Băn khoăn về tương lai môn Lịch sử nhìn từ thông cáo báo chí của Bộ Giáo dục

26/04/2022 08:34
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn Sử trở thành môn tự chọn ở cấp Trung học phổ thông đã là điều hiển nhiên rồi, không thể thay đổi được vì mọi cơ sở pháp lí đều đã được Bộ thực hiện đầy đủ.

Hàng chục năm qua, mỗi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hay kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đi qua thì nỗi buồn môn Sử lại được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Môn Sử thường đứng đội sổ về điểm số so với các môn thi khác và ngành giáo dục, các nhà trường cứ mãi loay hoay cải tiến, cải lui mãi mà vẫn chưa thể nào cải thiện được điểm số qua kỳ thi tập trung và quan trọng nhất của học sinh phổ thông.

Đó là khi môn Sử còn là môn học bắt buộc ở trường phổ thông, nó được đứng riêng biệt, độc lập từ lớp 6 cho đến lớp 12 và giáo viên Sử dạy môn Sử.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Lịch sử được thiết kế hoàn toàn khác so với chương trình 2006 bởi kiến thức lịch sử được thiết kế ở giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 và chuyên sâu ở lớp 10 đến lớp 12.

Chỉ tiếc, trong giai đoạn giáo dục cơ bản cho học sinh phổ thông thì kiến thức môn Lịch sử dù số tiết nhiều hơn so với chương trình 2006 nhưng có thể học sinh sẽ không được học Sử với giáo viên được đào tạo chuyên sâu về Lịch sử.

Vì thế, “nỗi buồn môn Sử” có thể còn sẽ kéo dài không chỉ là 1-2 năm tới đây mà có thể nó sẽ hết cả vòng đời, chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử đã được gộp chung với môn khác, lên đến cấp Trung học phổ thông thì môn Lịch sử là tự chọn (Ảnh: Nguyễn Cao)

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử đã được gộp chung với môn khác,

lên đến cấp Trung học phổ thông thì môn Lịch sử là tự chọn (Ảnh: Nguyễn Cao)

Môn Lịch sử ở chương trình 2018 có đáng lo không?

Trước những phản ánh của dư luận về môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp Trung học phổ thông trong những ngày gần đây thì ngày 23/4/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông cáo báo chí về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong Thông cáo báo chí của Bộ đã đề cập rõ cơ sở xây dựng, mục tiêu, số tiết trong từng giai đoạn giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nếu chỉ nhìn vào số liệu, thông tin và lãnh đạo Bộ đã cung cấp trong Thông cáo báo chí có thể khiến nhiều người an tâm bởi nó đã được thể hiện rất rõ về mọi mặt. Tuy nhiên, ẩn sau những thông tin này vẫn còn rất nhiều những nỗi lo hiện hữu.

Trong Thông cáo báo chí của Bộ đã đề cập đến 2 giai đoạn giáo dục phổ thông, đó là: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản và Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Đó là: “Ở giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý không thay đổi về thời lượng so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006…

…Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử.

Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp trung học cơ sở trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

Nếu tính riêng phân môn Lịch sử thì chương trình không thay đổi về thời lượng so với môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006”. [1]

Nếu chỉ nhìn vào số tiết như thế này, có lẽ nhiều người sẽ tạm yên tâm về thời lượng giảng dạy môn Sử ở các cấp học phổ thông. Song, vấn đề này còn nhiều nỗi băn khoăn.

Đó là môn Lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) đã không còn đứng độc lập mà nó được gán ghép với kiến thức của những môn học khác. Từ lớp 1 đến lớp 3 kiến thức lịch sử chỉ là phân môn trong môn học Tự nhiên và Xã hội.

Từ lớp 4 đến lớp 9 kiến thức lịch sử được đưa vào môn học Lịch sử và Địa lí nên dù số tiết theo Thông cáo báo chí của Bộ nhiều hơn chương trình 2006 nhưng thực chất còn nhiều chuyện đáng bàn.

Thứ nhất: ở cấp tiểu học thì giáo viên nào dạy 2 môn học: Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lí?

Nhìn vào tên môn học thì về cơ bản kiến thức lịch sử ở tiểu học giữa chương trình 2006 và 2018 hoàn toàn giống nhau. Tất nhiên, các trường học vẫn bố trí giáo viên dạy 2 môn học này như trước đây bởi thực tế ở tiểu học chỉ có các môn chuyên có giáo viên riêng là Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Tin học, Ngoại ngữ.

Các môn học còn lại ở tiểu học đều do giáo viên chủ nhiệm đảm nhận. Vì thế, chương trình 2006 thì 2 môn có kiến thức lịch sử do giáo viên chủ nhiệm dạy và chương trình 2018 có lẽ…vẫn thế.

Nhưng, giáo viên chủ nhiệm họ có xem trọng kiến thức 2 môn học này chưa hay họ xem trọng môn Tiếng Việt và môn Toán, họ chỉ dạy một vài kiến thức cho có để học sinh kiểm tra khi chuẩn bị kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ?

Suy cho cùng kiến thức lịch sử ở tiểu học những năm qua chưa được xem trọng và nếu không có sự chỉ đạo, không có sự sâu sát thì chương trình 2018 cũng sẽ dạy giống chương trình 2006 mà thôi.

Thứ hai: ở cấp trung học cơ sở thì kiến thức lịch sử là phân môn trong môn học Lịch sử và Địa lí. Năm học này các trường đang bố trí giáo viên phân môn nào thì dạy phân môn đó.

Nhưng, theo hướng dẫn của Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT Ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lí [2] thì những giáo viên môn Lịch sử và giáo viên môn Địa lí hiện nay phải tham gia học từ 20-36 tín chỉ để dạy cả môn Lịch sử và Địa lí.

Điều này cũng đồng nghĩa tới đây, những giáo viên Địa lí hiện nay sẽ dạy cả phân môn Lịch sử và giáo viên Lịch sử hiện nay sẽ dạy cả phân môn Địa lí.

Như vậy, nếu học sinh được học Sử với thầy cô có chuyên ngành đào tạo môn Sử ở trường sư phạm thì có thể nắm kĩ hơn, hiểu sâu hơn về lịch sử nước nhà. Ngược lại, nếu học Sử với thầy cô có chuyên môn Địa lí thì có lẽ cũng chỉ là học cho có mà thôi.

Cách dạy để lấy chứng chỉ trong ngành giáo dục trong hàng chục năm nay cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, học chỉ để lấy chứng chỉ cho đủ chứ kiến thức… thì khó nói lắm.

Điều chúng tôi quan tâm nữa là bên cạnh số tiết được thiết kế cho môn Lịch sử thì Thông cáo báo chí của Bộ còn đề cập kiến thức lịch sử còn có trong một số môn học khác, đó là:

Nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong môn Đạo đức (ở cấp tiểu học), môn Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9.

Trong đó, Lịch sử của các địa phương tiếp tục được đưa vào dạy học bắt buộc ở tất cả các lớp, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc Việt Nam…

….Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12.

Đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam”. [1]

Nhưng, thực tế thì có phải hoàn toàn như vậy không? Thực ra, kiến thức lịch sử trong các môn học này rất nhỏ giọt. Chẳng hạn như Nội dung giáo dục địa phương thì kiến thức lịch sử địa phương chỉ chiếm 5/35 tiết/ 1 năm học. Như vậy, 12 năm cũng chỉ có 60 tiết học về lịch sử địa phương mà thôi.

Các môn Giáo dục công dân; Giáo dục quốc phòng và an ninh thì nhiệm vụ chính không phải là “gánh” môn Lịch sử bởi mục tiêu đã thể hiện rất rõ ở chương trình môn học.

Vì thế, Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) dù kiến thức lịch sử là bắt buộc nhưng chỉ tiếc là nó được gán ghép cơ học với một số kiến thức của môn học khác. Nên nhiều hay ít tiết cũng chưa phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 là ai sẽ dạy kiến thức lịch sử cho học trò?

Nỗi buồn môn Sử sẽ chưa hết ở chương trình 2018

Thực tế nhiều năm qua cho thấy cũng có rất nhiều học sinh yêu thích những câu chuyện, danh nhân, kiến thức lịch sử nhưng lại rất sợ…học môn Sử.

Học sinh sợ học Sử vì nó có nhiều số liệu, sự kiện được tái hiện khô khan, máy móc đến nhàm chán. Kiểm tra môn Sử ở nhà trường hiện nay chủ yếu là trắc nghiệm khách quan, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng thực hiện trắc nghiệm.

Vì thế, kiểm tra ở nhà trường thì điểm rất cao vì nhiều học sinh được giáo viên cho học sẵn đáp án trước khi kiểm tra. Em nào không học thì khi kiểm tra có thể nhìn bài của bạn. Khoanh tròn những đáp án trong bài kiểm tra thì có khó khăn gì đâu.

Nhưng, đến khi bước vào thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì điểm thấp bất ngờ vì lúc này học sinh không nhìn bài của thí sinh bên cạnh được nên năm nào điểm số cũng gần như đội sổ.

Để môn Sử không còn là nỗi ám ảnh học trò, chúng tôi cho rằng cái quan trọng nhất là cách dạy và cách đánh giá môn Sử ở các cấp học phổ thông hiện nay cần phải thay đổi toàn diện.

Lúc này, môn Sử đã trở thành môn tự chọn ở cấp Trung học phổ thông đã là điều hiển nhiên rồi, không thể nào thay đổi được vì mọi cơ sở pháp lý đều đã được Bộ thực hiện đầy đủ.

Vì thế, chúng tôi cho rằng giờ đây điều quan trọng là lãnh đạo ngành giáo dục từ Ban giám hiệu nhà trường đến lãnh đạo Bộ cần phải tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất: ở cấp Tiểu học phải chỉ đạo, quán triệt giáo viên dạy đầy đủ các môn học theo đúng thiết kế của chương trình 2018. Tránh tình trạng giáo viên chủ nhiệm chỉ tập trung vào môn Toán và Tiếng Việt, lơ là các môn học còn lại.

Thứ hai: ở cấp Trung học cơ sở cần bồi dưỡng giáo viên một cách nghiêm túc, có chiều sâu để giáo viên Địa lí có thể có kiến thức và đảm nhận tốt phân môn Lịch sử. Tránh tình trạng đào tạo chứng chỉ cho có dẫn đến tình trạng kiến thức của giáo viên chưa tốt thì làm sao có thể đảm nhận được môn của mình giảng dạy.

Thứ ba: kiến thức lịch sử cần được thể hiện rõ ràng nhưng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Tránh tình trạng liệt kê số liệu quá nhiều dẫn đến sự sợ hãi cho học sinh.

Thứ tư: trong quá trình kiểm tra, thi cử cần có sự kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan chứ không nên trắc nghiệm hoàn thì sẽ giúp cho học sinh hiểu sử, phân tích sử một cách thấu đó.

Từ đó, mới giúp học sinh yêu thích môn Sử và cũng là cách mà ngành giáo dục đạt được mục tiêu như chương trình tổng thể, chương trình môn học đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7830

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2455-qd-bgddt-206143-d1.html

NHẬT DUY