Bài thơ "Thưởng Tết" - nỗi niềm và lời cảnh tỉnh đối với nghề giáo

06/02/2018 06:52
BÙI NAM
(GDVN) - Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong các nghề, làm giàu từ nghề giáo là một điều không nên và không thể có trong môi trường sư phạm.

LTS: Sau khi đọc bài thơ “Tết” của thầy giáo Phan Thúc Định (giáo viên dạy môn văn tại Nghệ An) chia sẻ về việc thưởng Tết của giáo viên, tác giả Bùi Nam đã có những quan điểm và chia sẻ về nghề giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việc thưởng tết của giáo viên luôn là chủ đề luôn nhận được nhiều quan tâm của giáo viên trong cả nước.

Thông tin thưởng tết của giáo viên trong cả nước đôi khi khiến chúng tôi cũng chạnh lòng, tại các trường ngoài công lập, một số trường có điều kiện tốt, trường biết cách tiết kiệm và chăm lo giáo viên thì mức thưởng tết khá cao.

Nỗi niềm thưởng tết của giáo viên (Ảnh minh họa từ Báo Thanh tra).
Nỗi niềm thưởng tết của giáo viên (Ảnh minh họa từ Báo Thanh tra).

Năm nay, có trường mầm non thưởng tết 30 triệu đồng – một con số trong mơ mà cả năm giảng dạy kể cả làm thêm tôi và các giáo viên trẻ cũng không có chứ đừng mơ gì mà được thưởng tết đến mức như trên.

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, việc thưởng tết đối với tôi và các đồng nghiệp tại đơn vị ở một số nơi chỉ là ước mơ và ước mơ không bao giờ có thật.

Chúng tôi thường an ủi nhau rằng nghề mình là thế, thôi đành đợi năm sau…chúng tôi thường chỉ nhận những phần quà từ công đoàn đôi khi là túi mỳ chính, bịch đường, chai nước tương, chai dầu ăn,…coi như là “thưởng tết”.

Cộng đồng mạng, nhất là cộng đồng giáo viên trong cả nước được một phen “sảng khoái” và an ủi phần nào khi đọc bài thơ “Tết” của thầy giáo Phan Thúc Định (giáo viên môn văn Trường trung học phổ thông Quỳ Hợp 2, huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An) đăng tải bài thơ “Tết!” trên trang Facebook cá nhân.

Bài thơ nói về việc thưởng Tết của giáo viên, nói lên tiếng lòng của nhiều giáo viên miền núi, vùng khó khăn cũng như giáo viên trong cả nước.

Lời thơ giản dị, chân thành, ngắn gọn nhưng chứa đựng tấm lòng và lời khuyên chân thành đối với giáo viên trong cả nước.

Bài thơ "Thưởng Tết" - nỗi niềm và lời cảnh tỉnh đối với nghề giáo ảnh 2Cô giáo 30 năm ngoài đảo kể chuyện quà tết là gói mì chính, chai nước mắm

Xin được trích đăng nguyên văn bài thơ của thầy gởi đến quý độc giả trong cả nước:

“TẾT!

Vợ hỏi rằng tết được thưởng gì không?

Em đọc báo thấy nhiều ngành thích thật!

Nghề của anh tết càng thêm chật vật

Hỏi làm chi cho rơm rớm nỗi niềm...

Đã chọn anh đồng nghĩa chẳng chọn tiền

Nghề thanh bạch từ muôn đời vẫn vậy

Bao nhiêu năm có bao giờ em thấy?

Tết nhà mình dư dả để chi tiêu...

Đừng buồn em khi tiền chẳng có nhiều!

Trời bù đắp cho tiếng cười rộn rã

Lộc vẫn biếc dẫu trời đông buốt giá

Mượn môi cười bôi xóa hết ưu tư!

Bài thơ "Thưởng Tết" - nỗi niềm và lời cảnh tỉnh đối với nghề giáo ảnh 333 năm đứng lớp chưa biết thưởng tết là gì

Tết với anh là ánh mắt nhân từ

Người vợ đảm luôn sẵn lòng chia sẻ

Là nụ cười tinh tươi trên bờ môi con trẻ

Líu lo lòng mỗi sáng giữa trời yên!”

Sau khi bài thơ trên đăng lên, đã có hơn hàng nghìn lượt like (thích), bình luận và chia sẻ.

Nhiều người bình luận khen thơ hay, chuẩn, nói lên được nỗi niềm chung của giáo viên - nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý khi Tết đến xuân về.

Đọc bài thơ nhiều giáo viên trong cả nước, trong đó có tôi được an ủi, ấm lòng phần nào khi biết rằng dù mình không có thưởng tết nhưng mình có rất nhiều thứ hơn đó chính là những tấm lòng, những nụ cười, những lời chúc chân thành của các đồng nghiệp và các em học sinh.

Đó chính là món quà và là phần “thưởng tết” cao quý nhất mà mình nhận được không phải chỉ đơn thuần là những món quà vật chất thông thường.

Bài thơ trên cũng là lời khuyên chân thành nhất đối với các em học sinh khi có ý định bước chân vào nghề sư phạm, có ý định trở thành những người thầy rằng đã chọn nghề giáo viên là chọn sự thanh cao, cao quý đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm giàu từ nghề giáo, nghề giáo là nghề cho đi chỉ giàu tình thương, giàu nhân cách không phải là giàu vật chất.

Bên cạnh đó, bài thơ cũng là lời cảnh tỉnh với các giáo viên đang giảng dạy, đang làm giàu từ nghề giáo (chủ yếu từ dạy thêm) hãy suy nghĩ, cẩn trọng và dừng lại trước khi quá muộn.

Chúng ta hãy nghĩ về mình, về sự cực khổ, quá sức hay hạn chế sự tư duy sáng tạo học sinh, về những đồng tiền xương máu hay mồ hôi nước mắt của phụ huynh về nghề.

Bài thơ "Thưởng Tết" - nỗi niềm và lời cảnh tỉnh đối với nghề giáo ảnh 4Thưởng tết của giáo viên bám đảo là hộp mứt, gói trà

Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong các nghề, làm giàu từ nghề giáo là một điều không nên và không thể có trong môi trường sư phạm.

Mọi người nếu đã chọn vị hôn phu, hôn thê của mình làm nghề giáo thì hãy luôn thông cảm, thấu hiểu với công việc khó khăn, gian khổ của giáo viên và phải chấp nhận rằng giáo viên chỉ giàu nhân cách, tình thương, giàu tiếng cười chứ không thể giàu vật chất, tiền bạc.

Dù trong cuộc sống ai cũng có nhiều khó khăn gian khổ, nhiều thử thách chông gai nhưng tôi tin rằng giáo viên lấy nhân cách làm tiêu chuẩn hàng đầu, luôn cố gắng giảng dạy và giáo dục các em trong từng tiết dạy.

Nền giáo dục của chúng ta đang tiến bộ không ngừng, sang năm mới mong rằng, các thầy cô giáo của chúng ta hãy luôn là tấm gương sáng…mà không phải là việc vi phạm dạy thêm, học thêm, vi phạm đạo đức, nghề nghiệp hay bệnh “giả dối” trong ngành.

Cũng hy vọng năm sau ngành giáo dục cả nước quan tâm giáo viên hơn, để mọi giáo viên đều có thưởng tết.

Nhân dịp xuân Mậu Tuất, xin chân thành chúc tất cả đồng nghiệp và độc giả trong cả nước dồi dào sức khỏe, luôn gặp nhiều may mắn, thành công trong công việc và cuộc sống!

BÙI NAM