Vụ cô giáo 'hành' bé 5 tuổi ở trường mầm non Lê Quý Đôn, Hà Nội

Bác sĩ, Cục phó Bảo vệ trẻ em: 'Tôi rất bức xúc'!

29/03/2013 07:27
Trần Thiết
(GDVN) - “Qua những hình ảnh trong clip, các em bé có nguy cơ cao không chỉ bị ảnh hưởng về cột sống do phải mang vác nặng mà còn có khả năng bị ngã cầu thang gây ra những chấn thương  khác mà không ai có thể lường hết được hậu quả”.
Xung quanh vụ việc một số bé 5 tuổi ở lớp MG Lớn A2 (thuộc trường Mầm non Lê Quý Đôn, quận Hai Bà Trưng, HN) phải mang những thùng inox nặng từ tầng 4 xuống tầng 1, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội) về những nguy cơ mà các bé có thể mắc phải.

Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, BS Nguyễn Trọng An
Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, BS Nguyễn Trọng An

Ông cho biết: “Tôi đã theo dõi vụ việc trên Báo Giáo dục Việt Nam. Trong thực tế, việc hướng dẫn trẻ em lao động với những công việc đơn giản, nhẹ nhàng là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu đúng là có chuyện các cô giáo lạm dụng học sinh bê vác nặng nhọc từ trên cầu thang xuống tầng 1 như vậy thì đáng bị phê phán và lên án. Tôi rất bức xúc trước một sự việc như vậy và cho rằng các cô giáo này phải dừng ngay hành động lạm dụng trẻ em như vậy. 
Lãnh đạo nhà trường trong trường hợp này cần phải xử lý ngay lập tức trường hợp này và có báo cáo về việc xử lý. Trong ngành, tôi cho rằng Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng cũng cần xác minh, làm rõ vấn đề này và có những biện pháp xử lý thích đáng với những cô giáo bóc lột sức lao động của trẻ, gây ra những nguy cơ các tai nạn thương tích cho trẻ”.

Theo BS Nguyễn Trọng An, qua những hình ảnh trong clip, các em bé có nguy cơ cao không chỉ bị ảnh hưởng về cột sống do phải mang vác nặng mà còn có khả năng bị ngã cầu thang gây ra những chấn thương khác mà không ai có thể lường hết được hậu quả.

Vị Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cũng cho hay, ông sẽ chỉ đạo các phòng chức năng để có công văn gửi cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội để Sở có chỉ đạo làm rõ những trường hợp như thế này.

Qua việc này, ông Nguyễn Trọng An cũng kêu gọi các bậc cha mẹ cũng như các thầy cô giáo phải lường trước các hậu quả từ trường hợp như clip đã phản ánh mà vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. 
Điều 7. (Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em) Các hành vi bị nghiêm cấm:

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ;
2. Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi;
3. Dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ;
4. Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em;
5. Lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em;
6. Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác;
7. Lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;
8. Cản trở việc học tập của trẻ em;
9. Áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật;
10. Đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hoá chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em.
Trần Thiết