Bàn thêm về thần tượng

03/10/2012 06:57
Theo ANTG
Đề thi Văn thuộc khối D của kỳ thi Đại học vừa qua: “Ngưỡng mộ thần tượng là một vẻ đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa” đã được nhiều ý kiến khen ngợi: Là mới, là mở, là tích cực hơn các đề thi cũ và gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí, các diễn đàn mạng với nhiều nội dung khác nhau. Bài viết này bàn về “thần tượng” - một vấn đề luôn hiện diện ở mỗi cá nhân, con người trong đời sống.
Khái niệm “thần tượng” (L’idole, idol) như chúng ta đã biết, để chỉ một nhân vật nào đó được yêu mến, kính phục, sủng bái, tôn thờ. Đối với trẻ nhỏ, hình tượng của người mẹ là biểu tượng của sự trìu mến, ấm no, vui sướng và an toàn. Đấy cũng là những tín hiệu ở cấp độ sơ khởi nhất về “thần tượng”.
Trong những năm tháng đầu đời, trẻ em chủ yếu sống bao bọc trong khung cảnh của gia đình, nên hình tượng của người mẹ hay người cha sẽ là hai nhân vật “thần tượng” đầu tiên của chúng. Những tình cảm, những hành động, những tác phong, những cách sống… của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều tới đứa trẻ. Cha mẹ chính là những “thần tượng” được những đứa trẻ yêu mến, lấy đó làm khuôn mẫu, làm tấm gương để học tập, noi theo trong quá trình hình thành, phát triển những kỹ năng sống, phát triển nhân cách của mình. Những ảnh hưởng từ cha mẹ ở thời kỳ ban đầu này của trẻ chưa phải được tiếp nhận chủ yếu bằng lý trí mà còn mang nhiều tính bản năng, nên chúng noi theo, học tập cha mẹ (những “thần tượng” này) một cách thụ động theo kiểu bắt chước. Đến khi những đứa trẻ bước vào giai đoạn đến tuổi cắp sách đến trường thì cuộc sống của chúng không còn bó hẹp trong khung cảnh gia đình nữa mà đã mở rộng ra với thế giới bên ngoài, với xã hội.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet).
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet).

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Tiếp xúc nhiều điều mới lạ với thế giới bên ngoài, với xã hội; năng lực quan sát của trẻ không ngừng được mở rộng, đặc biệt khi bước vào môi trường học tập, từng ngày, từng tháng, từng năm, năng lực trí tuệ của trẻ không ngừng được phát triển, đồng nghĩa với việc chúng từng bước thay đổi dần những nhận thức bản năng bằng những nhận thức của trí tuệ với những điều chúng thấy, chúng biết, chúng tìm hiểu.
Có thể nói, giai đoạn từ lúc trẻ cắp sách tới trường đến lúc chúng học hết chương trình phổ thông trung học - tức từ lúc đi học đến tuổi trưởng thành (khoảng độ tuổi từ 6 đến 16, 17 tuổi) là giai đoạn quan trọng nhất của việc phát triển nhân cách cũng như phát triển những năng lực, những tiềm năng, những tố chất, những năng khiếu, những tính cách của chúng. Giai đoạn này cũng là giai đoạn của quá trình trẻ tìm kiếm cho mình những “thần tượng” để làm khuôn mẫu noi theo. Những “thần tượng” của những học sinh ở cấp I và suốt cả những năm ở cấp II chưa phải là những nhân vật có điều gì lớn lao, to tát lắm, đó thường là những bạn cùng lớp, cùng trường, có những tố chất, năng khiếu nổi trội, được những học sinh thích, yêu mến, cảm phục.
Giai đoạn học sinh bước vào cấp III, đặc biệt là những năm cuối cấp, có thể nói việc tìm kiếm lựa chọn những “thần tượng” để yêu thích, thán phục, tôn thờ làm khuôn mẫu noi theo cho những ước muốn về nghề nghiệp, sự nghiệp, tiền đồ của các bạn trẻ này đã được xác lập, định hình một cách khá rõ ràng và chắc chắn, tùy vào những hoàn cảnh, điều kiện gia đình, vào môi trường xã hội, địa lý, vào những năng lực, những khả năng, những tố chất, những năng khiếu, những trải nghiệm, những tính cách khác nhau của mỗi học sinh mà mỗi người sẽ tìm cho mình những thần tượng theo ý muốn. Có bao nhiêu nghề nghiệp, ngành nghề trên đời là có bấy nhiêu ý thích, ước muốn của các em, tùy theo năng lực, khả năng của mỗi người để lựa cho mình “thần tượng” nào đó đã từng yêu mến, cảm phục, tôn thờ làm khuôn mẫu, tấm gương để học tập noi theo. Những A.Einstein, C.Darwin, Bill Gates, Steve Jobs, Tôn Thất Tùng, Ngô Bảo Châu, Neil Armtrong, Sherlock Holmes, E. Hemingway, M. Proust, B. Pasternak, Angelina Jolie, Whiney Houston, Đặng Thái Sơn, Michael Phelps… có lẽ cũng đã từng là những “thần tượng” của ai đó.
Sau đề thi văn này, trên một tờ báo, nhà giáo, nhà văn Nhật Chiêu (Đại học KHXH&NV - TP HCM), khi bàn về “thần tượng” của giới trẻ thời nay, ông nói với một nỗi lo âu ái ngại rằng: “Có thể nhận thấy ngay “thần tượng” của phần lớn giới trẻ hiện nay là ca sĩ, diễn viên, các cầu thủ thể thao…” mà các lĩnh vực khác thì không thấy!
Thực ra thì không phải như vậy, sống trong xã hội, mỗi người trong công việc, sự nghiệp của mình đều có những thần tượng để yêu mến, cảm phục, tôn thờ. Ngay cả những người hoạt động trong những xã hội đen, các băng nhóm tội phạm, khủng bố… họ cũng có những “thần tượng” để yêu thích, sùng bái. Nhà giáo, nhà văn Nhật Chiêu có cảm nghĩ như vậy chỉ vì do giới báo chí, truyền thông từ lâu nay đã viết lách, tuyên truyền, quảng bá quá nhiều cho những “thần tượng” trong lĩnh vực giải trí (điều này cũng có nhiều nguyên nhân, lý do) mà ít viết, tuyên truyền, quảng bá những “thần tượng” ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nên mới cho nhiều người có chung một cảm nghĩ như vậy về vấn đề “thần tượng” hôm nay. Ngay cả những người ra đề thi văn cho khối D của kỳ thi vào đại học năm nay cũng bị chi phối với cảm nghĩ này khi ra đề thi về vấn đề “thần tượng” nên đã mắc lỗi là lấy “thần tượng” của một lĩnh vực (cụ thể ở đây là những thần tượng trong lĩnh vực giải trí) để đưa ra nhận định mang tính phổ quát của vấn đề “thần tượng” nói chung. Tất nhiên chỉ lấy một hiện tượng, một lĩnh vực để đưa ra nhận định chung mang tính khái quát sẽ sai.
Những ai đó đã coi những Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Phương Thanh, Thanh Lam, Tùng Dương là thần tượng và đã yêu thích họ đến mê muội có thể (có thể thôi) sẽ là một thảm họa. Nhưng những người nào đó đã chọn Bill Gates, Steve Jobs, Tôn Thất Tùng, Ngô Bảo Châu, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Nguyễn Viết Xuân… làm thần tượng và đã nể phục, yêu mến đến si mê đối với những thần tượng này sẽ khó dẫn tới thảm họa. Trái lại có nhiều người yêu mến tôn thờ những “thần tượng” như vậy trong xã hội, đất nước, dân tộc sẽ có đại đức, đại phúc. Nhưng có những ai đó chỉ cần “ngưỡng mộ” thôi những “thần tượng” như Năm Cam, Lê Văn Luyện (những tội phạm ít học) hay ở một dạng khác như Osama bin Laden, A.B Breivik (Na Uy), Julian Assan (chủ mạng Wikileas) như một số người đã thán phục, ngợi ca, tôn xưng là “thần tượng” thì có thể coi đó là một nét đẹp văn hóa được không?
Cho nên vấn đề làm sao chọn được những “thần tượng” cho đúng, cho có ý nghĩa mới là điều quan trọng đáng được quan tâm nhất. Để lựa chọn đúng thần tượng, mỗi người phải có được những khả năng lựa chọn. Khả năng lựa chọn lại phụ thuộc vào năng lực của mỗi người.
Con người muốn tồn tại cần phải phát huy nhiều năng lực khác nhau. Nhưng có ba năng lực mà ai ai cũng thấy rất cần thiết phải cố gắng thường xuyên để vun đắp, nâng cao nếu muốn sống ở đời hay hơn, tốt hơn, đó là: năng lực lý trí, năng lực đạo đức và năng lực thẩm mỹ.
Khi nhận thức con người phải dựa vào những giác quan, trực giác, tình cảm - đó là một vế, một cơ sở nền tảng trong quá trình nhận thức. Nhưng, nhận thức chỉ dựa vào cảm giác, trực giác, tình cảm không có được sự trợ giúp của những lý trí sáng suốt thì chỉ là những nhận thức mù lòa mặc dù đó là những nhận thức rất ấn tượng, sống động. Việc học tập, trau dồi những kiến thức, học vấn để nâng cao năng lực lý trí sẽ giúp cho mỗi người nhìn rõ, đánh giá đúng mọi điều, tránh được những sai lầm, nhầm lẫn.
Trong đời sống con người, sánh ngang tầm quan trọng với lĩnh vực nhận thức là lĩnh vực đạo đức. Về sinh hoạt đạo đức, từ lâu như E.Kant đã dạy: Những hành vi chỉ dựa vào tính vị kỷ, tư lợi, những dục vọng thấp kém hay chỉ nặng về tình cảm, ước muốn cá nhân, riêng tư thì không được coi là đã hành động đúng theo “Quy luật đạo đức”.
Với E.Kant “Quy luật đạo đức” được hiểu đó là những nguyên tắc đạo đức mang tính phổ quát của bản chất người, mà ai đã tự nhận làm người thì phải tuân theo: Con người hành động theo thiện chí (bonne volonté), thiện ý (bon foi), thiện tâm (bon coeur) theo lẽ phải (conforme à la raison), và con người khác với muôn loài khác: sống là biết luôn luôn mong ước vươn đến những điều toàn hảo, toàn mỹ, những điều thánh thiện (volonté Sainte). Người nào nhận thức được, hiểu được, hành động đúng theo được tinh thần, nội dung của “Quy luật đạo đức” này sẽ là những người có năng lực đạo đức. Nhưng con người khi sinh ra chưa làm tốt ngay được những điều như vậy, mà phải học tập, rèn luyện thường xuyên mới đạt được. Có năng lực đạo đức, mỗi người sẽ hành xử đúng đắn, sống tốt đẹp, nhìn nhận, đánh giá mọi điều chuẩn mực hơn.
So với năng lực nhận thức và năng lực đạo đức, là hai năng lực tối cần thiết và quan trọng hàng đầu đối với mọi người trong đời sống thì năng lực thẩm mỹ cũng rất quan trọng, nhưng không nhất thiết bắt buộc tất cả mọi người phải có. Nhưng nếu có được năng lực này, cuộc sống sẽ phong phú, thú vị, có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Để thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật, con người không chỉ dựa vào sự cảm nhận trực quan của các giác quan. Dù có được những đôi tai thính nhất, những đôi mắt tinh tường nhất, và có những trực giác nhạy cảm nhất, nhưng thiếu những kiến thức về mỹ học, về các môn, ngành nghệ thuật thì cũng khó có thể biết, hiểu một cách chắc chắn, đầy đủ, sâu sắc được thế nào là hay là dở, là đẹp, là xấu… khi tiếp xúc, đối diện với những tác phẩm nghệ thuật. Cho nên muốn thưởng thức, hưởng thụ, đánh giá nghệ thuật cũng phải được học tập, rèn luyện những điều này để có được những năng lực thẩm mỹ mới cảm thụ nghệ thuật một cách đầy đủ, sâu sắc, tốt nhất. Điều này sẽ làm cho tâm hồn của mỗi người phong phú, hưng phấn và giàu sang hơn. Không những vậy, có được năng lực này sẽ giúp ích rất nhiều cho mỗi người khi tìm kiếm, chọn lựa những “thần tượng” trong lĩnh vực giải trí của mình.
Sẽ khó có thể coi những người yếu kém, thiếu hụt nặng nề 3 năng lực này là những người đã có được một đời sống có văn hóa và chắc chắn những người như vậy rất khó bộc lộ được những bản sắc, cá tính, cái riêng, cái cá nhân tích cực trong đời sống, mà trong cuộc sống, nói như Neitzsche: “Con người không thể hiện được cái cá nhân của mình thì chỉ như là một con vật trong đàn (aminal de troupeau), vì thế mọi hành động, mọi quyết định, nhận định, đánh giá mọi ý thức, mọi ước muốn… bị cuốn theo lối a dua, theo tâm lý của đám đông. Và hiện nay trong đời sống xã hội của chúng ta không ít người trong giới trẻ đang ở trong thực trạng này, thể hiện ở nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có cả vấn đề liên quan đến “thần tượng”.
Riêng đối với vấn đề liên quan đến “thần tượng” thì việc làm thế nào để kiến thiết, xây dựng, gia tăng ba năng lực nói trên với các bạn trẻ hiện nay tạo cho họ có được một bản lĩnh chắc chắn, một phông văn hóa đầy đủ giúp ích tốt nhất cho việc tìm kiếm, lựa chọn những “thần tượng” cho mình là điều cần thiết, quan trọng nhất. Còn việc xác định ra những mức độ, những giới hạn cho việc yêu mến những thần tượng của mình thế nào là hợp lý, là đủ có lẽ không có nhiều ý nghĩa lắm.
Theo ANTG