của thầy tại buổi sinh hoạt chuyên môn rằng: “Giáo viên hãy xác định rõ vai trò của mình trong việc tổ chức các hoạt động dạy học là gì? Trước mắt, chúng ta được phép lựa chọn điều chỉnh những gì chưa phù hợp với đối tượng học sinh của mình cơ mà.

Còn một số nội dung mà dư luận cho rằng chỉ mới đề cập đến cái chưa tốt, đến mặt trái của cuộc sống thì giáo viên hãy cứ cho học sinh biết rằng trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại những cái tốt và chưa tốt.

Qua việc học sinh tìm hiểu, thảo luận, nêu ý kiến cùng với phân tích của giáo viên, các em sẽ xác định được đâu là việc nên làm hay không nên làm, đâu là điều cần học tập hay cần phải tránh.

Cần phải đổi mới cách dạy - cách học chứ cứ rập khuôn, máy móc sao được. Chẳng lẽ cứ tập trung nhìn vào những “hạt sạn” của sách mà quên mất vai trò quan trọng của giáo viên? Tất nhiên, nếu có sai sót thì sẽ sớm được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn khắc phục.”

Thầy Hồ Xuân Thông trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động chuyên môn

Thầy Hồ Xuân Thông trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động chuyên môn

Đúng là với phong thái của một người lãnh đạo tài năng, biết quan sát, biết lắng nghe và không ngừng học hỏi, thầy đã khơi dậy được niềm tin, niềm say mê làm việc trong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Cụ thể là phong trào tự học tự rèn được nâng tầm rõ rệt. Nhiều giáo viên dạy Mỹ thuật mà vẫn ngày đêm luyện chữ viết, giúp đỡ được rất nhiều học sinh.

Nhiều giáo viên không phải chuyên Tin học mà kỹ năng sử dụng và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng chuyên sâu.

Ấn tượng nhất đó là trong dịp nghỉ dịch Covid-19, 100% cán bộ, giáo viên đã thực hiện tốt việc dạy học trực tuyến, với số học sinh tham gia dẫn đầu toàn huyện.

Điều này đã góp phần tạo nên sự gắn kết giữa gia đình học sinh với giáo viên và nhà trường, tạo được niềm tin trong nhân dân, khẳng định vị thế và vai trò của giáo dục trong sự phát triển của xã hội.

Cũng chính nhờ cái tài “nhìn người giao việc” mà ai nấy đều được thể hiện mình. Nhiều giáo viên, ngoài việc dạy học còn tham gia được các hoạt động ở các lĩnh vực khác, tăng thêm mối quan hệ giao lưu giữa các ngành, các đơn vị. Việc tham gia các phong trào ở địa phương cũng như tham gia các cuộc thi sôi nổi hẳn lên và mang về những kết quả đáng ghi nhận.

Không những thế, thầy luôn rèn giũa cho mình một phong cách làm việc độc lập, tự chủ, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ đường mòn.

Bởi thế, thầy đã mạnh dạn đưa ra những ý kiến đề xuất rất mới mẻ và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các diễn đàn, hội nghị.

Có những ý được đưa vào kết luận của người chủ trì, có những ý lại được trường bạn vận dụng và khá hài lòng với kết quả thực hiện.

Thầy Hồ Xuân Thông, đại diện cho ngành Giáo dục Hương Sơn, đóng góp ý kiến tại Hội nghị trực tuyến cán bộ quản lý giáo dục toàn tỉnh Hà Tĩnh

Thầy Hồ Xuân Thông, đại diện cho ngành Giáo dục Hương Sơn, đóng góp ý kiến tại Hội nghị trực tuyến cán bộ quản lý giáo dục toàn tỉnh Hà Tĩnh

Nói về hoạt động chuyên môn thì khó có thể nói hết được, đặc biệt là với sự chỉ đạo quyết liệt, sự thôi thúc hành động từ người đứng đầu. Nhưng nếu điểm thêm vài nét trong bức tranh toàn cảnh của nhà trường thì phải kể đến hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ và việc tham gia vào các sân chơi trí tuệ. Kết quả tham gia Hội khỏe Phù Đổng huyện, cấp tỉnh nhiều năm liền, trường đều đạt giải cao.

Tôi từng nghe câu nói rằng “Chúng ta đi xa bao nhiêu trong đời ít quan trọng bằng những người chúng ta gặp dọc đường”.

Trên đường đời và cả trên đường nghề, tôi đã gặp được người như thế. Người đã vực dậy trong tôi những yếu mềm do sóng đời xô ngã, những bi thương do cuộc sống tạo nên.

Tôi nhận ra rằng, cuộc sống luôn tươi đẹp nếu như mỗi chúng ta đều cá cái nhìn lạc quan. Nghề của mình là cái nghề luôn mang lại niềm vui, tiếng cười.

Có niềm vui nào thuần khiết hơn niềm vui do trẻ thơ mang lại, trong trẻo - hồn nhiên - mộc mạc - chân tình! Và rồi, tôi lại làm việc hết sức mình, làm việc trong niềm say mê, hứng khởi.

Mỗi ngày, tự mình mang đến cho mình những điều mới mẻ, lan tỏa thêm niềm yêu cuộc sống tới những người xung quanh.

Đúng là “Nơi sâu nhất chính là nơi lắng nhất”. Có lẽ vì thế mà có những lúc thầy đã dành những khoảng lặng thực sự, chỉ làm chứ không “khua chiêng gõ trống”, để rồi đọng lại trong mỗi cá nhân những phút chiêm nghiệm, trải lòng, tịnh tâm cùng với những bài học lý thú.

Xukhomlumxki từng nói: “Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh, có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất trong trái tim con người.”

Phải chăng, thầy đã đem điều này vận dụng vào việc quản lý và truyền lửa cho giáo viên? Ấm lòng biết mấy, khi một người lãnh đạo biết gác bỏ quyền lợi cá nhân để vì tập thể, để dành cho giáo viên và học sinh.

Có không ít những lần, thầy đã đứng lùi lại phía sau để nhường cho đồng nghiệp của mình bước lên phía trước, trong đó có bản thân tôi. Tình cảm ấy cũng được học sinh và phụ huynh ngưỡng mộ.

Tạp chí Thế giới trong ta số 185 đã đăng bài viết của một học sinh về người thầy đáng kính đó. Trang viết gửi gắm bao lời mộc mạc, chân tình mà thấm đẫm tình thầy trò thật là cao quý!

Hình ảnh thầy hiệu trưởng và bài viết về thầy

Hình ảnh thầy hiệu trưởng và bài viết về thầy

“Thương người như thể thương thân”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đạo lý ấy luôn được thầy coi trọng và thường xuyên nhắc nhở. Những gia đình có công với cách mạng, những cụ già hoàn cảnh neo đơn, những em nhỏ có cuộc sống không được đủ đầy đều được nhà trường thăm hỏi, động viên kịp thời.

Mỗi Trung thu đến, mỗi Tết Nguyên đán sắp về, mỗi khi gặp thiên tai, dịch bệnh,… thì phong trào “nhường cơm sẻ áo” được tập thể giáo viên, phụ huynh và các nhà hảo tâm đồng tình ủng hộ, mỗi lần gom được hàng chục triệu đồng.

Tặng quà cho nhà trường và học sinh vùng lũ

Tặng quà cho nhà trường và học sinh vùng lũ

Những việc làm thiết thực của thầy trong tám năm qua đã đem lại cho ngôi trường một màu áo mới.

Sự thay đổi nhanh chóng về cơ sở vật chất phải nhắc đến công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như công tác dân vận, xã hội hóa giáo dục mà thầy đã thực hiện.

Song song với xây dựng môi trường học tập, cảnh quan nhà trường là sự chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh chất lượng giáo dục toàn diện.

Chính vì thế, trong những năm qua, trường đã đạt được nhiều thành tích, bồi đắp thêm bề dày truyền thống nhà trường từ trước đến nay.

Ngồi bên trang viết về thầy, tôi chợt nghĩ ra một điều rằng : Để nói về một con người, có khi chỉ cần một câu hay một từ là đủ. Nhưng có khi, cũng nói về con người ấy mà viết bao nhiêu trang giấy cũng không vừa.

Điều đọng lại trong tôi vẫn là: Người hiệu trưởng ấy đã giúp bao người tự nhận ra những gì còn tiềm ẩn trong họ để rồi khơi dậy và khai sáng lên, đồng thời phải khiến cho bao người phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách làm giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Với tôi, đó là một người lãnh đạo có tài, có tâm và có tầm!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Bài, ảnh: NGUYỄN TÚ TÂM