Bao giờ thì có Hội nghị Cán bộ - Công chức đúng nghĩa ở trường học?

22/09/2015 07:44
Trần Vũ
(GDVN) - Mong Hiệu trưởng từ năm học này, bớt ra một khoản nhỏ trong nguồn thu “hoa hồng ” để in ấn cho mỗi thầy, cô một tập văn kiện Hội nghị Cán bộ - Công chức.

LTS: Tác giả Trần Vũ (từ Tây Ninh) băn khoăn về chuyện giáo viên tham gia Hội nghị Cán bộ - Công chức nhưng không có tài liệu trong tay thì làm sao có thể đóng  góp ý kiến đầy đủ và chính xác, thế thì làm sao phát huy được hết quyền làm chủ của tập thể giáo viên? 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Hàng năm cứ sau ngày khai giảng, vào độ hai tuần, các trường học tổ chức Hội nghị Cán bộ - Công chức nhằm: “Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước” (Điều 2 - Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 9/1/2015 của Chính phủ).

Bạn tôi dạy học ở một trường THPT lớn  trong tỉnh, có kể cho tôi nghe: Trong một lần Hội nghị Cán bộ - Công chức ở  trường, trong văn kiện báo cáo trước hội nghị, văn bản về “Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường” được soạn khá chi tiết với  4 chương và 17 điều; nhưng đáng nói là trong Quy chế  không có điều 3 (chỉ  còn 16 điều), thế mà cả Hội đồng nhà trường hơn 70 thành viên không ai phát hiện.

Vì sao thế? Tôi nghĩ người biên soạn (có thể là Hiệu trưởng), sau khi biên tập không có thời gian để đọc lại? Bạn tôi cho biết thêm, trước khi Hội nghị tiến hành, tài liệu được phát cho Ban giám hiệu, bí thư Đoàn, chủ tịch Công đoàn, trưởng ban Thanh tra nhân dân, thư ký hội đồng và Tổ trưởng chuyên môn, còn giáo viên thì không có.  

Một tập văn kiện dày khoảng 60 trang, Đoàn chủ tịch thay phiên nhau đọc trong khoảng hơn một giờ  đồng hồ, người có người không, nên không ai nhìn thấy sai sót là phải, dù trước đó đã có hội nghị ở Tổ chuyên môn.  

Tôi tự hỏi, tài liệu không có trong tay thì làm sao giáo viên có thể đóng  góp ý kiến đầy đủ và chính xác, thế thì làm sao phát huy được hết quyền làm chủ của tập thể giáo viên? 

Cũng trong Hội nghị  lần đó, có giáo viên đề nghị nhà trường  trích trong các khoản “hoa hồng” để in ấn tài liệu phát cho tất cả cán bộ - công chức trước khi dự Hội nghị. Đoàn Chủ tịch có tiếp thu, nhưng hứa sẽ thực hiện khi có được tiền tài trợ . 

Cần lắm một Hội nghị Cán bộ - Công chức ở trường học đúng nghĩa (Ảnh: thanhtra.angiang.gov.vn)
Cần lắm một Hội nghị Cán bộ - Công chức ở trường học đúng nghĩa (Ảnh: thanhtra.angiang.gov.vn)

Bạn tôi cho biết thêm, trong trường có nhiều khoản “hoa hồng”: Mua quần áo thể dục và phù hiệu cho học sinh, văn phòng phẩm, sổ liên lạc điện tử, phí bảo hiểm thân thể và còn các khoản khác nữa…). 

Ai hưởng những khoản này, tôi nghĩ Hiệu trưởng nhà trường không thể không được chia, còn giáo viên như bạn tôi thì rõ ràng là không có.   

Mong ông Hiệu trưởng nhà trường từ năm học này, bớt ra một khoản nhỏ trong  nguồn thu “hoa hồng” để in ấn cho mỗi  thầy- cô giáo một tập văn kiện Hội nghị Cán bộ - Công chức để nghiên cứu trước và để có ý kiến đóng góp thiết thực hơn vào nghị quyết của hội nghị. 

Bởi lẽ trong Hội nghị lần đó chỉ có một vài ý kiến xoay quanh chế độ được hưởng, tiền thưởng, điểm thi đua... còn thảo luận, bàn biện pháp thực hiện kế hoạch công tác năm học mới  của nhà trường thì không có ý kiến.  

Cũng nghe bạn kể, Hội nghị Cán bộ - Công chức lần đó, có giáo viên bức xúc lên tiếng về  việc chia thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức do “Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị” năm học trước được Hội nghị Cán bộ - Công chức thống nhất tiền thu nhập tăng thêm chia theo cấp bậc- chức vụ. 

Thế nhưng, khi thực hiện Hiệu trưởng điều chỉnh phân chia lại theo danh hiệu thi đua mà không có lời giải trình cho tập thể biết, nghĩa là làm trái với  Nghị quyết Hội nghị Cán bộ - Công chức.

Bao giờ thì có Hội nghị Cán bộ - Công chức đúng nghĩa ở trường học? ảnh 2

Dân "gian" thì chặt chém, quan tham thì xà xẻo

(GDVN) - Chuyện “xà xẻo”, nếu mà chẳng còn gì để “xà xẻo” thì nạn “xà xẻo” tự nhiên biến mất, vậy nên cứ “từ từ”, không nóng vội được đâu?

Còn hội nghị lần này dự thảo nêu phương án là chia theo danh hiệu thi đua và trong hội nghị có ý kiến trái chiều, thế thì Hiệu trưởng lấy quyền Thủ trưởng đơn vị quyết luôn trong Hội nghị Cán bộ - Công chức là chia bình quân tất cả như nhau .

Nghe bạn kể, tôi thật sự bất ngờ: Thủ trưởng  đơn vị  làm thế thì làm sao đảm bảo dân chủ thật sự trong trường học.

Thiết nghĩ, quản lý trường học là không được “Tiền hậu bất nhất” ; nếu đã cho tập thể biểu quyết một điều chưa đúng với  văn bản tài chính, khi điều chỉnh lại thì Hiệu trưởng phải thông báo cho Hội đồng nhà trường được biết và trong Hội nghị Cán bộ - Công chức, Hiệu trưởng không nên đưa ra một quyết định khi chưa thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn nhà trường .  

Bởi lẽ theo nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm  về sử dụng kinh phí quản lý hành chính (Thông tư liên tịch số: 71/20014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014) là: “ …thực hiện công khai, dân chủ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động” (Mục 3 điều 2) và Quy định tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính là: “... Người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn; không thực hiện việc chia thu nhập tăng thêm cao bằng bình quân hoặc chia theo hệ số lương. Mức chi trả cụ thể do Thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan ”(Mục 8 điều 3).   

Việc tổ chức Hội nghị Cán bộ - Công chức trong trường học, đúng với mục đích, yêu cầu thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị, không chỉ là động lực để thầy- cô giáo phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, mà còn là thước đo về phẩm chất và năng lực lãnh đạo của người cán bộ quản lý trường học .

Trần Vũ